Dân Việt

Dùng cưa, đục bỏ khối u trên mặt thiếu nữ

16/06/2011 15:09 GMT+7
“Chẳng biết bệnh nhân ăn và thở bằng cách nào do chúng tôi không thể nhìn thấy miệng và mũi của cô gái bởi đã bị một khối u khổng lồ nặng 1,5 kg che lấp” – PGS.TS, Bác sĩ Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM nhận định ngày 15.6.

Các bác sĩ của bệnh viện này cũng công nhận từ trước tới nay chưa gặp một trường hợp nào có khối u kinh dị đến thế.

Bệnh nhân mang trên mặt khối u khổng lồ nói trên tên là H’ Loai Niê, sinh năm 1995, ngụ tại Đắc Lắc, được chẩn đoán u loạn sản sợi vùng lớn giữa mặt.

img
Bệnh nhân Niê trước khi phẫu thuật.

Qua lời kể của người nhà, từ khi Niê được vài tuổi thì đã xuất hiện bướu. Năm 2005 bệnh nhân được mổ một lần, tuy nhiên sau đó khối u trong hốc mũi phải tái phát, xâm lấn, đẩy hai con mắt của bệnh nhân ra xa, ăn sâu đến cả nền xương sọ, xoang mũi, xương hàm…

Khối u bị nhiễm trùng, bốc mùi, làm bệnh nhân khó thở. Chính vì vậy ngày 14/6 ê kíp của Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải phối hợp với Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương khẩn trương tiến hành phẫu thuật bóc tách khối u.

Bác sĩ Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, người chủ trì ca mổ cho biết: “Trước khi tiến hành phẫu thuật chúng tôi đã lường đến tình huống xấu nhất là bệnh nhân có thể bị mất nhiều máu, thậm chí tử vong trên bàn mổ. Ngay bản thân các bác sĩ cũng chỉ dám hy vọng cắt bỏ được khối u đến đâu hay đến đó bởi nó đã xâm lấn khá sâu sang các cơ quan lân cận”.

Ca mổ diễn ra trong vòng 5 tiếng đầy căng thẳng. Không thể gây mê theo cách thông thường mà phải mở khí quản cho bệnh nhân. Chủ trương của các bác sĩ ráng giữ lại nhiều phần da chưa bị hoại tử để che phủ vết thương, tái tạo thẩm mỹ gương mặt cho Niê.

Do tổ chức khối u khá chắc và cứng, nên để cắt bỏ nó, ê kíp phẫu thuật phải dùng đến các dụng cụ như cưa, khoan và đục.

Rất may mắn khối u đã được lấy ra gần hết, ngay cả phần sát với ổ mắt, màng não và vòm họng.

“Hiện nay bệnh nhân được trả lại khuôn mặt bình thường, thẩm mỹ hơn gương mặt cũ rất nhiều. Tuy bệnh nhân còn sốt nhưng có thể nói ca mổ bước đầu đã thành công” – Bác sĩ Trường nói.

Niê là người dân tộc thiểu số, nhà lại nghèo nên phần lớn chi phí của ca phẫu thuật là tiền đóng góp của các tổ chức từ thiện. Ngay cả những bệnh nhân gần đó cũng thương cảm cho cô gái trẻ, rỉ tai nhau tới thăm, cho tiền chữa bệnh.

Theo Vietnamnet