Dân Việt

Nhà văn hóa cơ sở: Hãy dừng xây lại cái cũ

Mỵ Lương – Hồng Vân 22/07/2015 08:11 GMT+7
Làm thế nào để nhà văn hóa (NVH) ở nông thôn vừa vững phần vỏ lại vừa tươi phần hồn? Phóng viên Báo NTNN đã đặt câu hỏi này với PGS - TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Hẳn ông cũng biết thông tin về tình trạng NVH công cộng ở nhiều nơi bị xuống cấp, bỏ hoang hay sử dụng kém hiệu quả. Là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông có thể đưa ra nhận định tổng quan về thực trạng này?

- Tôi nghĩ rằng thiết chế văn hóa hiện nay rất được coi trọng, đặc biệt là thiết chế văn hóa cơ sở. Chúng ta có 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có xây dựng NVH và các hệ thống văn hóa. Chủ trương rất đúng nhưng phát huy vai trò của các NVH ở các địa phương, các cơ sở như thế nào cho tốt là một vấn đề rất lớn.

img

Nhà văn hóa thôn Trung Oai (xã Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội) luôn “đóng cửa cài then”. Ảnh: Hồng Vân

Cách đây 15, 20 năm, chúng ta bắt đầu xây dựng NVH nhưng có nhiều vấn đề, trong đó có việc quy hoạch các NVH ở thôn bản, xã như thế nào cho hợp lý. NVH xây khoảng 15 năm sau đã chật chội, không đủ sức chứa, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân nên họ lại muốn xây công trình mới, to hơn, rộng hơn, đáp ứng nhu cầu cao hơn. Tất cả những tính toán không đầy đủ đó đã gây lãng phí rất lớn.

Nguyên nhân của những hiện trạng trên là do đâu?

- Theo tôi, khúc mắc thứ nhất là Nhà nước đầu tư chủ yếu cho xây dựng cái vỏ bên ngoài mà không đầu tư trang thiết bị vật chất bên trong. Toàn bộ bàn ghế, quạt, thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa thì Nhà nước chủ trương xã hội hóa. Thực tế, nơi nào cán bộ văn hóa không năng động thì ở đó NVH coi như đóng cửa, bởi phải có tài năng thì mới vận động xã hội hóa được chứ? Chủ trương tốt nhưng hiệu quả của NVH thấp, dẫn đến sự lãng phí. Thứ hai, khi quy hoạch NVH người ta muốn tất cả nhân dân “chui” vào một nơi, nhưng nhu cầu văn hóa ở nông thôn rất đa dạng. Đương nhiên NVH xây để đáp ứng nhu cầu hoạt động thể thao, văn nghệ và còn phục vụ hoạt động chính trị. Vậy chúng ta nên thu chúng vào một khuôn viên hay đa dạng hóa các khuôn viên?

Theo tôi, chúng ta nên đa dạng hóa các khuôn viên. Quy định xây NVH thôn là 300 -500m2, tưởng rộng nhưng rất hẹp bởi nhu cầu của người dân nông thôn hiện rất lớn. Theo tôi cần bổ sung các diện tích để đáp ứng nhu cầu văn hóa cho người dân. Thỏa mãn nhu cầu của họ ở chỗ tính toán quy hoạch sao cho hợp lý, đầu tư phải có tầm nhìn lớn.

Một nguyên nhân nữa tôi gặp ở rất nhiều địa phương là “mưa không đều”, không đủ khắp nơi. Có những địa phương xây NVH cách đây nhiều năm nhưng so với nhu cầu hiện nay thì không đáp ứng được. Trong phương án xét duyệt, địa phương được phép đập đi xây lại to hơn mặc dù nó thừa tiêu chuẩn của một NVH. Tôi gọi chỗ này là “nước chảy chỗ trũng”. Nhưng cũng có nhiều địa phương cả thôn không có một NVH, người dân chưa bao giờ có NVH. Họ thiếu và cần NVH. Vậy thì trong quy hoạch và điều phối, giữa cái chưa bao giờ có và cái có rồi làm lại thì giải quyết vấn đề này như thế nào? Theo tôi hãy dừng xây lại cái cũ, trước tiên nên phủ kín các địa bàn chưa có.

Ông nghĩ gì về hiện tượng rất nhiều nơi trống cán bộ văn hóa và giao luôn NVH cho trưởng thôn - những người hoàn toàn không có chuyên môn?

"Để chuyên nghiệp hơn, ngành văn hóa nên có những lớp tập huấn cho người làm văn hóa cơ sở một cách tốt nhất. Đào tạo, mở rộng kiến thức, kinh nghiệm cho các trưởng thôn để họ làm việc chuyên nghiệp cả về tinh thần lẫn nghiệp vụ. Không chuyên nghiệp sẽ ra sản phẩm không ra gì”.
GS-TS Nguyễn Văn Huy

- Làm văn hóa phải chuyên nghiệp, nhưng những người làm văn hóa ở bản, làng lại là những người nghiệp dư. Trong khi đòi hỏi của xã hội đương đại vượt qua nghiệp dư lâu rồi. Phải đào tạo lại, đào tạo mới lớp cán bộ này cho chuyên nghiệp. Muốn văn hóa cơ sở trở thành hạt nhân của văn hóa nông thôn mà coi thường toàn bộ những gì liên quan tới nghề nghiệp, tính chuyên môn thì người giỏi đến đâu cũng phải đầu hàng... Tôi nhận thấy thiếu sót lớn nhất là chúng ta muốn nhưng chúng ta không tạo được nền tảng con người để đáp ứng.

Không phải người dân nông thôn không có nhu cầu nên NVH teo đi mà do NVH không được giao cho những người làm hoạt động chuyên nghiệp, chẳng có hoạt động gì thì người ta đến làm gì? Phải có một quá trình quay trở lại đưa tri thức trẻ, giỏi về nông thôn. Đào tạo cán bộ văn hóa chuyên nghiệp sẽ làm tăng sức sống NVH và các thiết chế ấy mới có thể tồn tại lâu dài.

Theo ông cần có những giải pháp gì để NVH được sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí?

- Tôi nghĩ, một mặt cứ kiến nghị thay đổi chính sách đối với việc đầu tư cho văn hóa. Nếu chỉ dựa vào xã hội hóa thì nhiều nơi làm rất khó. Vẫn cần Nhà nước có chính sách đầu tư xây được những tòa nhà và đồng thời cung cấp trang thiết bị cho NVH để nó hoạt động được hiệu quả. Khi NVH hoạt động hiệu quả mới kích thích xã hội hóa tốt.

Hằng năm chúng ta có hàng chục nghìn sinh viên thất nghiệp. Họ là những người có kiến thức, hãy đưa họ về nông thôn, tổ chức những lớp vẽ, hát, múa, khiêu vũ… Đừng nói nông thôn không có nhu cầu. Nhu cầu của họ rất lớn, chỉ có điều không được đáp ứng kịp thời. Làm văn hóa ở nông thôn bây giờ quá đơn điệu. 

Xin cảm ơn ông!

Ông Trương Công Thấm –Trưởng Phòng Thiết chế văn hóa cơ sở,Cục văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL):Cần sử dụng linh hoạt

Để tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện tiêu chí  xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, Bộ VHTTDL đã có Công văn 3897 ngày 30.10.2014 hướng dẫn về: Xây dựng mới cơ sở vật chất văn hóa; sử dụng cơ sở vật chất hiện có. Đối với địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí diện tích đất và huy động nguồn lực để xây dựng mới trung tâm văn hóa – thể thao xã, NVH – khu thể thao thôn thì tạm thời sử dụng các cơ sở vật chất hiện có như hội trường, trung tâm học tập cộng đồng... Một số địa phương có các thiết chế văn hóa truyền thống như đình làng nhưng chưa có NVH, nếu được sự đồng ý của nhân dân và đoàn thể địa phương có thể sử dụng thiết chế này tổ chức một số hoạt động văn hóa thể thao phù hợp. Một số thôn, làng, bản ấp có số dân ít, địa giới hành chính gần nhau có thể tổ chức sinh hoạt văn hóa, thể thao tại NVH liên thôn.

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Phòng văn hóa huyện Đông Anh (Hà Nội):Hầu hết hoạt động thiếu hiệu quả

Người dân ngoại thành rất quan tâm đến các hoạt động mang tính quần chúng. Do vậy, để phát huy được hiệu quả của các NVH cấp xã, chính quyền địa phương cần chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động thể thao-văn hoá chứ không chỉ dùng NVH làm nơi hội họp của cán bộ thôn, xóm. Chỉ tính riêng tại Đông Anh đã có 116/156 làng - thôn có NVH được xây mới theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Hầu hết trong số này hoạt động chưa hiệu quả vì sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương cũng như thiếu các quy định về việc xây dựng, sử dụng...

Ông Lại Thành Kiên –  Trưởng Phòn Văn hóa  huyện Đông Hưng (Thái Bình):Mai một chức năng

Khoảng hơn 10 năm trở về đây nhiều NVH đổi sang tên gọi là trung tâm học tập cộng đồng, nhưng gốc vẫn là NVH. Các trung tâm này đi sâu về học tập nhiều hơn nên mai một chức năng NVH. Điều đáng nói là nó rất khó cho công tác quản lý bởi NVH do ngành văn hóa quản lý, trung tâm hoặc tập cộng đồng do ngành giáo dục quản lý. Khi đi địa phương chấm tiêu chí nông thôn mới rất khó cho những địa phương khi NVH lại treo biển trung tâm học tập cộng đồng.

Lương Vân (ghi)