Dân Việt

Giữ tiếng đàn của người Cơ Tu

Tiên Sa 10/07/2015 08:11 GMT+7
Ở thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam, già làng Đinh Văn Bớt (67 tuổi) là người chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ của người Cơ Tu thuần thục và điêu luyện. 

Trên tường của nhà ông có treo nhiều nhạc cụ như đàn Tâm brêê, kèn Cabluôc, sáo Rahêm, đàn Abel (H’ra)… đó là các loại nhạc cụ rất độc đáo, gắn liền với truyền thống văn hóa bao đời của đồng bào dân tộc Cơ Tu.

img
 Già làng  Đinh Văn Bớt chơi đàn Abel (H’ra). Ảnh:   T.S

Già làng Đinh Văn Bớt cho chúng tôi xem cây đàn Tâm brêê, có thân là ống trãy nhỏ, dài gần 1 mét, một đầu xuyên qua một vỏ trái bầu khô đã cưa 1/3 miệng, đầu còn lại, có một cái chốt xuyên qua thân đàn để lên dây (dây đàn bằng dây thép nhỏ). Đàn Tâm brêê đánh theo nhịp vũ điệu “tung tung – dá dá” vào dịp lễ đâm trâu, lễ cúng mừng cơm mới hằng năm. Còn cây sáo nhỏ có tên Rahêm làm từ một ống trúc nhỏ, dài khoảng 1 gang tay, có nhiều lỗ hơi. “Khi thổi, sáo phát ra một âm thanh quyến rũ, làm mê hoặc lòng người. Nhiều sơn nữ Cơ Tu si tình vì tiếng sáo Rahêm”- già Bớt kể.

Kèn Cabluôc làm bằng sừng trâu có chiều dài gần 1 gang, gần đây, bà con hay thổi kèn Cabluôc báo hiệu giờ nghỉ trưa và nghỉ chiều khi lao động trên nương rẫy. “Cây đàn Abel (H’ra) có chiều dài khoảng 50cm, đây là cây đàn để tâm sự về tình yêu, nỗi nhớ mà trai làng thường dùng thổ lộ tình yêu với bạn gái của mình khi không thể nói bằng lời được. Ngày trước, thời còn trai trẻ, lớp đàn anh chúng tôi thường rủ bạn gái trèo lên nhà Moong, hoặc ra bờ suối, dưới ánh trăng rừng huyền hoặc, hai người tha hồ chơi đàn Abel và “hát không hả miệng”- già làng Bớt nhớ lại.

Các loại kèn, sáo, đàn trống, tạ... không thể thiếu được trong các lễ hội truyền thống, văn hoá của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Theo già làng Đinh Văn Bớt, người biết chơi các loại nhạc cụ này và hát lý hiện nay rất hiếm, phải khơi dậy cho lớp trẻ thôn làng niềm tự hào và âm nhạc dân tộc Cơ Tu để chúng lưu giữ phát triển, tránh nguy cơ thất truyền.

Ngoài chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ của đồng bào Cơ Tu, già làng Đinh Văn Bớt có hơn 10 năm được dân trong thôn bầu làm già làng. Với cương vị ấy, già đã sát cánh cùng các đoàn thể để tuyên truyền, giáo dục, vận động dân làng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, bãi bỏ hủ tục về ma chay rườm rà, cưới xin tốn kém, phát động phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”...

Với uy tín và sự gương mẫu của mình, già làng Đinh Văn Bớt đã tham gia hoà giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong bà con dân tộc với nhau, giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.