LTS: Vụ thảm sát ở xã Minh Hưng, Chơn Thành (Bình Phước) khiến 6 người thiệt mạng chỉ là một trong số nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn nông thôn thời gian gần đây. Mới tuần trước, dư luận đã rúng động với vụ 4 người cùng gia đình huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An, bị giết chết. Xã hội nói chung và người dân nông thôn đang lo sợ, bất an trước sự lộng hành của tội phạm ở khu vực này.
Lực lượng công an ở nông thôn quá mỏng
Theo một nghiên của của đại tá-TS Đỗ Cảnh Thìn (Học viện Cảnh sát nhân dân), những năm gần đây, tình hình tội phạm ở nông thôn diễn biến hết sức phức tạp, số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới với quy mô, tính chất, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Tệ nạn xã hội đang tràn về nông thôn, làm cho địa bàn này vốn được coi là vùng yên tĩnh, thuần khiết đang có những biến động với đầy đủ tính chất phức tạp của xã hội thời kỳ mở cửa, kinh tế thị trường, hội nhập...
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ thảm sát làm 6 người chết hôm 7.7 ở Bình Phước. Ảnh: Tư liệu
Còn theo đánh giá của TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, tình hình tội phạm hiện ngày càng phức tạp, theo chiều hướng khó lường. Ngày trước ở thành phố là nơi nhiều người đổ về, khâu quản lý khó khăn nên tội phạm thường lợi dụng hoạt động, còn ở làng quê vốn yên ả, mọi người trong cộng đồng làng xóm sống biết nhau nên ít xảy ra những có những va chạm. Còn nông thôn hiện nay đang phải chịu tác động của nhiều mặt của quá trình phát triển...
“Như mấy huyện ngoại thành Hà Nội nơi tôi ứng cử đại biểu Quốc hội, khi tiếp xúc cử tri sau mỗi kỳ họp Quốc hội, theo cử tri phản ánh thì thấy tội phạm ở những nơi đó là những đối tượng ở thành phố về gây án. Chúng biết địa bàn nông thôn lực lượng công an mỏng, nhà dân không kín cổng cao tường như thành thị, việc đi lại, người dân lại không cảnh giác cao nên dễ tìm cơ hội gây án" - ông Thảo cho biết.
Quản lý nông thôn theo phương thức mới
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng có chung quan điểm với TS Đinh Xuân Thảo khi đặt vấn đề là tội phạm từ đô thị đang chuyển dịch về khu vực nông thôn. “Tôi thấy việc giữ gìn trật tự trị an ở nông thôn hiện nay chỉ trông chờ vào lực lượng công an xã không là chưa ổn. Ở những vùng ven đô phải thành lập thêm các đồn, trạm công an để ngăn chặn và xử lý kịp thời với tội phạm đang phức tạp”- ông Tiến bày tỏ.
Ông Tiến cho rằng, ngày xưa nông thôn được xem là nơi yên ả nhưng bây giờ tốc độ đô thị hóa đã tác động mạnh đến nông thôn, toàn bộ những giá trị - cả mặt tốt và xấu về văn hóa, lối sống cũng tràn về nông thôn rất nhanh.
“Theo tôi, việc quản lý nông thôn hiện nay phải theo phương thức mới chứ không thể theo phương thức cũ nữa. Việc quản lý nhà nước ở địa phương chúng ta đã không theo kịp với xu hướng phát triển nên có rất nhiều vụ việc, vấn đề thường xảy ra ở đô thị giờ cũng xảy ra ở nông thôn. Hiện nay tốc độ đô thị hóa rất mạnh, ảnh hưởng của công nghệ thông tin rất lớn nên khu vực nông thôn cũng chịu ảnh hưởng. Từ vấn đề trên, chúng ta phải nghĩ ngay đến chuyện đổi mới cách thức quản lý nông thôn, làm sao cho nông thôn vừa bắt nhịp được những mặt tích cực của đô thị, ngăn chặn những mặt trái phát sinh” - ông Tiến bày tỏ.
