Dân Việt

Từ vụ bắt ông Nguyễn Xuân Sơn: Bài học về giám sát cán bộ

Hải Phong 23/07/2015 07:08 GMT+7
Trước khi vươn lên vị trí đứng đầu PVN - tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Sơn đã có thời gian công tác 30 năm gắn bó với ngành dầu khí. Ông Sơn tốt nghiệp cấp đào tạo đại học chuyên ngành vật giá và Trường Đào tạo cán bộ Dầu khí, tốt nghiệp khóa đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh, cấp đào tạo trên đại học tại Mỹ.

img

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Trao đổi với NTNN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng  đánh giá: Một con người tồn tại phát triển có hai yếu tố: Nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của tổ chức. Một cán bộ cấp cao như ông Sơn được đào tạo bởi nhà nước, tiền của công sức nhà nước bỏ ra không ít. Chính vì vậy, việc ông Sơn bị nghi có dính líu tới những hành vi vi phạm pháp luật và nếu những điều là sự thực thì đúng là một tổn thất của nhà nước, của ngành dầu khí.

“Nhưng quan trọng hơn, qua sự việc này,  chúng ta cũng mất đi ít nhiều niềm tin trong nhân dân. Nhân dân đã gửi gắm niềm tin rằng Đảng, Nhà nước sẽ lựa chọn ra những người có khả năng, năng lực để phục vụ, cống hiến cho nước, cho dân. Nhưng rồi cuối cùng thì niềm tin đó lại không được đáp trả xứng đáng” - ông Hùng nhấn mạnh.

Nhìn nhận về sự giám sát của bộ máy nhà nước, của các tổ chức Đảng đối với những cán bộ có biểu hiện tha hóa, vi phạm pháp luật, ông Vũ Quốc Hùng đưa ra nhận định: Với sự việc của ông Nguyễn Xuân Sơn, nếu cơ quan chức năng có kết luận chính xác về những sai phạm của cá nhân ông thì chúng ta cũng cần phải xem lại trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan quản lý ông Sơn, làm sao lại không thể phát hiện ra sai phạm của ông này sớm hơn, để đến mức ông lên giữ chức Chủ tịch HĐTV PVN được hơn 1 năm rồi lại phải vào vòng lao lý.

“Đây là bài học đau đớn, xương máu mà nguyên nhân một phần do sự chểnh mảng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ. Tôi xin nhấn mạnh rằng, việc kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ không chỉ là công tác phòng ngừa, phòng chống việc bổ nhiệm sai cán bộ, chống việc cán bộ tham nhũng, sai phạm mà còn chính là công tác xây dựng, phát triển và bảo vệ cán bộ. Nếu trước khi đề bạt, bổ nhiệm hay luân chuyển cán bộ, những người làm công tác tổ chức cán bộ, những đơn vị có chức năng nhiệm vụ thanh kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ làm tốt công tác này và làm thường xuyên hơn thì chắc chắn sẽ hạn chế được các bài học đau xót như trên” - ông Vũ Quốc Hùng đánh giá.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành:  Có vấn đề về quản lý

Tôi cho rằng có những câu hỏi cần phải được làm rõ thì mới có thể quy trách nhiệm và tội trạng một cách công bằng như: Cương vị đại diện vốn Nhà nước có trách nhiệm đến đâu? Ông Sơn có vai trò gì trong quyết định đầu tư, hoặc ai là người đồng ý cho ông Sơn đầu tư…?

Riêng đối với ngành ngân hàng nói chung, tôi cho rằng việc bắt ông Sơn và nhiều lãnh đạo ngân hàng trước đó cho thấy một lỗ hổng trong khâu quản lý. NHNN là cơ quan có vai trò thanh tra, kiểm tra hoạt động của các NH thương mại, vậy trong thời gian ông Sơn đương chức đã phanh phui được những gì trong số các sai phạm? Trách nhiệm giám sát thuộc về ai? Cần làm rõ điều này. 

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Từ tư duy sai lầm

Việc hàng loạt các lãnh đạo ngân hàng bị vướng vòng lao lý trong thời gian gần đây cho thấy một điều: Một số lãnh đạo ngân hàng Việt Nam còn có tư duy rất sai  lầm, rằng nhiều lãnh đạo ngân hàng là đại diện vốn lớn, là cổ đông lớn thì mặc nhiên coi đó là  ngân hàng của mình, bắt ngân hàng phải phục vụ cho quyền lợi của họ. Nhiều vị còn coi ngân hàng như “đứa con” của mình, là sân sau phục vụ quyền lợi cho một nhóm lợi ích. 

Sắp tới hệ thống ngân hàng còn cần phải cải tiến rất nhiều, trong đó quan trọng  nhất là phải thay đổi tư duy trong việc quản trị doanh nghiệp hệ thống ngân hàng, bởi ngân hàng của chúng ta còn rất xa với thông lệ quốc tế.


Hương Thủy (ghi)