Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật Đức An, Hà Nội.
Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến và trả lời của luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật Đức An, Hà Nội xung quanh vấn đề này.
- Để hỗ trợ cho hộ chăn nuôi ngày 4.9.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015- 2020. Việc hỗ trợ này bao gồm: Hỗ trợ phối giống nhân tạo hàng năm đối với lợn, trâu, bò; hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống và gà, vịt giống bố mẹ hậu bị; hỗ trợ về xử lý chất thải chăn nuôi…
- Về hỗ trợ phối giống nhân tạo hàng năm đối với lợn:
Theo điểm a, khoản 2, Điều 3 quyết định này thì: Khi mua lợn sẽ được hỗ trợ một lần đến 50% giá trị con giống lợn cho các hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để thực hiện phối giống dịch vụ. Mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)/1 con đối với lợn đực giống từ 6 tháng tuổi trở lên; mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 3 con lợn đực giống. Tuy nhiên theo quy định tại điểm b, Điều 3 thì để được hỗ trợ, hộ chăn nuôi phải bảo đảm các điều kiện:
+ Chăn nuôi lợn đực giống để phối giống dịch vụ; có nhu cầu, làm đơn đăng ký và cam kết thực hiện nghiêm kỹ thuật chăn nuôi an toàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
+ Mua loại giống phù hợp yêu cầu của địa phương; có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, có lý lịch rõ ràng; có tiêu chuẩn chất lượng phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Mỗi hộ chỉ được hỗ trợ mua một trong các đối tượng: Hoặc lợn đực giống, hoặc trâu đực giống, hoặc bò đực giống, hoặc gà giống, hoặc vịt giống.
- Về hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi: (Theo quy định tại Khoản 3, Điều 3).
+ Hỗ trợ một lần đến 50% giá trị xây công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)/1 công trình/1 hộ;
+ Hỗ trợ một lần đến 50% giá trị làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)/1 hộ.
Tuy nhiên để được hỗ trợ, hộ chăn nuôi phải bảo đảm các điều kiện:
+ Chăn nuôi với quy mô thường xuyên không ít hơn: 5 con lợn nái hoặc 10 con lợn thịt; có nhu cầu xây dựng công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, làm đơn đăng ký và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
+ Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc xây mới công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học đáp ứng hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Mỗi hộ chỉ được hưởng hỗ trợ kinh phí để xây dựng công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học.
Nguyên tắc hỗ trợ: Được quy định tại khoản 2, Điều 5, quyết định này. Theo đó: Các hộ gia đình chăn nuôi và người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc đáp ứng điều kiện hỗ trợ được áp dụng hỗ trợ như sau: Hỗ trợ trực tiếp cho hộ chăn nuôi sau khi các hộ đã mua lợn có hóa đơn tài chính theo quy định; hỗ trợ trực tiếp cho hộ chăn nuôi sau khi các hộ đã xây công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học.
Chăn nuôi từ 5 con lợn nái hoặc 10 con lợn thịt trở lên, nông dân mới có điều kiện nhận hỗ trợ. Ảnh: Hồng Liên.
Các bạn lưu ý: Trong trường hợp cùng thời gian, một số nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.
Khoản 4, Điều 6, quyết định này cũng quy định rõ trách nhiệm của hộ chăn nuôi là: Chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh phòng dịch, bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; cam kết chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác con đực lợn giống ít nhất 24 tháng, trừ trường hợp chết, loại thải hoặc thiên tai, dịch bệnh; không sử dụng con đực lợn không đạt tiêu chuẩn để phối giống dịch vụ; thực hiện các quy định và hướng dẫn của địa phương để được hưởng chính sách hỗ trợ.
Để biết thêm những chính sách hỗ trợ khác, bạn tham khảo quyết định này.
Anh Trần Văn Du (Giao Thủy, Nam Định): Tôi có trang trại chăn nuôi lợn từ nhiều năm nay nhưng chưa biết mình có được Nhà nước có hỗ trợ gì không? Nếu được thì được hỗ trợ thế nào? nuôi lợn theo tiêu chuẩn Viêt GAP thì được hỗ trợ ra sao?
-Các chủ trang trại nói chung sẽ được hưởng chính sách ưu tiên theo Nghị quyết số: 03/2000/NQ-CP ngày 2.2.2000 của Chính phủ về: Đất đai, thuế, đầu tư tín dụng, lao động khoa học, công nghệ, môi trường, thị trường, bảo hộ tài sản đã đầu tư. Để biết thông tin chi tiết, bạn tham khảo nội dung nghị quyết này.
Bên cạnh đó Chính phủ còn ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19.12.2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiệp, nông thôn. Theo Khoản 2, Điều 11, nghị định này thì: Đối với các dự án đầu tư có quy mô chăn nuôi thường xuyên tập trung từ 1.000 con lợn thịt trở lên, đồng thời Dự án nằm trong quy hoạch được duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chấp thuận cho phép đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu chưa có quy hoạch được duyệt; bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo các quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; nhà đầu tư sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương. Sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1, Điều 11, Nghị định này. Cụ thể:
a) Hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án, để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị.
b) Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì ngoài mức hỗ trợ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, dự án còn được hỗ trợ 70% chi phí và không quá 5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hạng mục trên.
c) Ngoài hỗ trợ hạ tầng quy định tại Điểm a và b nêu trên, nếu dự án nhập giống gốc cao sản vật nuôi được hỗ trợ không quá 40% chi phí nhập giống gốc.
Đối với người chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn Viêt GAP thì được Nhà nước hỗ như sau:
Theo Thông tư số: 53/2012/TT-BNNPTNT ngày 26.10.2012, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì lợn nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTG ngày 9.1.2012 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản”.
Tuy nhiên để được hưởng chính sách hỗ trợ này, theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 01/2012/QĐ-TTG thì tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi lợn phải đáp ứng 2 điều kiện: Áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế sản phẩm; có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm. Khi đó sẽ được hỗ trợ như sau (Điều 5):
1. Ngân sách nhà nước đầu tư 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện các dự án sản xuất nông lâm thủy sản áp dụng VietGAP do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Ngân sách nhà nước hỗ trợ
a) Không quá 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước của vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP. Kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.
b) Đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông các cấp; dạy nghề cho lao động nông thôn áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế sản phẩm an toàn; biên soạn, in ấn tài liệu, biểu mẫu phục vụ các lớp đào tạo, tập huấn.
c) Hỗ trợ một lần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn.
đ) Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định tại Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15.11.2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Nguyễn Đức Tiến (Ba Đình, Hà Nội) tôi có một khu đất ở ngoại thành, muốn làm trang trại chăn nuôi lợn. Tôi muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư vào trang trại này thì được hưởng chính sách ưu đãi thế nào?
- Không có chính sách tín dụng áp dụng riêng cho hộ gia đình, các chủ trang trại. Mà chính sách tín dụng được áp dụng chung cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại. Chính sách tín dụng này được quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12.4.2010 của Chính phủ. Theo đó tại Khoản 2, Điều 8, nghị định này quy định: Đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh ở nông thôn, các hợp tác xã, chủ trang trại, tổ chức tín dụng được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo các mức như sau:
a) Tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.
c) Tối đa đến 500 triệu đồng đối với đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại.
Nhằm tạo điều kiện tốt hơn để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, ngày 9.6.2015, Chính phủ ban hành Nghị Định số 55/2015/NĐ-CP. Nghị định này thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP nêu trên và có hiệu lực thi hành từ ngày 25.7.2015. Theo đó mức cho vay đã được nâng lên: Cá nhân, hộ gia đình và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau: Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; cá nhân và hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp; Tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; (điểm b, e Điều 9).
Tuy nhiên, Theo quy định tại Khoản 3, Điều 9 thì các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm quy định trên phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Người vay chỉ được sử dụng giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để vay vốn tại một tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng giấy xác nhận trên để vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại nghị định này.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 9; Khoản 3, Điều 4 thì các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng để chăn nuôi không phải nộp các lệ phí sau: Lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng; Lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.