Dân Việt

Điện ảnh kỳ vọng gì sau đại hội?

Người Lao Động 20/07/2015 12:59 GMT+7
Những người làm nghề đang có quyền lớn hơn những quyền khác, đó là quyền lực sáng tạo. Chỉ có điều họ chưa nhận ra hoặc cố tình không nhận ra để nắm lấy và sử dụng một cách hiệu quả

Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam lần VIII diễn ra thành công tốt đẹp vì không có dư âm không hay như nhiều hội khác. Nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu điện ảnh Việt Nam kỳ vọng gì từ đội ngũ những người làm nghề này trong 5 năm tới?

Tụt hậu và lạc điệu

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại đại hội lần này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của nghệ sĩ điện ảnh nhưng ông cũng chỉ ra rằng nếu không tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ, điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu, lạc điệu không chỉ với điện ảnh thế giới mà ngay cả với cuộc sống sôi động trong nước.

Thực tế, điện ảnh Việt Nam đang vừa tụt hậu với điện ảnh trong khu vực và với cuộc sống sôi động trong nước. Mặc dù phim điện ảnh đang tăng nhanh về số lượng trong những năm gần đây nhờ đồng vốn đầu tư của tư nhân nhưng chất lượng phim vẫn là vấn đề gây nhức nhối với người trong giới và một bộ phận công chúng yêu điện ảnh. Yếu tố thương mại hóa đã nhấn chìm khả năng sáng tạo chuyên môn, thị trường điện ảnh xuất hiện ngày càng nhiều những bộ phim làm nghề dễ dãi, câu khách rẻ tiền, nội dung giỡn cợt tục tĩu… Tìm một tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, nhất là giá trị tư tưởng, giáo dục sâu sắc trong những năm gần đây quả thật không có.

img

Cảnh trong phim “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đang được người trong giới và công chúng chờ đợi sẽ ra rạp trong tháng 8 tới. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Có ý kiến cho rằng điện ảnh Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực nhưng trên thực tế nguồn nhân lực không thiếu, thậm chí phong phú hơn khi một đội ngũ giỏi nghề trở về từ các nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Pháp. Vấn đề ở đây là những người làm điện ảnh sử dụng nguồn nhân lực ấy như thế nào.

Điện ảnh Việt Nam hiện đang hình thành 2 dòng chảy. Một là, làm phim đi dự thi bằng nguồn tài trợ từ nhà nước và nước ngoài, chủ yếu là phía Bắc. Hai là, làm phim kinh doanh, tư nhân bỏ tiền đầu tư và đề cao yếu tố thương mại, chủ yếu là phía Nam. Một bên theo đuổi những mục đích không thuộc về khán giả số đông nên sức sáng tạo phụ thuộc vào nguồn kinh phí tài trợ của nhà nước và của các tổ chức điện ảnh nước ngoài. Có kinh phí thì làm, không có đành bó tay. Một bên chủ động theo nhu cầu thị trường, nguồn vốn đầu tư có lãi nên vòng vốn quay nhanh, lượng phim sản xuất ngày một nhiều hơn. Hai dòng chảy này đang song hành tách biệt, hiếm có phim giao thoa được cả hai. Bộ phim đang được người trong giới và công chúng chờ đợi nhất cho thấy sự giao thoa này là “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, do nhà nước đầu tư bằng ngân sách và được một hãng phim tư nhân tổ chức sản xuất. Người trong giới hy vọng thành công của bộ phim về chất lượng nghệ thuật và kinh doanh sẽ làm thay đổi diện mạo điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới.

Quyền lực sáng tạo ở đâu?

“Không có tiền, không có quyền nên không làm được gì!”. Lời kêu ca này đã vang lên tại Đại hội VIII Hội Điện ảnh Việt Nam. Thoạt nghe, đúng như vậy nhưng nghĩ ra những người làm nghề đang có quyền lớn hơn những quyền khác, đó là quyền lực sáng tạo. Chỉ có điều họ chưa nhận ra hoặc cố tình không nhận ra để nắm lấy và sử dụng một cách hiệu quả.

Có tiền, có quyền của nhà quản lý nhưng không có đội ngũ sáng tạo thì làm sao tạo ra được tác phẩm điện ảnh, đó là điều không ai có thể phủ nhận. Hội là nơi tập hợp tốt nhất quyền lực sáng tạo của mỗi cá nhân để tạo nên sức mạnh lớn đủ thực hiện được những điều mình mong muốn. Đây là việc vô cùng khó nhưng không phải không làm được, vấn đề là hội có đủ năng lực và quyết tâm làm hay không.

Những người quyết định đầu vào, đầu ra cho một tác phẩm điện ảnh hôm nay là hết sức quan trọng nhưng trong hội không có các nhà sản xuất phim, các nhà phát hành phim, thậm chí nhà quản lý các rạp chiếu - nơi đo đếm tốt nhất nhu cầu người xem. Tác phẩm điện ảnh là sản phẩm tập thể được sản xuất bằng quy trình công nghiệp với dây chuyền liên kết chặt chẽ giữa các khâu. Vì vậy, sự tách rời sẽ không mang lại sức mạnh tổng hợp dẫn đến tình trạng quyền lực manh mún, mạnh ai nấy làm.

“Đúng là cơ chế thị trường có nhiều tác động tiêu cực đến điện ảnh nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung. Nhưng hãy nhìn ra thế giới sẽ thấy điện ảnh của các nước, vốn là cái nôi của kinh tế thị trường, vẫn có tác phẩm đỉnh cao nghệ thuật và hết sức nhân văn. Đúng là chúng ta cần nhiều điều kiện để có thể vượt lên nhưng trên tất cả là tình yêu nghệ thuật, là óc sáng tạo, là tấm lòng mang đến cho mọi người, để lại cho cuộc đời những điều tốt đẹp” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam lần VIII vừa qua.

Muốn có nền điện ảnh có nhiều tác phẩm mang giá trị nghệ thuật, nhất là giá trị tư tưởng, giáo dục sâu sắc được làm ra bởi tình yêu nghệ thuật, óc sáng tạo, tấm lòng mang đến cho mọi người, để lại cho cuộc đời những điều tốt đẹp của người làm nghề đòi hỏi đội ngũ của điện ảnh Việt Nam cần đoàn kết, gắn bó, chung tay tạo nên sức mạnh tổng hợp, hướng đến mục tiêu chung và vì lợi ích chung.

Đại hội của những người gần như không mấy “liên quan”

Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2015-2020) vừa kết thúc được dư luận đánh giá là một đại hội … đoàn kết và thân ái nhất trong các hội thuộc Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam bởi mọi sự diễn ra như chương trình đã định một cách êm đềm, vui vẻ và “nhất trí cao”, không có một cuộc đấu khẩu gay cấn nào, kể cả chuyện đề cử nhân sự vào ban chấp hành mới. Thế nhưng, trong thâm tâm không ít người cứ gợn lên câu hỏi một đại hội của những người làm điện ảnh như vậy có thực sự thành công không khi hầu hết các đại biểu có mặt trong đại hội là những người gần như không mấy “liên quan” tới đời sống điện ảnh đang diễn ra nhộn nhịp ở ngoài kia.

Có người nói nửa đùa nửa thật rằng bước vào hội trường cứ tưởng đi nhầm vào đại hội Hội Người cao tuổi vì nhìn quanh chỉ thấy “các bậc lão thành đáng kính”, hoàn toàn thiếu vắng gương mặt trẻ, những người đang chiếm lĩnh các màn ảnh lớn nhỏ trong cả nước. Thấp thoáng có bóng dáng vài ba “em” diễn viên được xem là “sáng nước” nhất, vào loại “út ít” của đại hội thì tuổi đời cũng đã qua ngưỡng tứ tuần, nâng lên các vai “bố - mẹ, ông - bà” trong các bộ phim. Có cảm tưởng như qua mỗi kỳ đại hội (5 năm một lần), đại biểu tham dự hầu hết cũng vẫn chừng ấy gương mặt quen thuộc, chỉ khác là trở nên già hơn, chậm chạp hơn, sức khỏe yếu hơn mà không có mấy người trẻ được bổ sung. Vì sao vậy? Trước hết, có lẽ những “quyền của hội viên” được quy định trong điều lệ hội khiến những người trẻ đang làm nghề không mấy thiết tha vì nó không trực tiếp giúp ích gì cho công cuộc mưu sinh cũng như nghề nghiệp của họ. Điện ảnh trong cơ chế thị trường buộc người ta phải tự thân vận động, phải đấu tranh và đối phó với những trở lực phức tạp “không tên gọi” để tồn tại, những thứ có khi nhỏ nhặt rất riêng tư, nằm ngoài tầm ngắm lớn lao của một “tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc” như Hội Điện ảnh. Điều đó phần nào lý giải nguyên nhân khiến không chỉ người trẻ không thiết tha mà người không trẻ - những hội viên cơ hữu của hội - cũng lơ là với những sinh hoạt của hội.

Thật khó để thể hiện tinh thần “Đại hội phải thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa và nghề nghiệp quan trọng, sâu rộng, nghiêm túc của đội ngũ cán bộ, hội viên và đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ…” bởi thực tế, trong  một ngày rưỡi, đại hội chỉ đủ thời gian cho việc thông qua các văn kiện soạn sẵn như một thủ tục và bầu nhân sự ban chấp hành mới. Cái “được” lớn nhất và thấy rõ nhất của “đại hội 5 năm một lần” là đem lại niềm vui hội ngộ cho những đồng nghiệp cũ của 2 miền Nam - Bắc. Gặp nhau tay bắt mặt mừng và hỏi chuyện... bệnh tật. Có đại biểu lão thành sợ thế hệ sau “bắn” vào quá khứ nên đến để nhắc chuyện gian khổ của điện ảnh bưng biền; có “cụ” khao khát bay ra chỉ để được lên đọc cho các đại biểu nghe một bài thơ mình sáng tác. Hơi thở của điện ảnh ngày nay không hề hiện diện trong đại hội.

Cát Vũ