Ông là Đoàn Minh Hùng, được bà con chòm xóm gọi với cái tên trìu mến "thầy Hùng", ngụ số 166 Phan Anh, P. Tân Thới Hiệp, Q. Tân Phú, TP.HCM.
Lớp học miễn phi của thầy Hùng
Thấu hiểu với người nghèo
5h30 chiều, “đoàn tàu” của thầy hùng tíu tít nối đuôi nhau thành một hàng bước vào lớp. Đứng ở ngoài, thầy Hùng tóc đã lấm tấm sợi bạc chỉ tay đếm xem còn học trò nào thiếu. Rồi thầy lại lộc cộc trên chiếc xe đạp chạy đến nhà từng em học trò gọi chúng đi học.
Gian nhà nhỏ của thầy Hùng toàn bộ không gian đều dành cho học trò. Ngay cả gác lửng nơi mấy người con của thầy nghỉ ngơi cũng bị “trưng dụng” làm chỗ học.
“Đến bây giờ, học trò đông quá tôi cũng không nhớ nổi chính xác có bao nhiêu em”- thầy Hùng nói.
Trước một buổi học, không khí ồn ã của trẻ con làm náo nhiệt một góc phố nhỏ. Thật khó có thể tin rằng thầy Hùng chỉ với thu nhập từ những dĩa cơm chay bán cho khách mà có thể duy trì lớp học tình thương miễn phí này suốt 6 năm trời.
Ngồi sắp xếp lại những đôi dép của học trò lại cho ngay ngắn trước khi vào buổi dạy thầy Hùng kể: “Tôi xuất thân từ một vùng quê nghèo ở Bà Rịa Vũng Tàu. Cuộc sống khó khăn, nhà đông anh em mà chỉ có được vài sào ruộng khoán. Khó khăn như vậy nhưng gia đình tôi lại không hạnh phúc, bố mẹ chia tay nhau từ khi tôi còn rất nhỏ. Phải sống cuộc sống tự lập ngày ngày bươn chải làm đủ thứ nghề để kiếm sống nên tôi rất đồng cảm với những người nghèo”.
Ngày rời bỏ quê hương lên Sài Gòn sinh sống cũng là lúc ông bắt đầu thấy những đứa trẻ nghèo con của những người lao động tứ xứ vào TP.HCM lập nghiệp. Những đứa trẻ còi cọc, đen đúa tay cầm chồng vé số đi qua trường tiều học cứ dừng lại ngoái đầu nhìn vào song sắt với ước mơ được đi học thật sự làm ông không thể nào quên được.
Vậy là đầu năm 2010, ông nhận 5 trẻ vào nhà mình kèm cặp, dạy thêm để các em rành con chữ. “Việc đầu tiên để các em thoát cái nghèo là các em phải biết chữ. Biết chữ được mới mong ngày mai mình có được tương lai tốt đẹp hơn”- thầy Hùng chia sẻ.
Vốn chỉ là một nông dân nghèo, thầy Hùng chẳng có bằng cấp sư phạm gì vậy mà suốt 6 năm qua hàng trăm học sinh nghèo và bà con chòm xóm vẫn trìu mến gọi là thầy. Đơn giản chỉ một điều thầy chính là ánh sáng soi đường cho các em đến với tri thức. Quên sao được những lần thầy tằn tiện từng đồng tiền bán cơm đạp xe đến các nhà sách mua các loại giáo trình sách vở về mở mang kiến thức sư phạm để dạy cho đám trò nhò. Quên sao được những đêm thầy chong đèn đến khuya giở từng trang giáo án như một người giáo viên thật sự.
Thầy Hùng không chỉ dạy chữ mà còn dạy cả cách ứng xử, đạo đức làm người cho học trò
Việc tốt lan tỏa
Vậy là lớp học đã được 6 năm, số lượng học sinh càng tăng thì thầy càng cảm thấy…lo lắng. “Mỗi đứa xin học thì mình phải lo thêm sách vở, bút mực, bàn ghế mà thu nhập mình vẫn vậy thì phải kiếm thêm việc khác để có tiền lo cho lũ nhóc”- thầy Hùng cho biết.
Vậy là thầy làm đủ nghề từ sửa cân thuê đến đẩy xe đẩy bán băng đĩa thuê, bán vòng tay, xâu chuỗi hạt nhà Phật đi khắp các hang cùng ngõ hẻm kiếm tiền.
Thương chồng vất vả, bà Nguyễn Thị Kim Chi (vợ thầy Hùng) cũng xắn tay áo đi bỏ mối rau củ cho các chợ tiếp thêm kinh phí cho chồng. “Nhìn thấy tóc ông bạc dần vì lũ học trò tôi thương lắm, thương ông mà tôi không biết phải làm sao chỉ biết động viên ông giữ gìn sức khỏe để tiếp tục đứng lớp thôi”- bà Chi kể.
Hiểu được sự vất vả của thầy, các em học sinh ở lớp học này đều rất ngoan và chăm chỉ học tập. nhiều người vì hoàn cảnh quá khó khăn nên bị dang dở việc học. Họ đến với thầy khi tóc đã hoa râm. Một số học trò khác lại có hoàn cảnh đặc biệt hơn, đó là bị khuyết tật hay thiểu năng trí tuệ thầy cũng dang rộng vòng tay đón nhận.
Những tình nguyện viên là sinh viên vẫn ngày đêm miệt mài với học trò giúp sức thầy Hùng
Em Nguyễn Quốc Toàn, học sinh lớp 4 trường tiểu học Trương Công Định tâm sự: “thầy Hùng thương chúng con lắm. Cứ mỗi chiều trước khi đến lớp học thầy biết chúng con ăn chưa được no bụng sẽ ảnh hưởng đến việc học nên thầy cho chúng con ăn cơm rồi mới vào học. Ngoài học chữ thầy còn dạy cả học đạo đức cho con”.
Việc tốt như được lan tỏa, nhiều giáo viên, sinh viên các trường ĐH biết được hoàn cảnh của thầy ngày ngày vẫn đến phụ giúp thầy kèm cặp lũ học trò.
Bạn Vũ Thị Thanh Hiền (sinh viên năm 2 ĐH kinh tế TP.HCM) bày tỏ: “Mình mới đến dạy ở đây có 1 tuần thôi. Được các em nhỏ ở đây gọi là cô khiến mình có cảm giác đặc biệt lắm. Em nào cũng ngoan và chăm chỉ nên mình rất thương”.
Cứ như vậy lớp học với tiếng ê a tập đọc đánh vần với ánh đèn sáng rực cả một góc phố nhỏ mà trong lớp học đó có một người thầy nhân hậu vẫn ngày đêm miệt mài với sự nghiệp trồng người.