Ông Nguyễn Thân - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao nhìn nhận, những năm gần đây số vụ phạm pháp ở vùng nông thôn ngày càng nhiều hơn, nhất là ở những vùng giáp ranh với thành phố đang trong quá trình đô thị hóa.
"Ở những vùng đó chuyển đổi ngành nghề nhanh chóng khiến nhiều thanh niên lớn lên không có việc làm, sinh ra chơi bời, lêu lỏng. Bên cạnh đó không ít trường hợp được đền bù đất đai hoặc gia đình bán đất, sẵn có tiền ăn chơi, đến lúc hết tiền không có việc làm dễ dẫn đến nảy sinh phạm tội" - ông Thân cho biết.
Các giải pháp đảm bảo an ninh nông thôn
Phát huy vai trò của chính quyền, các lực lượng nòng cốt ở cơ sở (dân phòng, tổ tự quản, công an xã, dân quân tự vệ, tổ an ninh nhân dân..) tạo thành một thế trận nhân dân trong phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia phòng chống tội phạm trở thành phong trào thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Phát huy vai trò của nhân dân trong việc phát hiện, phòng ngừa tội phạm. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, cộng đồng dân cư nông thôn ở Việt Nam được kết cấu tương đối chặt chẽ, ổn định bởi các quan hệ xã hội và cả các yếu tố địa lý, lãnh thổ nên sự xuất hiện của các nhân tố mới, bất thường, ngoại lai nói chung (bao gồm cả những sự việc có dấu hiệu hình sự, tội phạm, người phạm tội) dễ bị phát hiện, bị tố giác, bị lên án. Đây là điều kiện thuận lợi để khuyến khích người dân cung cấp thông tin về tội phạm, giúp đỡ ngăn chặn, phát hiện tội phạm…
Phát huy vai trò của dư luận xã hội, các quy phạm đạo đức, tôn giáo, tín ngưỡng, các quy phạm của dòng tộc, làng xã trong việc răn đe, giáo dục ý thức pháp luật. Việc kết hợp tổng hợp các quy phạm xã hội, định hướng dư luận xã hội; phát huy vai trò của những người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng, tôn giáo để phòng ngừa các hành vi tiêu cực, phạm tội ở địa bàn nông thôn luôn mang lại hiệu quả cao.
TS-đại tá Đỗ Cảnh Thìn (Học viện Cảnh sát nhân dân)
Tuyên truyền pháp luật chưa được coi trọng
Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Hà Nội) đánh giá, tình hình tội phạm ở nông thôn có xu hướng gia tăng, trong đó nguyên nhân một phần do việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa được coi trọng.
Theo ông Truyền, về mặt vĩ mô, có thể thấy, việc tuyên truyền pháp luật ở nông thôn hiện nay còn chưa được chỉ đạo thường xuyên, liên tục, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Nhận thức về công tác tuyên truyền pháp luật về vùng nông thôn của địa phương còn hạn chế, coi đó là nhiệm vụ của riêng ngành tư pháp. Những kiến thức pháp luật cơ bản chưa được tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân. Quan trọng là việc triển khai công tác tuyên truyền còn sơ sài, mang tính hình thức, khẩu hiệu, các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thật sự đa dạng, phong phú.
Ông Truyền nhìn nhận, một bộ phận không nhỏ cán bộ và người dân ở các huyện nghèo và các tỉnh khó khăn vẫn chưa nắm bắt và hiểu đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, họ không biết kiềm chế các hành vi ức chế trong việc giải quyết các mâu thuẫn thường ngày. Tâm thế sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn đang ngày càng có xu hướng lan tỏa. Không ít thanh niên khi ra đường có mang theo hung khí và sẵn sàng sử dụng khi phát sinh mâu thuẫn... “Khi pháp luật không được thượng tôn thì việc con người hành xử theo bản năng là điều tất yếu. Khi việc giáo dục thời gian dài chỉ mang tính hình thức và thương mại thì hành vi mọi rợ có cơ hội trỗi dậy” – Luật sư Truyền nói.
Thắng Quang (ghi)