Huy chương vàng có còn “thiêng”?
Ở một khía cạnh, huy chương vàng (HCV) là thước đo tài năng, là một cách thẩm định trình độ, tài năng của nghệ sĩ thông qua “khoa cử”. Nhưng nếu xét ở chi tiết thì thực chất chỉ là một “kênh” đánh giá của chính thời điểm “khoa cử” đó, nên không hiếm khi có chuyện “thằng chột làm vua xứ mù”. Đấy là chưa kể đến chuyện đằng sau tấm HCV có nhiều câu chuyện bi hài khác, thậm chí cả việc “đi đêm”, “mua bán” huy chương…
Danh hài Chí Trung, nhiều người cho là “oan gia” khi không được xét tặng danh hiệu NSND đợt này. Ảnh: T.L
Nghệ sĩ Đào Quang - Trưởng Đoàn kịch Nam Định - từng bức xúc khi tâm sự với báo giới: “Những tấm HCV không phải là thước đo chuẩn mực để đánh giá người nghệ sĩ. Có những người may mắn có được vai diễn hay ở hội diễn thì dễ dàng đoạt HCV. Ngược lại, có những người có thực tài, cống hiến lâu dài cho nghề, nhưng vì một lý do nào đó không tham gia hội diễn thì phải chịu thiệt thòi, trắng tay”. Chưa kể, có những nghệ sĩ không vì tranh giành HCV mà “cướp” đi cơ hội của nghệ sĩ trẻ. Vì thế, nhiều nghệ sĩ lớn tuổi, cống hiến nhiều, không có HCV trong các hội diễn, nhưng lại được các giải thưởng chuyên môn, được bằng khen của Nhà nước… và đặc biệt là được đông đảo công chúng mến mộ tài năng, nhân cách suốt hàng chục năm, thì họ hoàn toàn xứng đáng để xét phong tặng danh hiệu.
Rồi mỗi ngành nghệ thuật có đặc thù riêng. Thiệt thòi nhất là những ngành nghệ thuật mang tính kỹ thuật cao như múa, xiếc, opera, giao hưởng… có bao nhiêu hội diễn cho nghệ sĩ kiếm HCV? Hài hước nhất là các nghệ sĩ opera, múa ballet, giao hưởng, hàng chục năm nay chẳng có hội diễn nào dành riêng cho họ, lấy đâu ra huy chương để “đính” vào hồ sơ xin xét phong tặng? Ngay cả khi họ được quốc tế công nhận khi tham dự các kỳ thi quốc tế, thì giải thưởng của họ cũng không biết nằm ở “bậc” nào của HCV VN. Vậy lấy gì thẩm định tài năng của họ khi không có HCV, và họ đành chịu thiệt trong khi có nhiều đóng góp cho nghệ thuật VN.
Vậy HCV có còn “thiêng” khi lấy đó là một trong những chuẩn để xét trao tặng danh hiệu NSND?
Phải xứng tầm hàn lâm
Có thể vì hiểu một cách “quần chúng hóa” NSND là nghệ sĩ của nhân dân, phục vụ nhân dân, vì nhân dân nên cần phải đưa về cho nhân dân bình chọn, phong tặng. Nhân dân, công chúng, khán giả là những người trực tiếp cảm nhận tài năng, năng lực và nét duyên nghệ thuật trong từng nghệ sĩ. Nhưng đó chỉ là một “chiều” để xét duyệt, để “đo” tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ trong cộng đồng quần chúng nhân dân, không thể chỉ để nhân dân chọn.
Giả sử nếu điều đó xảy ra, những ca sĩ thị trường như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà… biết đâu một ngày trở thành NSND - đó có thể là một sự châm biếm đắng đót với nhiều nghệ sĩ “hàn lâm” có thực tài, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật VN nhưng không có điều kiện phổ quát rộng rãi trong quần chúng.
NSND là một danh hiệu xét tặng cho những nghệ sĩ có tài năng, cống hiến lớn với nghệ thuật VN và cả cộng đồng quốc tế. Để có được danh hiệu, người nghệ sĩ đã phải nỗ lực rất nhiều, cố gắng rất nhiều, cống hiến rất nhiều. Nhưng giá trị cao quý nhất và là thước đo trung thực nhất đối với lao động sáng tạo của nghệ sĩ là sự thăng hoa nghệ thuật trong lòng công chúng thông qua các tác phẩm, vai diễn của họ. Đồng thời, những gì họ sáng tạo, trình diễn đều phải là những tác phẩm có tính thẩm mỹ “hàn lâm”, nghệ thuật đỉnh cao, chất lượng cao, chứ không phải chỉ là được lòng công chúng bình dân và không có dấu ấn nghệ thuật điển hình.
“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Đừng vì thành tích mà chạy theo những con số cần có, phải có để xét danh hiệu. Những danh xưng có thể mang lại một lợi ích nào đó cho cá nhân, nhưng không khuyến khích cho thực chất sáng tạo, vươn tới những đỉnh cao nghệ thuật cần nhận thức lại. Việc bình xét danh hiệu NSND là rất nên làm, đặc biệt đối với những nghệ sĩ làm nghệ thuật chân chính. Tuy nhiên, tiêu chí xét duyệt nên được thay đổi. Từ hình thức, nội dung việc xét duyệt như tiêu chí xét duyệt đến mở rộng thành phần hội đồng bình xét sao cho hợp lý, gồm các nhà chuyên môn ở nhiều thế hệ. Có thể có những ý kiến của đại diện quần chúng nhân dân, của truyền thông, các nhà lý luận phê bình nghệ thuật… để đảm bảo tính khách quan, công bằng cho nghệ sĩ.
NSND phải là danh hiệu cao quý của nghệ sĩ như một sự tưởng thưởng của Nhà nước, của nhân dân và nghệ sĩ phải xứng tầm với danh hiệu, chứ không phải để làm sang cho cá nhân mà trở nên một cuộc chạy đua xin - cho - tặng nhiều khiếm khuyết và khiến danh hiệu mất thiêng.