Dân Việt

Mô hình đột phá: Nuôi tôm dưới tán rừng

HUỲNH XÂY 17/07/2015 06:05 GMT+7
Ít vốn đầu tư, nhẹ công chăm sóc, không sợ nguồn nước ô nhiễm, không sợ nắng nóng kéo dài mà lại thu lợi nhuận khá là những chia sẻ của người dân Trà Vinh đối với mô hình nuôi tôm dưới tán rừng. 

Mô hình đột phá

Thay vì làm như nhiều hộ dân là đốn rừng tràm, rừng đước để đào ao, đắp bờ nuôi tôm theo hình thức công nghiệp, ông Phan Văn Huấn ngụ ở ấp Bào (xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải) lại cải tạo 4,5ha đất để trồng rừng và nuôi tôm theo hình thức thả lan theo tỷ lệ 50% diện tích rừng, 50% diện tích mặt nước dành cho tôm.

img
Hàng nghìn hộ dân ở Trà Vinh nuôi tôm dưới tán rừng đang thu lợi nhuận khá. Ảnh:  Huỳnh Xây
Với hình thức nuôi trên, trong năm đầu tiên thả nuôi (năm 2012), ông Huấn đã thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng, trong khi đó nhiều hộ nuôi theo hình thức công nghiệp bị thua lỗ, nợ nần vì dịch bệnh. Những năm sau đó, ông Huấn tiếp tục mở rộng quy mô nuôi tôm. “Tôi mới đầu tư vốn, trồng thêm 3ha rừng. Cách nuôi tôm dưới tán rừng này ít rủi ro, thu nhập khá và ổn định. Ngoài con tôm tôi còn thả thêm cua, cá” – ông Huấn nói.

Sau nhiều năm bị thua lỗ từ việc nuôi tôm theo hình thức công nghiệp, ông Phan Văn Cảnh ngụ xã Long Vĩnh (huyện Duyên Hải) đã mạnh dạn trồng rừng, nuôi tôm theo hình thức thả lan dưới tán rừng. Ông Cảnh cho biết, do thấy nhiều người trong xã đốn cây rừng nuôi tôm nên làm theo. Vụ nuôi đầu có lời nhưng sau đó đều bị lỗ.

Hiện nay, tình cảnh đó không còn nữa, chỉ với khoảng 7.000m2 (kể cả diện tích rừng và mặt nước dành cho tôm), việc nuôi tôm thả lan đã cho ông thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm. ­Còn anh Nguyễn Hữu Lộc ngụ ở xã Long Khánh (huyện Duyên Hải) thì cho biết: “Tôi được Ban quản lý khu vực rừng đước Long Khánh giao cho hơn 50ha rừng để chăm sóc và khai thác. Tận dụng diện tích này, tôi thả tôm, cua nuôi, có kết hợp với việc trồng mới rừng. Nhờ vậy mà thu nhập ngày càng khá”.

Theo phóng viên Dân Việt tìm hiểu, không chỉ có 3 hộ dân trên thu lợi từ việc nuôi tôm dưới tán rừng mà có đến hàng nghìn hộ dân nuôi theo hình thức này, tập trung nhiều nhất là ở 3 huyện Duyên Hải, Châu Thành và Cầu Ngang.

Góp phần bảo vệ môi trường

Trà Vinh là địa phương có diện tích đất giáp biển khá lớn, do đó diện tích rừng ngập mặn khá phong phú. Vì vậy, nơi đây rất thuận lợi trong việc phát triển nuôi thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm theo hình thức thả lan, có thả con giống và bổ sung thức ăn trong một khoảng thời gian nhất định (còn gọi là hình thức nuôi quảng canh cải tiến). Với cách nuôi này, người dân chỉ cần ít vốn mà có thể thu lợi 100 triệu đồng/ha.

Ông Trần Trường Giang - Trưởng phòng NNPTNT huyện Duyên Hải cho biết: “Khoảng 80% số hộ nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến là có lời. Hình thức nuôi này có triển vọng trong bối cảnh nuôi tôm công nghiệp gặp khó do dịch bệnh. Nó có thể góp phần vệ môi trường, bảo vệ rừng tốt hơn”.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trà Vinh, 4 năm qua (2010-2014), người dân khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh đã tự đầu tư vốn trồng mới rừng gần 3.200ha rừng để nuôi thủy sản, giúp diện tích rừng ven biển tăng lên trên 7.520ha. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh cũng đang triển khai dự án trồng mới 10.000ha rừng ngập mặn ven biển theo chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững của Chính phủ. Theo đó, sẽ khuyến khích người dân nuôi thủy sản để phát triển đa dạng hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Ông Trần Văn Trí - Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trà Vinh) đánh giá: “Hình thức nuôi tôm kết hợp với việc trồng, bảo vệ rừng cho hiệu quả cao và bền vững. Mô hình này đã  tác động đến suy nghĩ người dân và kích thích người dân tự đầu tư trồng lại diện tích rừng bị mất”.