Ngày 20/7, thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã đăng một bài bình luận với những lời lẽ đầy cay cú về chuyến tuần tra Biển Đông mới đây của Đô đốc Scott Swiff, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ.
Trước đó, chính Đô đốc Swiff cũng tuyên bố rằng mình đã ngồi trên một chiếc máy bay trinh sát P-8 Poseidon và thực hiện hành trình tuần tra kéo dài 7 tiếng đồng hồ trên Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một đô đốc Mỹ đích thân tham gia tuần tra Biển Đông kể từ khi Trung Quốc có những hành động xây đảo nhân tạo phi pháp trên vùng biển chiến lược này.
Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương
Trong bài bình luận của mình, tờ Hoàn Cầu – một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc “tố” rằng máy bay quân sự Mỹ đã thường xuyên thực hiện những phi vụ do thám tầm gần đối với các hòn đảo nhân tạo của họ ở Biển Đông, đồng thời tuyên bố hành động này của Mỹ “làm tổn hại lợi ích an ninh của Trung Quốc”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đòi hỏi Mỹ phải “giữ lời hứa không ngả về bên nào trong vấn đề Biển Đông và đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định của khu vực”, thế nhưng họ cố tình quên đi một thực tế rằng chính những hành động trái với luật pháp quốc tế của họ đang “gây ra sự bất ổn” trong khu vực, theo lời của Đô đốc Swift.
Tờ Hoàn Cầu còn bình luận rằng trong vấn đề Biển Đông, Mỹ chỉ là “người ngoài” và chỉ có thể có những ảnh hưởng hạn chế để tạo thế cân bằng trên vùng biển quan trọng này. Bởi vậy, Hoàn Cầu nhận định việc Mỹ tìm cách gia tăng ảnh hưởng bằng những chuyến tuần tra Biển Đông “chỉ là ảo tưởng của một số ít người Mỹ và Philippines”.
Đô đốc Swift có mặt trên chiếc P-8 tuần tra Biển Đông
Hoàn Cầu cũng dẫn lời Wang Xiaopeng, một chuyên gia về biên giới biển tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng hoạt động trinh sát, tuần tra của Mỹ “là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang ngày càng quan tâm đến việc thực hiện chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương, thể hiện bằng việc can thiệp sâu hơn vào Biển Đông”.
Tờ báo này còn cho rằng Trung Quốc đã “quen với những hành động của Mỹ ở Biển Đông” và đã “sẵn sàng đối phó với những biến động do Mỹ gây ra trên vùng biển này”.
Chuyến tuần tra Biển Đông của Đô đốc Swift diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang sắp hoàn tất đường băng dài tới 3.000 mét trên bãi đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam. Với đường băng này, các máy bay quân sự và chiến đấu cơ của Trung Quốc có thể tiến sâu xuống Biển Đông mà không còn phải lo về vấn đề nhiên liệu.
Một số chuyên gia phân tích cũng bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể áp đặt những quy định hạn chế về đi lại, lưu thông đối với tàu thuyền nước ngoài quanh những hòn đảo nhân tạo phi pháp này, thậm chí có thể tuyên bố Khu vực Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.