Dân Việt

Lê Xuân Khoa - Quăng mình vào đời sống để thẩm thấu tinh thần đương đại

P.V 09/07/2015 14:07 GMT+7
"Cách đây 2 năm, khi xuất bản cuốn truyện đầu tay, tôi cũng chưa tưởng tượng nổi là mình sẽ có hứng thú và đủ khả năng viết một cuốn sách dạng tiểu sử. Nhưng cuộc sống là chuỗi cơ duyên đầy bất ngờ mà ta không bao giờ biết trước, mỗi ngày được vẽ nên bởi những sắc màu kỳ diệu của tạo hóa", nhà văn trẻ Lê Xuân Khoa chia sẻ.

Cuốn sách "Bùi Kiến Thành - Người mở khóa lãng du" vừa ra mắt độc giả là một trong những món quà đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 - 2015).

Không chỉ thuật lại cuộc đời chuyên gia tài chính nổi tiếng Bùi Kiến Thành - người trực tiếp là một mắt xích quan trọng trong quá trình thiết lập lại quan hệ ngoại giao hai nước, cuốn sách còn cung cấp cho bạn đọc rất nhiều thông tin hữu ích bằng một lối kể chuyện hiện đại, khúc chiết và đầy lôi cuốn.

img
Nhà văn trẻ Lê Xuân Khoa bên chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành

Chấp bút cho cuốn sách là nhà văn trẻ Lê Xuân Khoa, người đã tạo được chú ý với tiểu thuyết "Lá rơi trong thành phố" năm 2013. Với lần trở lại này, anh tiếp tục gây ấn tượng như là một cây bút đa phong cách và là tác giả duy nhất trong số các nhà văn trẻ đương đại chọn thể hiện đề tài chính luận - phi hư cấu, viết về cuộc đời của một nhân vật lịch sử. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh.

Đang được độc giả trẻ yêu thích với tác phẩm đầu tay ở mảng tiểu thuyết, tại sao anh chuyển hướng sang một thể loại hoàn toàn khác với chủ đề "hóc búa" như vậy?

- Đối với tôi, mỗi cuốn sách viết ra đều nằm trên hành trình khám phá bản thân. Cách đây 2 năm, khi xuất bản cuốn truyện đầu tay, tôi cũng chưa tưởng tượng nổi là mình sẽ có hứng thú và đủ khả năng viết một cuốn sách dạng tiểu sử. Nhưng cuộc sống là chuỗi cơ duyên đầy bất ngờ mà ta không bao giờ biết trước, mỗi ngày được vẽ nên bởi những sắc màu kỳ diệu của tạo hóa. Tôi từng ấn tượng mạnh với con người bác Bùi Kiến Thành khi có dịp làm việc với bác năm 2011.

img

Bẵng đi một thời gian, tình cờ tôi được biết dịch giả Nguyễn Thanh Huyền - người phụ trách biên tập cuốn "Lá rơi trong thành phố" cùng một dịch giả - biên tập viên khác là Xuân Chi đang triển khai một dự án sách mới lấy bác Thành làm nhân vật trung tâm. Khi hai bác cháu gặp lại, tôi không cần đắn đo quá nhiều để đi tới quyết định nhận lời chấp bút cuốn sách này. Tôi nghĩ đây là một cơ hội tuyệt vời không phải ai cũng có để học hỏi nhiều điều từ quá trình triển khai đồng thời từ chính bác Thành, một con người uyên bác có số phận vô cùng đặc biệt. Qua đó, tôi tiếp tục khám phá thêm không gian sáng tác còn ẩn giấu trong mình.

Làm việc với chuyên gia kinh tế kỳ cựu Bùi Kiến Thành, anh có gặp vấn đề xung đột tư duy hay khoảng cách giữa các thế hệ?

