Dân Việt

Người làm lay động con tim nước Mỹ

lê thọ bình 09/07/2015 06:37 GMT+7
Qua những gì mà tôi chứng kiến, quan sát và cảm nhận được với vai trò là một phóng viên tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thì trong các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Kiệt là người đóng vai trò vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, trong tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. 

Bịa đặt của Tổng thống Enxin

Có thể nói rằng, giai đoạn tháng 3 và tháng 4.1993 là thời kỳ khó khăn và đầy biến động trong quan hệ Việt- Mỹ. Trong đó có việc Trưởng văn phòng đại diện tờ “New York Times” đăng bài viết rằng năm 1972 Hà Nội đã nói dối về tù binh Mỹ (xem NTNN số 162/2015).

img
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có tiếng nói quan trọng trong việc đẩy nhanh
 quá trình bình thường hóa quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Mỹ. Ảnh: Reuters

Sau này, trong một lần phỏng vấn Thượng nghị sĩ John Kery, khi đề cập đến vấn đề này, ông Kerry kể lại rằng, đấy là một tài liệu xuyên tạc, có hại cho quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Mỹ, nhưng lúc bấy giờ không ai còn đủ tỉnh táo để xem xét một cách thấu đáo. Báo chí Mỹ tuyên bố đại loại như: “Chúng ta không thể thiết lập quan hệ với những kẻ đã giết tù binh chiến tranh”, “Hãy đưa Việt Nam ra tòa án quốc tế”... Một thăm dò do Đài NBC thực hiện lúc ấy cho thấy 2/3 số người Mỹ tin rằng tù binh Mỹ vẫn còn bị giam giữ tại Việt Nam.Tôi còn nhớ ngay sau ngày Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký quyết định bãi bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai đã chủ trì cuộc họp báo quốc tế tại Nhà khách Chính phủ (số 2 Lê Thạch, Hà Nội). Sau cuộc họp báo, khi trò chuyện với ông về bài báo của “New York Times” ngày 12.4.1993, ông Lê Mai cho biết là bài viết này được dựa trên tuyên bố của Tổng thống Nga Boris Enxin. Khi trả lời phỏng vấn một tờ báo Mỹ, ông Enxin đã cho rằng vào những năm 1970, Hà Nội đã đưa một số phi công Mỹ sang Liên Xô.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên tiếng

Ngay khi dư luận Mỹ đang xôn sao về vấn đề “vẫn còn người Mỹ bị giam giữ ở Việt Nam”, thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Times, trong đó Thủ tướng Kiệt khẳng định “Việc nghi ngờ Việt Nam vẫn còn giam giữ một số tù binh Mỹ là điều hết sức ngớ ngẩn. Việt Nam không có động cơ gì để làm điều đó cả”. Bài phỏng vấn đã được ghi lại và sau đó ông Vũ Quốc Tuấn - Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt chuyển lại cho các nhà báo chúng tôi. Sau này các báo của ta (và cả nước ngoài) thường trích dẫn lời nói của ông Võ Văn Kiệt trong bài phỏng vấn đó: “Ở Việt Nam có hàng chục ngàn gia đình có người thân bị mất tích. Tôi cũng là một nạn nhân. Gia đình tôi có 4 người, vợ và 3 con của tôi, bị mất tích trong chiến tranh. Trực thăng Mỹ đã giết 300 người trong một trận càn dọc sông Sài Gòn, vợ và con trai, một con gái của tôi đã mất trong trận càn đó. Tôi có thể thấu hiểu được nỗi đau của tất cả các gia đình Mỹ có người thân bị mất tích trong chiến tranh. Tôi mong muốn dân chúng Mỹ hiểu được hoàn cảnh của chúng tôi trong vấn đề này. Chúng tôi xin mời bất cứ người nào nghi ngờ còn người Mỹ sống ở Việt Nam hãy đến Việt Nam mà tìm hiểu”. Bài báo đã làm lay động con tim của rất nhiều người Mỹ.

