Dân Việt

Bế mạc Đại hội đại biểu Hội nhà văn Việt Nam lần IX: Lo việc bầu cử, quên chuyện đổi mới

Thi Hoàng - Mai An 13/07/2015 08:12 GMT+7
 Đại hội lần thứ IX Hội Nhà văn Việt Nam vừa kết thúc sau 3 ngày diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 9 đến 11.7). “Tất cả để có tác phẩm hay” là tinh thần được nêu cao tại đại hội, tuy nhiên, kết quả đạt được lại có phần khiêm tốn.  

Nỗi lo Ban chấp hành

Trước thềm đại hội, nhà văn Y Phương đã bày tỏ nguyện vọng, Ban chấp hành (BCH) khóa mới sẽ có thành viên là người dân tộc thiểu số nhằm nâng cao tiếng nói và những gửi gắm của đội ngũ nhà văn các dân tộc ít người, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, mong ước này của ông không được toại nguyện. BCH mới của Hội đã ra mắt trong lễ bế mạc đại hội ngày 11.7, ít hơn nhiều so với dự kiến là 15 người. Về kết quả 6 nhân sự mới trong BCH, nhiều nhà văn đã bày tỏ sự lo lắng. Trên trang facebook của mình, nhà văn Ngô Thảo chia sẻ: “Nghe tin đại hội nhà văn bầu BCH có 6 người mà 5 vị ở Văn phòng Hội, mình vừa buồn cười vừa lo. Ngoài việc không có nữ, không có đại biểu các khu vực quan trọng Trung-Nam-Bắc, đặc biệt là Nam Bộ như truyền thống, khi hoạt động sẽ có những hậu quả khó lường”.

img
Các nhà văn gặp gỡ, trò chuyện tại Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn khóa IX. Ảnh: Thi Hoàng
Trước đại hội, rất nhiều người đã lên tiếng hô hào “phải trẻ hóa BCH”, nhưng rồi cuối cùng 6 thành viên mới này vẫn là 6 gương mặt cũ, tuổi tác có lẽ cũng thuộc diện lão làng, người trẻ nhất là nhà thơ Nguyễn Bình Phương năm nay cũng đã 50 tuổi.

 

Giá như thực sự muốn có một sự thay đổi trong bộ mặt BCH của Hội, ngay từ đầu, việc giới thiệu các ứng cử viên từ các đại hội khu vực sẽ phải làm nghiêm túc hơn chứ không phải là danh sách 404 ứng cử viên trên tổng số hơn 500 đại biểu dự đại hội. Nhưng không, có cảm giác các đại biểu vẫn không thực sự ý thức được trách nhiệm của mình với tổ chức hội nghề nghiệp và độc giả. Và cuối cùng, thay vì chọn 15 thành viên BCH, đại hội chỉ tìm được 6 người.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ bày tỏ nuối tiếc: “Trong đại hội này, tôi muốn nói rằng lẽ ra chúng ta phải bàn sâu về việc nhà văn thế hệ đi trước giúp đỡ các nhà văn trẻ sáng tác như thế nào. Hoặc ít ra, những vấn đề nóng của xã hội hôm nay, các nhà văn không thể đứng ngoài cuộc. Rất tiếc điều đó thì không bàn đến và đại hội mất quá nhiều thời gian tập trung vào chuyện bầu cử. Thẳng thắn mà nói đó là mặt còn yếu của đại hội này”.

Đừng để nhà văn đơn độc

Quan điểm

Nhà văn Trầm Hương
 Hội Nhà văn dù có đầu tư cả núi tiền cũng sẽ không hiệu quả gì nếu nhà văn vô cảm trước những ngổn ngang của xã hội. 
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Hội đã tổ chức được nhiều trại viết hiệu quả, tổ chức được nhiều chuyến đi thực tế… Bên cạnh đó là bước đầu phối hợp với ngành văn hóa trong việc đầu tư sáng tác chiều sâu cho một số tác giả”. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã kết nạp mới được 175 hội viên, tuy nhiên vẫn chỉ tập trung ở khu vực Hà Nội, thiếu sự bao quát ở các tỉnh thành trong toàn quốc. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ hội viên còn quá thấp. Nhiều hội viên không chịu... đóng hội phí.

 

Nhà thơ quân đội Mai Nam Thắng đặt vấn đề xây dựng mốc chủ quyền biển đảo bằng văn chương. Thực tế, ý tưởng này đã được nhắc đến nhiều, nhưng nhà thơ nêu thêm những điểm còn hạn chế trong sáng tác về biển đảo. Theo đó, khi biển đảo dậy sóng thì văn chương cũng dậy sóng, đã có những tác phẩm thơ, văn được công chúng quan tâm, tuy nhiên, nhìn vào mặt bằng chung có thể thấy thơ chiếm đa số còn truyện ngắn, tiểu thuyết hay còn hiếm hoi. Có những bài thơ được biết đến rộng rãi thực tế là nhờ được phổ nhạc. Về tác giả, có những người cố gắng đổi mới bút pháp nhưng còn thiếu trải nghiệm thực tế trong môi trường biển đảo. Do vậy, theo nhà thơ, việc tổ chức những chuyến đi sáng tác riêng cho các nhà văn cũng như tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức luật biển của quốc tế và Việt Nam cho nhà văn là cần thiết.

Phát biểu tại đại hội, nhà văn Trầm Hương – đại biểu TP.HCM kêu gọi nhà nước đầu tư xứng đáng hơn cho các tác phẩm có chiều sâu, có chất lượng. Đừng để nhà văn đơn độc với sứ mạng dấn thân vào cuộc sống, trong khi xã hội chưa khi nào cần nhà văn như hiện nay, các vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái đạo đức, lợi ích nhóm… nổi cộm cần sự lên tiếng của nhà văn.

  BCH của nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 6 người, nhà thơ Hữu Thỉnh được bầu tiếp tục giữ ví trí Chủ tịch,  nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa giữ các vị trí Phó Chủ tịch. Nhà văn Khuất Quang Thụy làm Trưởng ban Kiểm tra, nhà thơ Nguyễn Bình Phương là ủy viên BCH.