Cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro bắt đầu diễn ra tại Brussels hôm 11.7 để thảo luận, xem xét đề xuất mới từ Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras về việc cắt giảm ngân sách và tăng thuế để đổi lấy cứu trợ. Nếu đồng ý với các chính sách cải cách, thắt lưng buộc bụng mới mà Hy Lạp đưa ra, các bộ trưởng tài chính có thể sẽ quyết định bỏ ra 53,2 tỷ euro (59 tỷ USD) để cứu nước này và Hy Lạp có thể ở lại khu vực đồng euro.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang nhấn mạnh: "Chúng tôi chắc chắn sẽ không thể hoàn toàn tin vào những lời hứa hẹn. Trong những tháng gần đây, kể cả vào phút chót, lòng tin đã bị hủy hoại bằng những cách không thể hiểu nổi. Chúng tôi sẽ có những cuộc đàm phán đặc biệt khó khăn. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ đạt được quyết định một cách dễ dàng".
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble
Telegraph bình luận, tuyên bố của ông Wolfgang đã phản ánh, Đức không ủng hộ đề xuất mới của Hy Lạp, được Quốc hội ở Athens thông qua ngày 10.7. Theo tờ Bild, một quan chức Đức thậm chí còn bình luận, đề xuất mới của Hy Lạp "là một trò đùa".
Trong khi đó, ông Yanis Varoufakis, cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp đã cáo buộc Bộ trưởng Tài chính Đức Schäuble đang muốn ép nước này ra khỏi eurozone. Các ngân hàng Hy Lạp đã đóng cửa 2 tuần qua và đang cạn dần tiền mặt. Trước khi cuộc họp ở Brussels diễn ra, các chuyên gia phân tích nhận định, Đức, thành viên có sức nặng nhất đồng thời là nước tài trợ lớn nhất trong khu vực đồng euro, do sức ép từ trong nước nên sẽ khó nhượng bộ hơn nữa với Hy Lạp.Theo giới phân tích, với Hy Lạp, việc ra khỏi eurozone sẽ là thảm họa. Kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu năm 1981 đến nay, Hy Lạp chưa từng “tự xoay xở”. Một đất nước không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhập khẩu cao hơn xuất khẩu, không có đồng tiền riêng, do đó, việc mất đi sự hỗ trợ từ châu Âu chắc chắn sẽ đẩy nước này rơi thẳng xuống vực thẳm.
Bức tranh ảm đạm mô tả Hy Lạp nếu nước này bị loại ra khỏi eurozone sẽ như sau: Suy thoái trầm trọng, thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm mạnh, lạm phát phi mã và thiếu hụt nhu yếu phẩm nhập khẩu, nhất là dầu khí và thuốc men. Hy Lạp sẽ bị gạt ra khỏi các thị trường tín dụng quốc tế, khiến khả năng phục hồi càng trở nên xa vời.
Trong khi đó, các nước eurozone cũng không tránh được tác động dây chuyền bởi kịch bản Grexit khi họ sẽ phải tự áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” thế vào chỗ Hy Lạp.
Theo một báo cáo của Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT), cuộc khủng hoảng của Hy Lạp có thể đẩy nền kinh tế Italy vào tình trạng khó khăn khi nước này vừa thoát khỏi suy thoái kinh tế.
Việc Hy Lạp ngày càng lâm vào thế nguy kịch sẽ làm tăng mức nợ công của Italy, đồng thời giảm tăng trưởng GDP trong năm nay của nước này xuống thấp hơn mức dự đoán 0,6%.
Hiện tại, nợ công của Italy đã lên tới gần 2.200 tỷ euro, tương đương với hơn 130% GDP. Theo ước tính của Standard and Poor's, việc Hy Lạp rời Eurozone có thể khiến nợ công của Italy tăng thêm 11 tỷ euro.
Đặc biệt, sự ra đi của Hy Lạp sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín, sự đoàn kết của eurozone - một liên minh tiền tệ vốn được mệnh danh bền chặt và hiệu quả nhất thế giới.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Anh cũng nhận định cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại Hy Lạp có thể gây rủi ro đối với sự ổn định tài chính của Vương quốc Anh - nước vốn không phải thành viên eurozone.