"Chúng ta nên nhìn về tương lai ở phạm vi vượt ra ngoài khuôn khổ của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Chúng ta nên có một con tàu vũ trụ nhỏ hơn ở quỹ đạo thấp của Trái Đất để nghiên cứu vi trọng lực và tôi đề xuất xây dựng một ngôi làng trên Mặt Trăng," Woerner nói.
Ngôi làng này không chỉ có một vài ngôi nhà, nhà thờ hay tòa thị chính, mà phải là nơi các đối tác trên thế giới cùng đóng góp cho sự phát triển của nó bằng robot, các sứ mệnh của phi hành gia hay vệ tinh thông tin liên lạc.
Một căn cứ ở bề mặt che khuất của Mặt Trăng có thể là nơi đặt kính thiên văn giúp con người quan sát vũ trụ rõ ràng hơn. Ảnh: Science Photo Library
Theo người đứng đầu ESA, việc quay lại Mặt Trăng có ý nghĩa lớn về mặt khoa học, đồng thời là bàn đạp để nhân loại tiếp tục khám phá hệ Mặt Trời. Ông nhận định khu vực bề mặt che khuất của Mặt Trăng rất thú vị và trước khi lên đến sao Hỏa, chúng ta có thể thử nghiệm các kế hoạch dự định trên hành tinh đỏ với Mặt Trăng, ví dụ như hệ thống in 3D khổng lồ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang nghiên cứu.
Hành trình từ Trái Đất đến Mặt Trăng dài 4 ngày, là khoảng cách lý tưởng để bắt đầu học cách sống ở một thế giới hoàn toàn xa lạ, so với mất 6 tháng để lên sao Hỏa.
Ngôi làng trên Mặt Trăng được dự tính trở thành căn cứ đa quốc gia với sự tham gia của nhiều phi hành gia, bao gồm cả những người đến từ Nga và Trung Quốc.
"Chúng ta cần quan hệ hợp tác quốc tế không giới hạn với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trên Trái Đất, chúng ta đã có đủ vấn đề giữa các nước. Môi trường vũ trụ có thể góp phần giải quyết những điều đó và Mặt Trăng là một ý tưởng phù hợp," ông nói, nhấn mạnh giải pháp cùng hợp tác trong lĩnh vực không gian để thắt chặt mối quan hệ, thay vì cô lập một quốc gia nào đó.
Nghiên cứu Mặt Trăng có thể là bước đệm trước khi thực hiện các chương trình lên sao Hỏa. Ảnh: Science Photo Library
Quay lại Mặt Trăng dường như đang trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo kết quả khảo sát của BBC Future, nhiều chuyên gia dự đoán rằng Mặt Trăng sẽ là điểm đến được lựa chọn của nhiều chương trình khám phá trong thập kỷ tới.
Woerner cho biết ý tưởng làng Mặt Trăng được đưa ra nhằm khuyến khích các ý kiến thảo luận về tương lai của nghiên cứu, khám phá không gian và ứng dụng công nghệ vũ trụ. Phản ứng trước những chỉ trích về việc chi tiền cho hoạt động nghiên cứu thiên văn, ông khẳng định không có bức tường ngăn cách nào giữa thám hiểm và ứng dụng thực tế. Ai cũng biết đến hiệu ứng nhà kính, nhưng trên thực tế nó được phát hiện từ một sứ mệnh thăm dò sao Kim thay vì từ trên Trái Đất.