Dòng sông Phù Bài quê ông nước đang trong lành bỗng đen ngòm và bốc mùi tanh tưởi, đời sống và sản xuất của hàng trăm hộ dân trở nên khốn đốn. Người dân cả xã đều biết sự ô nhiễm này là do nước thải độc của khu công nghiệp gây ra, nhưng ai cũng thở dài chấp nhận, còn ông thì quyết đấu tranh bảo vệ môi trường sống của cộng đồng.
8 năm “vác tù và”
Tôi tìm về thôn 7 của xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) tìm gặp ông Nguyễn Ấm (59 tuổi) qua sự giới thiệu của bà Ngô Thị Ngọc- Chủ tịch UBND xã. Vượt quãng đường nhão nhoẹt bùn lầy đến được nhà ông trong chiều muộn mưa nặng hạt, thì được tin ông đang đi kiểm tra nước sông Phù Bài. Định ngồi nhà chờ ông về nhưng vợ ông nói thường ông đi kiểm tra nước sông sẽ rất lâu mới về nên tôi đội mưa đi tìm ông.
Ông Nguyễn Ấm và một trong những chai nhựa đựng mẫu nước thải vừa lấy từ sông Phù Bài. |
Sau khoảng 30 phút men theo những đoạn đường trơn trượt dẫn từ thôn 7 ra sông Phù Bài, tôi bắt gặp ông đang bì bõm lội sông, quần áo ướt sũng vì mưa. Những vỏ chai nhựa mang theo bên người lần lượt được ông múc đầy nước. “Cứ có mưa là nhiều chỗ nước sông bất thường vì nước thải độc từ khu công nghiệp xả ra. Tui phải lấy mẫu nước bỏ vào chai để mang lên tỉnh cho cơ quan chuyên môn họ kiểm tra. Phản ánh cái chi cũng phải có bằng chứng, vậy mà nhiều khi người ta còn lờ đi huống chi nói suông”- giọng của ông lẫn vào tiếng mưa rơi và tiếng gió rít.
“Sự nghiệp” bảo vệ môi trường của ông Ấm bắt đầu từ năm 2006. Một ngày cách đây 8 năm, sau một cơn mưa lớn, nước sông Phù Bài đang trong veo bỗng có nhiều màu và bốc mùi tanh tưởi. Rồi cá trên sông chết la liệt. Trong khi bà con đua nhau vớt cá mang về làm thức ăn cho gia súc thì ông lặng lẽ tìm hiểu nguyên nhân. Rồi ông phát hiện đoạn sông gần các cống nước thải của một số nhà máy nằm trong Khu công nghiệp Phú Bài bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất.
Biết rõ nguồn nước thải độc hại được đổ ra từ các nhà máy, nhưng vì lúc này các nhà máy đã ngừng xả thải nên không thể “bắt tận tay day tận mặt”. Ông quyết định phục kích bắt tại trận thủ phạm bức tử môi trường. Vài ngày sau đó, trời bắt đầu đổ mưa là ông lập tức chạy ra sông. Lúc này, ông phát hiện nguồn nước thải độc hại từ một số nhà máy theo kênh nước ồ ạt đổ xuống sông. Thủ phạm đã lộ diện. Ông lập tức chạy đi báo cho lãnh đạo xã và các cơ quan chuyên trách về môi trường. Nhận được tin, lực lượng chức năng lập tức có mặt lấy mẫu nước và lập biên bản xử lý...
Nhiều lần sau đó, cứ hễ trời mưa là ông lại bỏ công bỏ việc lặn lội ra sông phục kích tình trạng xả thải độc. Những hành vi bức tử môi trường liên tiếp được ông phát hiện và báo cho cơ quan có thẩm quyền vào cuộc. Sau những lần bị ông vạch mặt, các thủ phạm đâm ra cảnh giác và tìm cách đối phó. Từ chỗ cứ hễ có mưa lớn là xả thải độc, những kẻ hủy diệt môi trường chuyển sang lén lút xả thải vào những thời điểm trời mưa lúc chập tối và ban đêm. Từ đó, cứ mỗi lần có mưa vào những thời điểm trên là ông lại có mặt ở sông. 8 năm “vác tù và hàng tổng”, ông Ấm không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần phát hiện việc sông Phù Bài bị bức tử vì thải độc.
Giữ “hơi thở”cho sông quê
Ông Ấm bảo, tình trạng ô nhiễm sông Phù Bài khiến đời sống và sản xuất của bà con khốn đốn, và ông thấy mình có lỗi. Bởi trước đây, khi chính quyền lấy đất xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài, rất nhiều hộ dân không hợp tác vì họ biết đằng sau việc xây dựng khu công nghiệp là những hệ lụy về đời sống, về môi trường. Là một cựu chiến binh có uy tín ở địa phương, ông tham gia vận động bà con giao đất. Có lời nói của ông, những hộ bị coi là “cứng đầu” lần lượt giao đất cho khu công nghiệp.
