NSND Lê Khanh (sinh năm 1963)
NSND Lê Khanh là nghệ sĩ sân khấu trẻ nhất từng được phong tặng danh hiệu NSND (kể cả so sánh trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình). Lê Khanh được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ cao quý nhất năm 2001, khi ấy chị mới 38 tuổi. Vào thời điểm Lê Khanh được phong tặng danh hiệu NSND, dư luận cũng đã từng nảy sinh nhiều tranh cãi, khi chị quá trẻ để nhận được danh hiệu này.
Tuy nhiên, những đóng góp của Lê Khanh với sân khấu cộng thêm những thành tích có được, Lê Khanh vẫn vượt qua “sóng gió” dư luận để khẳng định, chị hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu NSND- ở tuổi 38.
NSƯT Trung Hiếu (sinh năm 1973)
Sinh năm 1973, Trung Hiếu được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2006, khi đó anh 33 tuổi. Vào thời điểm đó, được phong tặng danh hiệu NSƯT ở tuổi 33 được xem là quá trẻ. Dư luận cũng đã xôn xao tranh cãi trước danh hiệu này dành cho Trung Hiếu.
Sau 9 năm (3 đợt phong tặng danh hiệu), Trung Hiếu lại có tên trong danh sách đề nghị xét tặng NSND. Sau 9 năm là NSƯT, Trung Hiếu có bề dày thành tích không chỉ ở sân khấu, anh còn là một diễn viên được đánh giá xuất sắc ở lĩnh vực phim truyền hình. Trung Hiếu nhiều lần nhận giải Nam diễn viên xuất sắc của Hội điện ảnh ở hạng mục dành cho phim truyện truyền hình.
9 năm sau, Trung Hiếu vẫn là một trong những nghệ sĩ trẻ nhất được phong tặng NSND.
Nói về Trung Hiếu, NSND Hoàng Dũng đã khẳng định, “Về cả thành tích và số năm công tác trong ngành, số năm là NSƯT- ở tất cả các tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND, Trung Hiếu đều thừa tiêu chuẩn”.
NSƯT Tự Long (sinh năm 1973)
Cùng tuổi được phong tặng danh hiệu NSND với Trung Hiếu, tuy nhiên, trường hợp của Tự Long lại gây “sóng gió” vì anh mới nhận danh hiệu NSƯT năm 2012, trong khi Trung Hiếu đã nhận danh hiệu NSƯT từ năm 2006.
Được biết, theo quy định mới, những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT sau 3 năm nếu đủ thành tích vẫn có thể làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND (chứ không phải đợi 5-6 năm như quy định cũ).
NSƯT Tự Long tuy là diễn viên chèo (anh là Phó Giám đốc nhà hát Chèo Quân đội) nhưng nam diễn viên tham gia rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó anh đặc biệt có duyên với truyền hình. Tự Long được đông đảo khán giả yêu mến qua các vai hài trong Gặp nhau cuối tuần, Táo quân, Gặp nhau cuối năm, Gala cười… Tự Long còn tham gia dẫn nhiều chương trình truyền hình, và tham gia sân khấu kịch nói với nhiều vở diễn dành cho thiếu nhi (cùng Xuân Bắc).
Theo NSND Hoàng Dũng- Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội, “Những người trẻ có tài và lại đầy say mê, cống hiến cho nghệ thuật, tôi nghĩ, chẳng có lý do gì để không phong tặng danh hiệu cho họ cả. Chẳng lẽ, chỉ có các nghệ sĩ già mới có thể là NSƯT hay NSND? Cá nhân tôi cho rằng, chẳng có gì để phải tranh cãi cả, khi tài năng, năng lực của người nghệ sĩ đã được thể hiện ra rõ nét. Tôi thấy họ hoàn toàn xứng đáng!”. NSND Thanh Vân chia sẻ, “Trước đây, từ năm 1984, các cấp xét duyệt từng đặt cách trao luôn danh hiệu NSND cho Đặng Thái Sơn khi ông ấy mới 26 tuổi. Và danh hiệu NSND phong tặng cho Đặng Thái Sơn ngay khi ông ấy đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin. Các cấp xét duyệt trước đây đã làm được những điều “thoáng” và ý nghĩa, kịp thời như vậy. Tại sao bây giờ lại không?”. Đợt xét tặng danh hiệu NSND- NSƯT năm 2015 đã qua Hội đồng xét duyệt chuyên ngành cấp nhà nước. Chỉ còn một vòng xét duyệt cấp nhà nước cuối cùng, danh sách các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT- NSND lần này sẽ chính thức được công bố. Lễ trao tặng danh hiệu NSƯT- NSND sẽ được diễn ra trọng thể tại nhà hát Lớn, và người trao tặng danh hiệu cao quý cho các nghệ sĩ là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. |