Dân Việt

Danh hiệu gửi vào cõi mịt mùng thì có ý nghĩa gì?

13/07/2015 10:09 GMT+7
Cứ mỗi đợt xét tặng danh hiệu NSND và NSƯT, thì giới biểu diễn và công chúng lại sôi lên sùng sục vì những ý kiến và những thắc mắc....

Từ năm 1984, nước ta bắt đầu phong tặng danh hiệu để tôn vinh đóng góp của các nghệ sĩ. Qua 7 lần xét tặng, đã có 265 NSND và 1.602 NSƯT. Danh hiệu cao nhất NSND, nếu năm 1988 chỉ phong tặng cho 13 người thì năm 2011 phong tặng đến 74 người.

img
NSƯT Minh Vượng ngại xin danh hiệu NSND...

Theo trình tự, NSƯT khi có thêm thành tựu sẽ được phong NSND, ngoài vài trường hợp đặc biệt được nhận trực tiếp danh hiệu NSND như giọng hát ca trù Quách Thị Hồ hoặc tiếng đàn piano Đặng Thái Sơn! Xét tặng NSƯT chỉ là ghi nhận nỗ lực ban đầu của một cá nhân, nên mọi chuyện đơn giản hơn. Còn khi xét tặng NSND lại hết sức phức tạp.

Bên cạnh những yếu tố cảm tính về công lao và đạo đức, thủ tục qui định NSƯT phải có thêm hai Huy chương Vàng hội diễn toàn quốc mới đủ điều kiện làm hồ sơ xin danh hiệu NSND. Nghe thì bình thường, nhưng nghĩ lại thấy nhiêu khê.

Bởi lẽ “thầy đàn già, con hát trẻ”, sau khi được phong NSƯT thì phần lớn nghệ sĩ đã lớn tuổi, phải nhường vai chính cho thế hệ tiếp theo trong các cuộc thi lớn nhỏ. Vậy thử hỏi, những NSƯT nếu không tích cực tranh giành và chủ động lấn lướt hậu sinh, thì làm sao có thể tìm kiếm những Huy chương Vàng? Rõ ràng, quy định này cứng nhắc và không khuyến khích vẻ đẹp của sự tử tế trong làng nghệ thuật.

Mặt khác, chính vì căn cứ vào số Huy chương mà có bao nhiêu đồn đoán hờn trách mỗi khi chứng kiến các hội diễn có hàng loạt cơn mưa Huy chương Vàng! Khi đã có khái niệm bình chọn thì không thể nào có sự công bằng cho tất cả. Tuy nhiên, danh hiệu nghệ sĩ là điều rất cao quý. Phải tránh tất cả mọi chông chênh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Có thể kể ra đây vài trường hợp NSƯT như Chí Trung hoặc Xuân Hinh vì chịu lui xuống nhường chỗ cho đàn em mà luôn bị thiếu số lượng huy chương nên hồ sơ phong tặng NSND của họ đành… xếp lại vô thời hạn.

Những NSƯT nếu không thuộc biên chế của đoàn nghệ thuật nào thì con đường lên NSND càng mịt mù. Ca sĩ Quang Lý là một tên tuổi bền vững với giọng hát truyền cảm và sang trọng, nhưng biết tìm đâu ra Huy chương Vàng khi anh chỉ đi hát chứ không đi thi? Thí dụ khác, vì sao Thành Lộc không được NSND. Nếu được hỏi trực tiếp chắc chắn những người được mời vào hội đồng bình chọn danh hiệu năm nay như NSND Hoàng Dũng hay NSND Trần Ngọc Giàu đều không dám phủ nhận tài năng của Thành Lộc.

Thế nhưng, nếu Thành Lộc làm đơn xin xét tặng, thì anh cũng sẽ bị đánh trượt như chơi! NSND, nói cho cùng chỉ có cái danh. Bởi lẽ, NSND khi biểu diễn trong các tiết mục của những đoàn nghệ thuật do Nhà nước quản lý, chỉ được cộng thêm vài… chục ngàn đồng. Xét tặng NSND, không thể không ưu ái cho những nghệ sĩ gắn bó với các loại hình nghệ thuật ít được ưa chuộng như đàn dân tộc, hát bội hay tuồng, vì đóng góp của họ rất lặng lẽ.

Tuy nhiên, cần mạnh dạn xác định với nhau, NSND không thể là gương mặt chỉ một nhóm người biết đến, mà cần được quảng đại khán giả yêu mến. Đã có không ít trường hợp phong tặng NSND mà người hâm mộ chẳng rõ họ ở lĩnh vực nào. NSƯT Minh Vượng bảo rằng mình không chủ động xin danh hiệu NSND vì “làm hồ sơ lại hỏi đến huy chương, phức tạp lắm” và chị có đề xuất táo bạo nhưng rất đáng suy ngẫm: “Sân khấu là dành cho khán giả, không có khán giả thì không thể có sân khấu. Khán giả tinh lắm. Vậy hãy để chính công chúng xét và trao danh hiệu cho nghệ sĩ”.

Hiện tại, xét tặng danh hiệu vẫn nặng cơ chế xin - cho. Những nghệ sĩ tự trọng đã khước từ cuộc chơi nhiều thị phi này. Do đó, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần tham mưu về một phương pháp hiệu quả hơn.

Trường hợp đặc cách phong tặng NSND cho huyền thoại Tây Nguyên đại ngàn - Y Moan và phong tặng NSƯT cho danh hài chuyên trị các vai nông dân - Văn Hiệp rất được hoan nghênh, dù động thái ấy chỉ thực thi khi... nghệ sĩ qua đời! Một danh hiệu gửi vào cõi mịt mùng thì có ý nghĩa gì, nếu lúc nghệ sĩ còn sống phải đắn đo và loay hoay đi xin được phong tặng?...