Dân Việt

Từ vụ thảm sát ở Bình Phước: Vì sao người ta tàn ác với nhau?

Diệu Linh (thực hiện) 13/07/2015 06:48 GMT+7
Nguyễn Hải Dương – một trong hai nghi phạm gây ra vụ thảm sát 6 người vô cùng man rợ ở Bình Phước – khai nhận tự tay mình giết chết người yêu cũ và các thành viên trong gia đình cô này, những người Dương đã từng coi như thân thích ruột thịt. Vì sao con người ta lại quá tàn ác với nhau, ngay kể cả với những người mình từng yêu thương? 

Để giải đáp câu hỏi không dễ trả lời này, PV NTNN đã có cuộc trao đổi với GS-TS Đặng Vũ Cảnh Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên).

Cái ác mượn danh tình yêu

Trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước vừa qua, đối tượng Nguyễn Hải Dương thừa nhận do bị cô gái mình yêu từ chối, cha mẹ cô ngăn cản nên nảy sinh tâm lý muốn trả thù. Không chỉ có vụ này, thời gian qua nhiều vụ án tàn bạo cũng xuất phát từ nguyên nhân liên quan tới chuyện tình ái. Theo ông, giới trẻ vì sao giờ lại lụy tình đến vậy?

img
 

- Tháng 6 vừa qua cũng có vụ án Trần Quốc Gia (Vĩnh Long) phóng hỏa giết cả 3 người nhà của cô gái mình yêu vì bị ngăn cản yêu đương, nguyên nhân cũng gần tương tự vụ ở Bình Phước. Trước đó, vụ Nguyễn Kim Anh cắt cổ người tình trên xe Lexus tại Hà Nội năm 2009, vụ án Nguyễn Đức Nghĩa chặt đầu người yêu năm 2010… đều có bóng dáng của trả thù tình. Yêu không được thì cướp đoạt mạng sống của người yêu và cả những người thân trong gia đình họ. Nhiều người cho rằng đó là giới trẻ đang quá lụy tình đến mức chết vì tình yêu. Nhưng tôi lại cho rằng không phải vậy. Chỉ đơn giản, cái ác đang mượn danh tình yêu mà thôi.

Việc tranh đoạt, trả thù tình thực ra cũng là cách khẳng định cái tôi thú tính, chỉ biết thỏa mãn sự tức giận của bản thân, bất chấp việc tổn thương người khác, trong đó có cả người mà thủ phạm cho rằng mình yêu say đắm. Tình yêu không độc ác như vậy. Đó chỉ là sự biện minh cho lối sống ích kỷ, sống gấp, phản ứng tức thời giành giật lợi ích cho mình bất chấp thủ đoạn như đã phân tích ở trên. Chính vì quá vô cảm nên họ gây ra tội ác mà không áy náy, không cảm thấy có tội, lại mượn hành vi của người khác, mượn nguyên nhân khác để làm cớ biện minh cho hành động của mình, thậm chí là mượn danh tình yêu – điều tốt đẹp, thiêng liêng của cuộc sống.

Đồng thời, những vụ án này cũng cho thấy, một số thanh niên bị sang chấn nghiêm trọng về tinh thần, khiến suy nghĩ méo mó biến chất, thúc đẩy họ gây ra những tội ác rúng động.

Ông có thể lý giải sâu hơn về sự biến chất trong tâm lý, suy nghĩ của những kẻ gây ra những tội ác man rợ, mất hết tính trong những vụ án gần đây?

- Bên trong mỗi con người đều tồn tại phần con, phần bản năng, ham muốn giành giật một cách thô sơ và man rợ. Nếu vượn sống cô đơn một mình thì mãi mãi không thể tiến hóa thành người. Do đó có thể thấy, lối sống “bầy đàn” dần dần hình thành trật tự xã hội, sống có trách nhiệm với tập thể, tôn trọng người khác, tuân theo pháp luật mới khiến con người có những đặc tính của “người”.

Trong khi đó, xã hội phát triển theo kinh tế thị trường, với phương châm “dân giàu nước mạnh”, tôn vinh cái tôi giàu có. Nếu cá nhân nào không biết làm giàu sẽ trở nên yếu đuối, bị tụt hậu, bị coi thường. Lối sống đề cao cá nhân, ưa thích cạnh tranh đã khiến con người có cơ hội bộc lộ thú tính, quên đi phần “người”. Tâm lý “muốn làm kẻ mạnh” ngày càng xâm chiếm cuộc sống của mọi người, mà người bị tác động nhiều nhất, ham thích hưởng thụ nhất chính là giới trẻ. Đó là lý do hối thúc không ít người trẻ dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích (tình, tiền, quyền lực, sĩ diện…), bất chấp việc vi phạm pháp luật hay làm tổn thương người khác.

Nhiều kẻ phạm tội không ăn năn

Nhưng rõ ràng những lý do, nguyên nhân sâu xa gây ra cái ác vẫn đang tồn tại trong xã hội. Và ở một thời điểm nào đó, thậm chí nó còn bùng lên dữ dội, lấn át cả cái thiện?

- Đúng là những lý do mà tôi nêu đang len lỏi những cái rễ độc hại của mình trong đời sống, trở thành những “tấm gương”, những bài học rất sinh động, thuyết phục thanh niên bắt chước làm theo hoặc “thần tượng”, ấp ủ, gây dựng mong muốn một ngày được như vậy.

Tôi đang làm đề tài cấp bộ về tội phạm vị thành niên, thanh niên. Phỏng vấn, tìm hiểu hàng trăm người phạm tội mới thấy một sự thay đổi lạnh người. Cách đây 10-15 năm, khi phạm tội, kẻ gây tội ác cảm thấy rất ăn năn, hối lỗi, run sợ, lương tâm bị cắn rứt đến ăn không ngon, ngủ không yên. Họ thực sự thấy rằng việc làm tổn thương người khác, vi phạm pháp luật là xấu xa, xâm phạm giá trị sống mà họ cho là đúng. Nhưng gần đây, đa số kẻ phạm tội lại không ăn năn. Họ cho rằng hành vi của mình là hợp lý, không đáng lên án, nạn nhân đáng bị họ trừng phạt như vậy.

Hầu hết cha mẹ các tội phạm đều tỏ vẻ kinh ngạc khi con mình bị bắt. Phải chăng cha mẹ quá thờ ơ với con hay họ cũng vô cảm, vô trách nhiệm trong việc giáo dục con cái?

- Xã hội, lối sống ngày xưa có sự ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ giữa cha mẹ và con cái. Con phạm tội, cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nộp phạt. Cộng đồng lại giám sát gia đình. Nếu gia đình có người hư thì cộng đồng sẽ xử phạt và giám sát thực thi. Luật pháp không phải nhúng tay trừng phạt các cá nhân vì đã có “lệ làng”, có sự lên án về đạo đức của dân chúng. Mỗi cộng đồng có cách hành xử riêng mà gia đình phải tuân theo.

Còn ngày nay sự gắn kết cộng đồng tan rã, trách nhiệm giữa cha mẹ và con cái có khi chỉ còn vai trò “nuôi dưỡng”. Cha mẹ bỏ tiền, phó mặc con cho “ôsin”, trăm sự nhờ nhà trường. Chính vì thế, tâm lý, hành vi của con phát triển theo chiều hướng nào cha mẹ cũng không biết. Không biết thì làm sao mà ngăn chặn?

Ở Hàn Quốc, trẻ hư phải đi học tại trường giáo dưỡng do Bộ Giáo dục quản lý (mức độ 1) thì cha mẹ cũng phải đi học để được cấp chứng chỉ về cách giáo dục con. Nếu cha mẹ không “tốt nghiệp”, con vẫn bị giữ lại trường. Còn ở Việt Nam khi con phạm tội thì cha mẹ vẫn hồn nhiên “vô tội”.

Vậy chúng ta phải làm gì để ngăn chặn cái ác nảy sinh, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên?

- Ngoài việc luật pháp cần nghiêm minh, người hành pháp phải trung thực, tận tâm thì chúng ta đang thiếu hụt cán bộ trong ngành công tác xã hội. Hầu hết trẻ vị thành niên, thanh niên phạm tội đều có một quá trình bị tổn thương về mặt tinh thần, nhận thức lệch lạc về giá trị sống. Ví dụ như trường hợp Hào Anh (Cà Mau) từng bị chủ hành hạ dã man, gây rúng động xã hội. Nhưng cán bộ chính quyền chỉ lo chạy chữa vết thương thể xác mà bỏ qua các tổn thương về tinh thần, nhân cách, tâm lý. Khi vết thương tinh thần còn chằng chịt lại cho em 1 cục tiền (từ thiện), chẳng khác nào đưa cho em phương tiện để tha hóa đạo đức, ăn chơi hoang phí, không coi trọng lao động đến khi hết tiền thì trộm cắp.

Muốn diệt trừ cái ác, chúng ta cần xây dựng một mạng lưới cán bộ xã hội để giúp đỡ những thanh thiếu niên bị tổn thương về tâm lý (các đối tượng nguy cơ cao phạm tội) để “chữa trị” các vết thương tinh thần cho họ, tránh để chúng trở nên nặng hơn, cuối cùng gây ra những tội ác nghiêm trọng, tàn bạo như vụ thảm sát ở Bình Phước.

- Xin cảm ơn ông!

Đáng sợ là sự vô cảm ngày càng lớn

“Từ vụ án giết 6 người dã man ở Bình Phước có thể thấy có những cái ác “vô tư” đến mức lên kế hoạch giết người dã man mà không chùn tay, không sợ hãi. Phải chăng tội phạm ngu muội đến mức không biết rằng giết người sẽ đền mạng? Chúng rõ cả. Nhưng chúng lại vô cảm đến mức không cho rằng hành vi giết người là đáng sợ. Bởi vì, chúng ta đang sống trong một xã hội tràn ngập các hình ảnh bạo lực, từ phim ảnh, sách báo đến trò chơi điện tử. Tội ác được miêu tả tỉ mỉ, các clip dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn được tung hô để câu view… điều này đã “đánh thức” phần con trong thanh thiếu niên, hướng các em tới các hành vi bạo lực. Nó cũng khiến nhiều em trơ lì cảm xúc. Sự mất công bằng, bất trung, bất tín trong xã hội diễn ra cũng làm các em đánh mất niềm tin vào tình người. 

Ngoài ra, có thể thấy đa số tội phạm lớn lên trong gia đình khó khăn về kinh tế, gia đình lục đục. Sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt gây nên sự ức chế, ganh tị, khiến nhiều người muốn có tiền, muốn được hưởng thụ, bất chấp thủ đoạn. Tội ác leo thang rất đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn cả, cũng là nguồn gốc của tất cả sự tha hóa đạo đức, chính là sự vô cảm của con người”.

 GS-TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển