Dân Việt

"Người hùng" trong "Giết con chim nhại" bị phá hủy ở phần 2?

Minh Khánh (lược dịch BBC) 18/07/2015 08:19 GMT+7
Qua tiểu thuyết “To Kill a Mockingbird” (Giết con chim nhại), nữ văn sĩ Harper Lee đã tạo ra một trong những anh hùng vĩ đại nhất, nhưng trong phần tiếp theo “Go Set a Watchman”, có ý kiến cho rằng hình tượng nhân vật đã bị phá hủy.

“Go Set A Watchman”, cuốn tiểu thuyết mới của nữ văn sĩ Mỹ Harper Lee vừa ra mắt đã thu hút đông đảo độc giả trên thế giới. Xung quanh cuốn chuyện là những tranh cãi lớn về hình tượng của luật sư Atticus Finch -" người hùng" và cũng là nhân vật xuyên suốt hai bộ truyện.

"To Kill a Mockingbird" (Giết con chim nhại), cuốn tiểu thuyết đã mang về giải thưởng Pulitzer danh giá cho nữ văn sĩ Harper Lee, từng đem đến hình ảnh của chủ nghĩa anh hùng khi đối mặt với sự cố chấp và bất công tại Mỹ những năm 1930 của thế kỷ 20. Đó là buổi đầu của kỷ nguyên nô lệ, của nạn phân biệt chủng tộc khắc nghiệt đánh dấu một thời kỳ đen tối, khủng hoảng bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nhân vật Atticus Finch, một luật sư đã mạo hiểm sự an toàn của mình và gia đình để làm luật sư phản biện cho Tom Robinson - một người da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng. Qua cuộc chiến đấu cho công lý, cho sự thật, sự công bằng ấy, Atticus Finch đã trở thành thần tượng, biểu tượng bất tử của biết bao độc giả kể từ khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1960.

Nhưng trong phần tiếp theo “Go Set a Watchman”, luật sư Atticus Finch được mô tả như một kẻ bênh vực nạn phân biệt chủng tộc những năm 1950. Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh 20 năm sau khi phần một kết thúc. Lúc này, nhân vật Scout đã là một phụ nữ trưởng thành, trở về quê hương Alabama, miền Nam nước Mỹ để thăm cha. Trong lần trở về này, Scout đã hoàn toàn vỡ mộng, sụp đổ khi biết rằng người cha yêu quý và kính trọng của mình, người đã từng là một luật sư cao quý, từng đứng lên bảo vệ một người da đen và chống lại nạn phân biệt chủng tộc, mưu cầu quyền bình đẳng cho tất cả mọi người, giờ đây lại tham dự các cuộc họp của lực lượng phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan và phản đối việc xóa bỏ phân biệt chủng tộc.

Nhân vật Jean Louise "Scout" Finch phải nhận những tổn thương sâu sắc khi mất hoàn toàn niềm tin vào một người "mà cô từng hết lòng tin cậy". Nhân vật Atticus cũng giữ một vị trí tương tự như Scout trong trái tim và tâm trí của rất nhiều độc giả, do đó nó không phải là điều quá ngạc nhiên khi sự thay đổi này trong “Go Set a Watchman” gặp phải những lời chỉ trích.

Vũ trụ song song

Có một sự thực cần xem xét, đó là “Go Set a Watchman” được viết trước khi “Giết con chim nhại” ra đời. Tác phẩm lúc đầu bị từ chối bởi nhà xuất bản và tác giả được đề nghị viết một câu chuyện khác về thời thơ ấu của nhân vật chính, đó cũng là lý do “Giết con chim nhại” ra đời trước.

Hình tượng Atticus Finch trong cả hai cuốn chuyện tồn tại như hai vũ trụ song song. Độc giả có thể thích “Giết con chim nhại” hơn vì hình tượng chính nghĩa trong đó, nhưng không thể phủ nhận hình tượng trong “Go Set a Watchman” cũng rất thú vị. Nó cho thấy rằng một người đàn ông bằng da, bằng thịt bình thường cũng có thể sai lầm chứ không phải là một anh hùng hoàn mỹ.

“Cháu đã bao giờ nhìn nhận từ góc nhìn của một người đàn ông, phải sống thích nghi với hoàn cảnh và cộng đồng mà họ sinh sống chỉ đơn giản để phục vụ cho nó?”, chú của Jean Louise "Scout" Finch đã hỏi cô như vậy, cố gắng để giải thích sự thay đổi của cha cô. Thực tế cho thấy hoàn cảnh sống đối với một người đàn ông rất quan trọng.

Tác phẩm “Go Set a Watchman” lặng lẽ đem đến sự xem xét khác biệt giữa hai giới thông qua quan điểm của cha và con gái. Thay vì những màn đối đầu căng thẳng, kịch tính như trong “Giết con chim nhại” được nhìn thấy trong phòng xử án, đây là một trận chiến trí tuệ và lập luận tương tự nhưng diễn ra trong không gian riêng tư của nhà Finch. Nhân vật Jean Louise đối đầu với cha mình Atticus trong quan điểm chính trị đằng sau cánh cửa đóng kín, chứ không phải trên sân khấu công cộng cho tất cả mọi người để xem.

img

Tác phẩm “Go Set A Watchman” là phần tiếp theo của “Giết con chim nhại” được giới văn học rất mong chờ.

Mặc dù nhiều độc giả sẽ cảm thấy bị phản bội bởi sự thay đổi hình tượng của Atticus, nhưng nó vẫn là một cuốn chuyện mang đến cái nhìn thú vị.

Một cuốn truyện nhiều sắc thái

Những người hâm mộ “Giết con chim nhại” đều rất tò mò vì sao một người thánh thiện, mẫu mực và toàn vẹn như Atticus Finch lại biến thành một người cuồng tín già cả và khó tính.

Nhưng chắc chắn câu hỏi thú vị hơn là làm sao nữ văn sĩ Harper Lee đã thay đổi được hoàn toàn hình ảnh nhân vật từ ban đầu là một người cuồng tín già cả và khó tính thành một hình tượng toàn vẹn và chính nghĩa (“Go Set a Watchman” được viết trước khi “Giết con chim nhại”).

Ngoài ra, còn những thay đổi khác nhau về thời đại, bối cảnh xã hội và nền chính trị hoàn toàn đối lập đều rất thú vị. “Go Set a Watchman” diễn tả nhiều sắc thái về thành kiến ​​chủng tộc.