- Bác Thành sinh ra trước tôi hơn nửa thế kỷ, trải qua biết bao thăng trầm. Còn tôi chào đời trong hòa bình, khi đất nước đã thống nhất, lớn lên giữa lúc Việt Nam chuyển mình và có nhiều đổi thay chóng mặt. Thành tựu mà chúng tôi đang thụ hưởng là kết quả từ biết bao máu xương và trí tuệ của những thế hệ đi trước, trong đó có bác Thành. Khoảng cách thế hệ đương nhiên là có, nhưng tôi lắng nghe bác với tâm thế một người cháu ghi lại câu chuyện của bác mình.

Bác cực kỳ phóng khoáng và gần gũi, không câu nệ tuổi tác hay địa vị. Đọc cuốn sách, bạn sẽ thấy, tôi chỉ giữ đúng vai trò "người kể chuyện", một chiếc cầu nối bác Thành tới bạn đọc. Nhiều vấn đề được đề cập, tôi có cách nhìn khác, nhưng tôi hoàn toàn tôn trọng quan điểm riêng của bác. Tôi tiết chế tối đa việc thể hiện cái tôi trong quá trình giao đãi với nhân vật để khi đọc sách, mỗi độc giả có quyền rút ra nhận định, đánh giá riêng cho mình.

Đâu là khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải khi thực hiện cuốn sách này?

- Khó khăn lớn nhất có lẽ là thử thách lòng kiên trì. Lần đầu tiên thực hiện một cuốn sách thuộc dòng phi hư cấu lại có nhiều nội dung nhạy cảm, tôi phải nghiên cứu thêm các tài liệu, sau đó viết ra một bản thảo theo cách tôi cho là tốt nhất nhưng cần được sự đồng thuận của bác Thành, của Thanh Huyền và Xuân Chi, của công ty phát hành, của nhà xuất bản và một số đơn vị liên quan khác.

Điều này khác hẳn với sự tự do "một mình một cõi" khi viết một tác phẩm hư cấu để thỏa mãn bản thân mà việc xuất bản được hay không không thành vấn đề. Quá trình thực hiện vốn đã công phu, nhọc nhằn, vậy mà sau khi tôi viết xong, "Người mở khóa lãng du" còn ách lại nhiều tháng trời tưởng chừng không thể ra mắt bạn đọc do vấn đề kiểm duyệt nội dung. Quá nhiều khó khăn, trở ngại khiến tôi và ekip thực hiện có những thời điểm rất căng thẳng, mệt mỏi. Tôi rất hãnh diện và hạnh phúc khi cuối cùng đứa con tinh thần này cũng đến tay độc giả.

Theo anh, những nhà văn thế hệ mới cần làm gì để có tác phẩm hay, không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn vươn lên tầm thế giới?

- Không riêng gì văn chương mà ở nhiều lĩnh vực, ngày nay với sự phát triển của mạng lưới thông tin, chúng ta có cơ hội cập nhật đầy đủ các trào lưu, xu hướng phát triển trên toàn cầu. Như vậy, nếu cầu tiến và chăm chỉ, chúng ta sẽ không tụt hậu.

Nhưng để tạo ra những tác phẩm hay, ngoài những yếu tố năng khiếu và kỹ thuật, người viết cần có tư tưởng và phong cách riêng biệt. Điều đó đòi hỏi người viết phải tích lũy thật nhiều tri thức, văn hóa, không ngừng tìm tòi, quăng mình vào đời sống để thẩm thấu những tinh thần đương đại và tiên phong.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!


"Lê Xuân Khoa là cây bút trẻ nhiều triển vong. Anh có lối viết ngắn gọn, súc tích, đầy ắp thông tin với sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, văn phong sinh động, cuốn hút bạn đọc. Lối viết đó rất phù hợp với phong cách đọc đương đại, khi con người hiện đại đang quen dần với các phương tiện đọc sách điện tử và khá bận rộn với cuộc sống."

(TS. Trần Đoàn Lâm - Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.)