Bộ Xây dựng vừa có đề nghị gửi Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai cho vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Theo đó, cơ quan này cho rằng, đối tượng được hưởng chính sách này là người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, người đã được nghỉ lao động theo chế độ, người lao động tự do, kinh doanh cá thể có khó khăn về nhà ở. Các căn hộ được mua là nhà thương mại có diện tích dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng một m2 hoặc có tổng giá trị hợp đồng mua bán dưới 1,05 tỷ đồng.
Cơ quan này cho rằng, nhóm đối tượng trên không được hưởng nhiều ưu đãi như những người được hỗ trợ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Theo quy định, các trường hợp này chỉ cần đơn vị nơi công tác hoặc chính quyền địa phương xác nhận về tình trạng nhà ở, không phải xác nhận về tình trạng thu nhập, chứng minh thu nhập thuộc diện có hay không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
"Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người đã có đủ điều kiện được vay vốn, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở”, Bộ Xây dựng đề nghị.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được tung ra từ đầu tháng 6/2013 với mục đích hỗ trợ người thu nhập thấp vay mua nhà ở giá rẻ. Lãi suất cho vay áp dụng cho chương trình này tối đa là 5% một năm, thời hạn cho vay tối đa là 15 năm đối với khách hàng cá nhân.
Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết đến hết tháng 5, khoảng 50% gói 30.000 tỷ (tương đương 14.161 tỷ đồng) đã được cam kết cho vay. Song, thực tế tổng số tiền đã giải ngân là 7.621 tỷ đồng (đạt 25,4%).
Cơ quan quản lý thừa nhận kết quả giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, số lượng dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện vay tại Hà Nội và TP HCM còn ít. Bên cạnh đó, việc đòi hỏi đối tượng vay vốn phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ từ tổ chức tín dụng cũng là một trong những lý do ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ.