Dân Việt

Chuyện khó tin ở V.League: “Không biết luật bóng đá”

Lao Động 16/07/2015 20:08 GMT+7
Mấy ngày qua, một sự kiện gây chú ý đối với người hâm mộ bóng đá nước nhà là việc BTC V.League quyết định “mổ băng” trận đấu Thanh Hóa - HAGL để xác định cầu thủ Đình Tùng có chạm tay vào bóng trong tình huống ấn định tỉ số 2-1 hay không.

Kết luận là bàn thắng ấy hợp lệ, trưởng đoàn bóng đá HAGL, ông Tấn Anh bị phạt 5 triệu đồng vì vào sân đôi co với trọng tài. Vấn đề ở đây là dường như BTC V.League đã làm một việc không cần thiết là mổ băng trong khi luật FIFA đã quy định rõ ràng về những trường hợp tương tự. Hay nói một cách khác, có vẻ như chính BTC cũng… dốt luật FIFA.

Thế nào là “dùng tay chơi bóng”?

Ông Đoàn Phú Tấn - một giám sát kỳ cựu, chia sẻ rằng: “Tôi xem tivi, thấy một hiện tượng nực cười. Đó là chương trình cố gắng chứng minh rằng trong tình huống ấy (bàn thắng 2-1 của FLC Thanh Hóa trận gặp HAGL), bóng có thể đã chạm vào cánh tay, hoặc mu bàn tay gì đó của cầu thủ Đình Tùng, trước khi cầu thủ này ghi bàn. Chứng minh như thế để làm gì chứ? Trong luật bóng đá chỉ có lỗi "dùng tay chơi bóng", nghĩa là cầu thủ đã cố tình chơi bóng bằng tay, không có lỗi "bóng sượt vào tay". Hãy hiểu, trước khi làm gì đó chứ”.

img

Lãnh đạo và cầu thủ HAGL quây trọng tài trên sân Thanh Hóa. Ảnh: T.L.

Ý của ông Đoàn Phú Tấn là “chê” những bình luận viên nhà đài chưa hiểu hết luật bóng đá, thậm chí không phân biệt được khái niệm “dùng tay chơi bóng” (chủ động) và “bóng chạm tay” (bị động).

Trong khi đó, nhận xét về tình huống này, Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi cũng cho rằng: “Đình Tùng không có động tác dùng tay chơi bóng. Theo luật bóng đá, cầu thủ không dùng tay chơi bóng thì không phạm luật và bàn thắng phải được công nhận”.

Như vậy nếu BTC mổ băng để “soi” xem Đình Tùng có “chơi bóng bằng tay” hay không là một việc làm thừa, bởi tình huống quá rõ ràng. Phải chăng khi đặt mình vào thế phải “mổ băng”, chính BTC V.League cũng “mù mờ” luật để rồi không dám khẳng định về tình huống “ai cũng thấy” đó?

Cầu thủ, HLV cũng "dốt” luật

Việc ông trưởng đoàn HAGL Nguyễn Tấn Anh nhảy xổ vào sân tranh cãi với trọng tài về tình huống của Đình Tùng cho thấy dù đã có rất nhiều lần BTC phải ra án phạt về “tội” các quan chức đội bóng nhảy vào sân để tranh cãi, nhưng tình trạng này vẫn không thay đổi.

Ông Nguyễn Văn Mùi cũng chia sẻ: “Tôi nói không biết bao nhiêu lần là một khi trọng tài đã công nhận bàn thắng rồi thì không thể thay đổi sau trận đấu”. Ấy thế nhưng nhiều vị lãnh đội quên mất điều này, liên tục gây sức ép với hy vọng kết quả trận đấu sẽ thay đổi. Trưởng đoàn HAGL cố gắng chứng minh bóng chạm tay cầu thủ Đình Tùng và tuyên bố “không phục” quyết định của BTC, nhưng để làm gì? Để thay đổi kết quả trận đấu? Để “dằn mặt” BTC V.League (vì ông chủ HAGL là Phó Chủ tịch VFF và VPF - đơn vị tổ chức giải đấu)? Hay dằn mặt giới trọng tài? Hay đơn giản là “dốt” luật?

Chuyện “dốt” luật trong làng bóng V.League dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười. Năm ngoái, trên sân Vinh, sau khi ghi bàn vào lưới HN T&T giúp SLNA gỡ 1-1, Lê Công Vinh trùm áo qua đầu ăn mừng, trọng tài cho cầu thủ này thẻ vàng. Thế là HLV Hữu Thắng nhao vào sân tranh cãi quyết liệt vì cho rằng Công Vinh không cởi áo ăn mừng nên không đáng bị thổi phạt. Trên thực tế, theo luật FIFA, ăn mừng bàn thắng bằng cách trùm áo lên đầu hoặc cởi hẳn áo ra đều bị xem là hành vi phi thể thao, trọng tài cần cảnh cáo cầu thủ đó, không tính thời gian là 1 phút hay 1 giây. Ông Nguyễn Văn Mùi từng lắc đầu ngao ngán: “HLV mà còn không hiểu luật, thì như thế là “chết” rồi”.

Điều đáng lo ngại là cả cầu thủ cũng dốt luật. Nhìn chung cầu thủ Việt Nam hiện nay hầu hết chỉ nắm một vài luật cơ bản, kiểu như lỗi 12, việt vị… chứ nhiều tình huống khác rất mù mờ. Chính vì thế các trận đấu ở V.League thường xuyên bị “nát vụn” khi cầu thủ tranh cãi với trọng tài về luật.

Tại SEA Games vừa rồi, có tình huống hài hước trong trận U23 Việt Nam đá với U23 Brunei, Công Phượng thực hiện quả đá phạt đền, bóng dội xà bật ra và Công Phượng đã hăm hở lao vào sút bồi (và ra ngoài). Trên thực tế thì theo luật FIFA, cú sút bồi của Phượng có vào gôn cũng không được tính. Chính điều này làm dư luận xôn xao chuyện Công Phượng “dốt” luật FIFA.

Còn một vị giám sát thì ôm đầu khẳng định: “Tôi nghĩ Công Phượng không hiểu luật bóng đá, chứ không phải một hành động bản năng của cậu ta. Mấy chục năm trong nghề, tôi khẳng định có chuyện ý thức hiểu biết luật bóng đá của đội ngũ HLV cũng như cầu thủ Việt Nam rất hạn chế”.