Tất cả hình ảnh của các phương tiện vi phạm sẽ được ghi nhận bằng camera, cập nhật về trung tâm thông tin chỉ huy và chia sẻ đến máy tính của lực lượng tuần tra trên tuyến để làm căn cứ xử phạt.
Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình được quản lý bằng hệ thống camera giám sát - Ảnh: Hoàng Hà
Tự động hóa quy trình xử phạt
Ủy ban ATGT Quốc gia, Công ty CP Công nghệ FPT và Công ty Hanel đang xây dựng Đề án thí điểm hình thức “phạt nguội” vi phạm giao thông qua hệ thống camera quan sát trên hai tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình và cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ).
Theo đó, trên hai tuyến cao tốc này sẽ lắp đặt tất cả 74 camera giám sát và 22 máy đo tốc độ tự động phục vụ cho việc xử lý vi phạm qua hình ảnh. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ FPT cho biết, Trung tâm giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT sẽ được đặt tại Trung tâm Vận hành và Bảo trì đường cao tốc trên hai tuyến cao tốc thí điểm. “Trung tâm này sẽ được kết nối để truyền dữ liệu về Trung tâm thông tin chỉ huy của Cục CSGT, sau đó được truyền tới máy tính xách tay của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trực tiếp trên tuyến. Các tổ công tác sẽ căn cứ trên hình ảnh và thông tin được cập nhật để dừng xe, kiểm tra xử lý phương tiện vi phạm”, ông Thắng nói.
Hệ thống giám sát xử lý vi phạm được lắp đặt sẽ ghi và lưu giữ hình ảnh 24/24h với độ chính xác cao làm bằng chứng xác thực. Hệ thống sẽ tự động hóa quy trình xử phạt từ khi bắt đầu phát hiện ra hành vi vi phạm, máy tính tự động xử lý và in ra biên bản, tránh sự can thiệp của con người để đảm bảo tính khách quan.
Đánh giá tầm quan trọng của công nghệ này, ông Thắng cho rằng, đối với Việt Nam, việc giám sát xử lý vi phạm là ứng dụng quan trọng vì đây là biện pháp trực tiếp nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Ý thức người điều khiển phương tiện được nâng cao sẽ gián tiếp góp phần làm giảm thiểu TNGT.
“Từ năm 2009, Bộ Công an đã triển khai hệ thống giám sát vi phạm bằng hình ảnh. Hệ thống của FPT dựa trên tiêu chuẩn của Bộ Công an để phát triển giải pháp công nghệ mang tính chính xác nhất, qua đó giúp cho lực lượng CSGT xử phạt đối với những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như: phóng nhanh vượt ẩu, đi không đúng phần đường, làn đường quy định, dừng, đỗ phương tiện trái quy định... Bên cạnh việc xử lý các hành vi vi phạm giao thông, hệ thống cũng giúp giám sát việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên đường cao tốc”, ông Thắng nói và cho biết, việc “phạt nguội” qua camera hiện nay đang bị vướng đối với xe không chính chủ hoặc đăng ký một nơi, ở một nơi. Nghị định 171 chỉ xử phạt đối với người điều khiển phương tiện chứ không quy trách nhiệm cho chủ phương tiện nên rất khó khăn cho việc “phạt nguội”.
Tuy nhiên theo ông Thắng, để giải quyết bài toán này, Cục CSGT cũng có đề xuất tương đối hợp lý là: Lực lượng CSGT sẽ tổ chức chốt tại các trạm thu phí. Khi đó, lực lượng CSGT sẽ căn cứ vào hình ảnh trên hệ thống để tiến hành dừng xe và xử phạt tại chỗ.
“Trong khi Nghị định 171 chỉ quy định xử phạt đối với người điều khiển phương tiện, không quy trách nhiệm cho chủ phương tiện thì đây là giải pháp tình thế, giải quyết được vấn đề hiện tại. Để làm triệt để, cần phải điều chỉnh lại các quy định pháp luật liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”, ông Thắng đề xuất.
Đại diện cơ quan đề xuất thực hiện Đề án, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Đề án sẽ được triển khai ngay trong năm 2015 nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT và từng bước hoàn thiện đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát. Đề án cũng là tiền đề và căn cứ để Bộ GTVT xem xét trong việc tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống kiểm soát giao thông trên những tuyến đường cao tốc khác.
1.2
Các hành vi vi phạm được hệ thống camera quan sát phát hiện và báo cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến - Ảnh: Khánh Hà
Thu hồi vốn qua thu phí sử dụng đường
Theo Đề án, tổng mức đầu tư cả hai tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ) và Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình là trên 193 tỷ đồng. Theo Tờ trình của Tổng cục Đường bộ VN trình Bộ GTVT, hai đơn vị là Công ty Giải pháp công nghệ FPT và Công ty TNHH MTV Hanel sẽ đầu tư toàn bộ chi phí xây dựng, vận hành và bảo trì hệ thống và đề xuất mức thu lệ phí, tiền thuê và tiền sử dụng dịch vụ. Thông qua đó sẽ thu lại khoản chi phí đã đầu tư để xây dựng, vận hành hệ thống trong thời gian dự án và được đầu tư theo hai hình thức BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh) và BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) để phù hợp cho từng phần chi phí.
Theo đó, đối với chi phí xây lắp hạ tầng kỹ thuật sẽ được áp dụng theo hình thức BTO. Công ty Giải pháp công nghệ FPT sẽ ứng vốn triển khai đầu tư cho phần việc này để kịp với yêu cầu tiến độ của dự án. Để hoàn vốn đầu tư và chi phí quản lý vận hành, bảo trì hệ thống, sẽ trích 0,8% tổng doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Sau thời gian dự án, toàn bộ hệ thống hạ tầng truyền dẫn cáp quang và điện sẽ được chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) quản lý và vận hành.
Đối với chi phí mua sắm thiết bị và phần mềm, sẽ áp dụng hình thức BOO. Nguồn thu để hoàn vốn đầu tư và chi phí quản lý vận hành, bảo trì hệ thống sẽ được trích 2,8% tổng doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đối với tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình hình thức thu hồi vốn của nhà đầu tư cũng sẽ được áp dụng tương tự như việc thu hồi vốn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.