Dân Việt

Đất đai, nhà nông và pháp luật

Vĩnh Hoàng 23/07/2015 13:19 GMT+7
Người nông dân Cẩm Điền đang quyết tâm giữ đất. Chính quyền địa phương thì hối thúc xử lý để triển khai dự án. Người giữ, người đẩy ở thế ngược chiều vì mâu thuẫn là “lợi ích”!?

Điều đáng chú ý là, phần lớn những vụ bê bối được phanh phui thì đất đai được chỉ ra là “tang vật” chính.

Điều quan ngại là, phần nhiều các cuộc khiếu tố đông người, gay gắt, kéo dài hiện nay cũng thuộc về đất đai.

Vì sao? Vì sự hấp dẫn của lợi ích vật chất -  đất đang đứng nhóm đầu, và có thể vẫn vững vàng ở vị trí này trong nhiều năm nữa. Không thể phủ nhận các nỗ lực của người làm luật và người quản lý. Song, cho đến nay, các nỗ lực ấy vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn của xã hội và của chính những người có trách nhiệm, mà vụ việc ở xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (Báo NTNN đã có loạt bài phản ánh) là một điển hình xung đột.

img

Hiện trường vụ máy xúc chèn lên nạn nhân Lê Thị Châm tại xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) ngày 10.7.2015. (Ảnh: Bảo Lâm)

Một phần ở trong quá trình chấp pháp ấy, quan điểm vận động nông dân, tìm sự đồng thuận của dân là chính đã không xuất hiện bằng thực tế ở hiện trường – khi bánh xích của chiếc máy xúc đã được cho là chèn qua người bà Lê Thị Châm.

Thực ra, những người nông dân bình thường, và những ao đầm nuôi cá, những thửa đất trồng lúa, khoai... ấy là sinh mệnh của họ. Ở đó, ý chí, mồ hôi, giàu có hay nợ nần đã kết tinh vào đất đai, thành ý niệm về tài sản. Với họ, một nền tảng pháp luật tiến bộ, một trách nhiệm chính trị “vì dân” là phải thừa nhận và bảo hộ cho quyền thiêng liêng đó – Đó chính là cơ sở của niềm tin, của sự đồng thuận xã hội. Có thể chính quyền địa phương hiểu Luật đất đai năm 2013 rằng, đất đai là tài sản sở hữu toàn dân, giao cho Nhà nước quản lý, Nhà nước có quyền thu hồi. Và khi thu hồi chỉ đền bù, tính theo số năm còn lại cho người được giao đất, sử dụng đất... Cách hiểu ấy, không phải không tồn tại ở những người nắm quyền tại các địa phương.

Thêm vào đó, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa,  đất đai ngày càng tăng giá, không ít chính quyền nhắm tới giá đất như một  cứu cánh của ngân sách, để thực thi ý chí bằng mọi giá. Nhiều doanh nghiệp giàu lên vì đất, nhiều cán bộ “ấm” nhờ đất – Cái vòng xoáy ấy, nhiều lúc đã bứt cả hệ thống chính trị ở cơ sở chệch khỏi đường lối cơ bản của Đảng, làm tổn hại đến dân lành.

Người nông dân Cẩm Điền đang quyết tâm giữ đất. Chính quyền địa phương thì hối thúc xử lý để triển khai dự án. Người giữ, người đẩy ở thế ngược chiều vì mâu thuẫn là “lợi ích”!?

Rằng, phải có định nghĩa rõ ràng về quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền quản lý đất đai, quyền định giá..., để tránh lạm dụng, tùy tiện, bất nhất trong thực tiễn?

Ở đó, quyền của người nông dân sử dụng đất phải được minh định, phải được bảo vệ chặt chẽ.

Ở đó, nguyên tắc nhà nước pháp quyền phải là khung thước đo công vụ chính quyền; các “công bộc” của dân cần thấu hiểu, rằng “Đất đai – Tổ quốc thứ hai của nông dân”.