Vụ án “tù binh Mỹ”

Quan điểm

Thủ tướng Võ Văn Kiệt
  Tôi có thể thấu hiểu được nỗi đau của tất cả các gia đình Mỹ có người thân bị mất tích trong chiến tranh. Tôi mong muốn dân chúng Mỹ hiểu được hoàn cảnh của chúng tôi trong vấn đề này. Chúng tôi xin mời bất cứ người nào nghi ngờ còn người Mỹ sống ở Việt Nam hãy đến Việt Nam mà tìm hiểu.
 
Một tuần sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn Tạp chí Times, thì vào một buổi sáng, khi vừa tới tòa soạn Báo QĐND, tôi được thông báo vào ngay Văn phòng Bộ Quốc phòng gặp Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Hai. Sau khi tôi được ông Lê Hai “quán triệt” ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao, một cán bộ an ninh quân đội đưa tôi lên tầng 2 của một tòa nhà. Tại đây tôi đã được cho xem một bộ phim tài liệu, nói đúng hơn là một cuốn băng dài 2 tiếng đồng hồ, ghi lại một vụ án mà an ninh quân đội vừa khám phá tại Vũng Tàu. Một nhóm người đã thuê 5 người nước ngoài giả làm tù binh Mỹ dường như được giam dưới một hầm ngầm trong một hẻm núi. Nếu vụ việc trót lọt và được gửi qua Mỹ thì đây chắc chắn sẽ gây ra những hoài nghi không nhỏ của người dân Mỹ rằng Việt Nam vẫn còn giam giữ tù binh Mỹ.

 

Ngày hôm sau báo QĐND đăng một bài phóng sự dài vạch trần vụ việc. 7 giờ sáng hôm đó, khi chuẩn bị đi làm và còn chưa kịp đọc bài báo mà 12 giờ tối hôm trước tôi vẫn còn ngồi chỉnh sửa lại những câu chữ cuối cùng trước khi nộp cho Tổng biên tập duyệt, thì chuông điện thoại nhà tôi reo. Đầu dây bên kia Thứ trưởng Lê Mai cười vui vẻ. Kết thúc cuộc điện đàm ông bảo: “Cuối giờ làm việc chiều, nếu rỗi, cậu qua phòng tớ chơi”. Y hẹn, tôi qua trụ sở Bộ Ngoại giao. Trên bàn trà đã có hai chai bia - thứ đồ uống mà thời đó phải lãnh đạo cấp cao mới có. Đó là lần đầu tiên, và tiếc thay, cũng là lần cuối cùng, tôi được uống bia với Thứ trưởng Lê Mai.

Cuối cùng thì rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Ngày 3.2.1994 (tức 5 giờ sáng ngày 4.2 giờ Việt Nam), Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa hai nước. Thời gian này tôi đã rời Báo QĐND và chuyển sang làm Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tuổi trẻ TP.HCM tại Hà Nội. 7 giờ 30 sáng cùng ngày, tôi gọi điện cho Thứ trưởng Lê Mai. 8 giờ kém 15 tôi cùng một đồng nghiệp tới trụ sở Bộ Ngoại giao. Tới sân thì vừa lúc Thứ trưởng Lê Mai định mở cửa xe ô tô, nhìn thấy chúng tôi ông dừng lại và nói: “Mình xin lỗi các bạn. Các “cụ” gọi lên báo cáo”. Sau khi bắt tay chúng tôi, ông sang số 4 Nguyễn Cảnh Chân báo cáo Bộ Chính trị. Chúng tôi đang lang thang ở hành lang tòa nhà Bộ Ngoại giao thì vừa lúc Thứ trưởng Trần Quang Cơ trên tầng 2 đi xuống. Chúng tôi “ép” ông vào phòng họp ngay cạnh chân cầu thang. Và ông trả lời phỏng vấn chúng tôi gần 2 tiếng đồng hồ.