Dân Việt

Làm VietGAP ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Hái quả ngọt đầu mùa

15/06/2011 05:54 GMT+7
(Dân Việt) - Cuộc vận động bà con nông dân sản xuất theo chuẩn VietGAP mở ra hy vọng mới cho trái cây Bà Rịa - Vũng Tàu bởi những thành quả ban đầu.

Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 8.633ha cây ăn quả, với tổng sản lượng hơn 61.000 tấn/năm. Thời gian qua ngành nông nghiệp đã thực hiện mô hình thí điểm trồng cây mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP tại các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Tân Thành trên tổng diện tích 6ha. Ngoài ra, các dự án “Xây dựng quy trình sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo tiêu chuẩn VietGAP”, “Trồng thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP” cũng đã được triển khai tại huyện Xuyên Mộc và bước đầu đạt kết quả tốt.

img
Thanh long trồng theo Vietgap tăng năng suất 30%.

Ông Phạm Tấn Phước - Chủ nhiệm dự án trồng thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cho biết, dự án được thực hiện từ tháng 12.2009 trên diện tích 2ha với 5 hộ nông dân tham gia, có tổng kinh phí 500 triệu đồng. Trong đó, các hộ được hỗ trợ hơn 30% tổng chi phí và được cung cấp giống, hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP. Vừa qua, những cây thanh long theo hướng VietGAP này đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với năng suất đạt 10 tấn/ha. Ông Mai Văn Tiết - Chủ tịch Hội ND xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, cho biết trước đây mỗi gốc thanh long chỉ có khoảng 20 quả, mỗi quả nặng 500 - 600g, nhưng khi áp dụng kỹ thuật của VietGAP thì năng suất và trọng lượng quả tăng lên 30%, giá bán lại cao hơn, doanh thu tăng hơn 50 triệu đồng/ha so với trước khi áp dụng kỹ thuật mới.

Một số loại cây ăn trái khác khi áp dụng VietGAP cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Võ Hồng Bin, ở xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, nói: “Hiện giá nhãn xuồng cơm vàng tại vườn là 20.000 đồng/kg, nhưng đối với nhãn được trồng theo VietGAP có giá bán tới 30.000 đồng/kg. Nhãn xuồng cơm vàng của Bà Rịa – Vũng Tàu nổi tiếng thơm ngon, nay có thêm chuẩn VietGAP càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường”.

Tuy nhiên, con đường đưa chuẩn VietGAP vào sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hiện nay cây ăn quả được trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, thu giá trị cao nhưng diện tích trồng còn manh mún. Nhiều chủ các nhà vườn cho rằng, khó khăn ban đầu để người nông dân thực hiện theo VietGAP là phải ghi nhật ký sản xuất, trong khi lâu nay bà con vẫn làm theo cách truyền thống, mà không quan tâm đến việc ghi chép.

Ông Mai Văn Tiết hiến kế: “Để vận động bà con áp dụng VietGAP vào sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp cần xây dựng nhiều mô hình, dự án áp dụng đúng tiêu chí kỹ thuật theo phương thức này. Sau mỗi vụ thu hoạch cần tổ chức những buổi hội thảo công bố kết quả sản xuất để bà con thấy rõ hiệu quả từ những mô hình theo chuẩn VietGAP cao hơn phương thức truyền thống thì mới thuyết phục bà con tình nguyện tham gia”.