Dân Việt

Lớp trưởng bậc tiểu học sẽ làm chủ tịch hội đồng tự quản?

Diệu Thu 16/07/2015 13:53 GMT+7
Trong mô hình trường học mới ở bậc tiểu học, lớp trưởng sẽ là chủ tịch hội đồng tự quản.

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới, trong đó có đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học và mô hình trường học mới. Nội dung dự thảo cho biết, lớp trưởng tiểu học sẽ là chủ tịch hội đồng tự quản.

“Học sinh đ­ược tổ chức theo lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học”, dự thảo nêu rõ.

Mỗi lớp học bậc tiểu học không quá 35 học sinh, trong đó lớp trưởng được giữ chức Chủ tịch Hội đồng tự quản.

img

Trong mô hình trường học mới ở bậc tiểu học, lớp trưởng sẽ là chủ tịch hội đồng tự quản (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, mỗi lớp học có một giáo viên chủ nhiệm phụ trách giảng dạy một hoặc nhiều môn học. Ở những địa bàn đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép học sinh nhiều trình độ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học. Số lượng học sinh và số lớp trình độ trong một lớp ghép phù hợp năng lực dạy học của giáo viên và điều kiện địa phương.

Trong Dự thảo cũng quy định, mỗi lớp học chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm học sinh. Mỗi tổ ban, nhóm có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký do học sinh trong tổ, ban, nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học.

Dự thảo Điều lệ trường tiểu học mới cũng quy định tăng quyền của học sinh, trong đó nhấn mạnh các em được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện.

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, ưu điểm lớn nhất của mô hình trường học mới là tập cho học sinh tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, mạnh dạn nói lên ý kiến.Qua đó, mô hình trường học mới sẽ hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Trao đổi với phóng viên, TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, chức danh chủ tịch hội đồng tự quản không không to tát với trẻ con. Chức danh này giúp các cháu tự tin, mạnh dạn và làm được nhiều việc hơn.

 “Mô hình trường học mới này tập cho học sinh tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, mạnh dạn nói lên ý kiến của bản thân”, bà Hương cho hay.

Theo bà Hương, chức danh “lớp trưởng” chỉ kiểm soát các bạn, mách cô còn chủ tịch hội đồng tự quản có thể điều khiển các bạn hát, đánh giá, hướng dẫn.

Ngoài ra, tên gọi “chủ tịch hội đồng tự quản” gần gũi hơn tên gọi “lớp trưởng”. Nó gắn với thực tiễn hơn tên gọi lớp trưởng.