“Bây chừ tui rất khó ăn nói với bà con, bởi trước đây mình đã trót vận động họ, hứa hẹn với họ”- ông bộc bạch. Sự áy náy ấy chính là một phần động lực để ông bỏ ăn bỏ ngủ bảo vệ cuộc sống của bà con. Nhiều đêm mưa như trút và gió quất liên hồi, không ai dám ra đường nhưng ông vẫn dò dẫm ra sông phục kích việc xả thải trộm. Vợ con khuyên can, ông gạt phăng đi. Một số người không hiểu chuyện nói ông bị “ấm đầu”, bị “khùng”, ông chỉ cười trừ. Ông thành thật: “Họ nói mình khùng cũng có lý, vì lội ra sông lúc mưa gió dễ mất mạng như chơi. Đó là chưa kể nước sông những khu vực có thải độc chảy ra rất nguy hại, mỗi lần lội về là da nổi ngứa kinh khủng”.
Nói đoạn, ông móc từ túi quần lấy ra một chiếc điện thoại “cục gạch” rồi đọc cho tôi số của các cán bộ có thẩm quyền mà ông thường xuyên gọi điện khi phát hiện hành vi xả thải độc. Số của lãnh đạo xã, của lãnh đạo Phòng TNMT, Sở TNMT, cảnh sát môi trường các cấp… ông đều có tất. Mỗi lần phát hiện sông bị đầu độc, dù nửa đêm ông cũng gọi điện báo tin. Chờ không thấy người về, ông gọi điện giục liên tục. Người ta không về thì ông chủ động lấy mẫu nước làm bằng chứng phản ánh.
Bà Ngô Thị Thương - vợ ông nhìn chồng rồi cười ái ngại, kể: Trước đây, nhiều người bảo bà liệu mà khuyên chồng vì việc làm của ông rất dễ bị trả thù, nên bà lo lắm. Nhưng mỗi lần bà mở lời là ông bảo “mạ mi có thấy tác hại kinh khủng của việc xả thải độc mô mà nói, mình ngay thẳng thì sợ chi ai”. “Sự kiên quyết của ông cộng với việc thấy lâu ni ông vẫn an toàn nên tui bớt lo so với trước đây”- bà Thương tâm sự.
Mong sự công tâm
Tôi đang trò chuyện với ông Ấm thì ông Nguyễn Anh - Trưởng thôn 7 tìm đến. Ông Anh bảo, nước thải độc hại từ Khu công nghiệp Phú Bài khiến hơn 150 hộ dân trong thôn bị ảnh hưởng nặng nề. Toàn thôn có 4,5ha hồ nuôi cá, ếch, ba ba… thì khoảng 3ha đã phải bỏ hoang vì nước thải khu công nghiệp ngấm vào. “Nhờ có công sức của ông Ấm mà ô nhiễm mới chỉ dừng lại mức như ri, không thì người dân nơi đây phải bỏ xứ mà đi hết rồi”- ông Anh tâm sự.
Chủ tịch UBND xã Thủy Phù Ngô Thị Ngọc cho biết, toàn xã có gần 500 hộ dân ở 5 thôn bị ảnh hưởng bởi nước thải độc của Khu công nghiệp Phú Bài. Cùng với thiệt hại lớn về sản xuất, điều khiến chính quyền xã lo lắng là nguy cơ nước thải khiến cho người dân mắc bệnh tật. “Hễ trời mưa là họ lén lút xả thải, nhất là ban đêm. Ông Ấm là người thường xuyên phục kích bắt quả tang tình trạng xả thải độc ra sông. Có lần ông Ấm phát hiện họ xả thải và báo cho cảnh sát môi trường, nhưng khi lực lượng này về thì phía khu công nghiệp nói do… sự cố”- bà Ngọc kể.
Ông Ấm nói trong tiếng thở dài rằng dù ông đã bỏ ra nhiều công sức để bảo vệ dòng sông quê, bảo vệ cuộc sống bà con nhưng hiệu quả mang lại chưa nhiều. Bởi lẽ, sau mỗi lần ông phát hiện tình trạng lén lút xả thải độc và báo cho các cơ quan chức năng, hiện tượng này sau đó vẫn tiếp diễn. “Chỉ mong các cơ quan có thẩm quyền làm việc công tâm, xử lý nghiêm khắc những đơn vị vi phạm để bảo vệ cuộc sống bà con. Tui luôn sẵn sàng phục kích để bắt quả tang các hành vi hủy diệt môi trường cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, nhưng nếu cơ quan chức năng vẫn duy trì cách làm việc như hiện nay thì buồn lắm” - ông Ấm bộc bạch.
An Sơn