Dân Việt

Khen thưởng đột xuất 18 y, bác sĩ bị phơi nhiễm HIV từ ca mổ

Diệu Thu 09/07/2015 18:37 GMT+7
“Để cứu sống người bệnh trong cơn nguy cấp, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân mình. Các bác sĩ đã làm đúng lương tâm người thầy thuốc”, lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được cứu sống, nhưng 18 y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV. Họ đang phải uống thuốc dự phòng kháng virus. Hiện tất cả phải chờ 3 tháng để có kết quả xét nghiệm.

Trước thông tin này, chiều 9.7, Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế đã khen thưởng đột xuất 18 y, bác sĩ cứu cứu cho bệnh nhân N.T.H (Quảng Ninh).

img
Kíp cấp cứu, phẫu thuật cho bệnh nhân nhiễm HIV (bên phải) được khen thưởng.
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - đánh giá sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế mà không phải ai cũng biết. Để cứu sống người bệnh trong cơn nguy cấp, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân mình, các y, bác sĩ đã làm đúng lương tâm người thầy thuốc.

Tuy vậy, theo ông Khuê, qua sự việc này bệnh viện cũng nên có những phương án dự phòng, chuẩn bị phương tiện vật chất kỹ thuật cần thiết để ứng cứu với mọi tình huống xảy ra.

"Không chỉ có HIV mà hằng ngày nhân viên y tế phải đối diện với nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm. Do vậy, việc chuẩn bị phương tiện vật chất kỹ thuật là cần thiết, tránh những bài học đáng tiếc", ông Khuê nói.

Xác nhận với phóng viên, ông Lê Nhân Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội - cho biết, hiện đã có kết quả xét nghiệm đối với 18 nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV. Theo đó, các kết quả xét nghiệm đều âm tính với HIV.

Theo ông Tuấn, tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu, nhưng sau khoảng 20 ngày nữa, bệnh viện và trung tâm sẽ xét nghiệm lại để khẳng định chính xác những nhân viên này có nhiễm HIV không.

“Hiện tại, tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu là âm tính với HIV, nhưng các y, bác sĩ vẫn tiếp tục được chỉ định uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV", ông Tuấn nói.

Chia sẻ với phóng viên, TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - cho biết, những tiếp xúc thông thường trong cuộc sống hằng ngày (như ăn uống, sinh hoạt chung, bắt tay, ôm…) không thể lây nhiễm HIV.

Nguy cơ lây nhiễm HIV chỉ xảy ra khi có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể của người nhiễm HIV. Tuy vậy, dù tiếp xúc trực tiếp thì khả năng bị lây nhiễm HIV cũng rất thấp (chỉ khoảng vài phần ngàn), tùy theo tính chất, mức độ phơi nhiễm, vị trí phơi nhiễm, tình trạng bệnh nhân nhiễm HIV đó có được điều trị hay không…

Trong số 18 cán bộ y tế trực tiếp tham gia cứu chữa cho bệnh nhân, cần đặc biệt quan tâm đến những cán bộ y tế có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh.

Trước đó, ngày 4.7, chị N.T.H xuất huyết âm đạo và bị ngất xỉu. Gia đình đưa ngay chị H vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khi vào viện, bệnh nhân H đã ngất lịm, người xanh tái, không biết gì, máu từ đường âm đạo chảy ra xối xả, ướt đẫm quần áo. Lập tức, 18 y, bác sĩ được huy động cấp cứu, phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau cấp cứu, họ mới biết bệnh nhân bị nhiễm HIV. Điều này đồng nghĩa với việc 18 y, bác sĩ bị phơi nhiễm HIV.

Xử trí trường hợp phơi nhiễm HIV

- Xử lý vết thương tại chỗ: Phải xối ngay vết thương hay rửa ngay bộ phận bị phơi nhiễm dưới vòi nước. Nếu là vết thương chảy máu thì để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rồi rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Với các phơi nhiễm qua niêm mạc mắt, mũi miệng thì rửa bằng nước muối 9%o nhiều lần và xúc miệng bằng nước muối 9%o nhiều lần.

- Báo cáo người phụ trách và làm biên bản: Nêu rõ ngày giờ, hoàn cảnh xảy ra, đánh giá vết thương, mức độ nguy cơ của phơi nhiễm.

- Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm, xác định tình trạng nhiễm HIV của nguồn phơi nhiễm (trong trường hợp này là người bệnh) và tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm, tư vấn cho người bị phơi nhiễm.

- Nếu xác định có nguy cơ, sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV trong vòng 4 tuần. Việc điều trị dự phòng này cần thực hiện sớm ngay sau khi bị phơi nhiễm từ 2-6 giờ hoặc thời gian tối đa là trước 72 giờ.

(TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế)