Chị Hoa (xã Tri Thức, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) lên Hà Nội kiếm sống đã được 5 năm. Ở quê, chị thường xuyên bị mẹ chồng mắng chửi. Công việc làm nông không đủ ăn, chồng sinh tật cờ bạc, rượu chè. Vì thế, chị quyết gửi con ở nhà để lên thành phố kiếm sống.
Trùng trùng khó nhọc
Người phụ nữ di cư đau đáu nỗi lo tha phương. |
Đồ nghề để lập nghiệp của chị Hoa là một chiếc xe bò. Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 23 giờ, khi các xe chở hoa quả, rau củ về chợ Long Biên. Chị dỡ hàng, xếp lên xe và kéo đến các điểm bán lẻ. Cao chưa đến 1,50m, nặng 42kg, nhưng mỗi chuyến chị Hoa cũng kéo được 400kg. Mỗi tối, chị xếp lên, bốc xuống, chuyên chở cũng gần được 5 tấn hàng. Lao động cực nhọc, người chị đã nhỏ càng quắt queo.
Chị Hoa chỉ là một trong hàng ngàn phụ nữ di cư đang trú ngụ tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội). Không chỉ xa nhà, thương nhớ chồng con, sinh hoạt thiếu thốn, lao động cực nhọc, những người phụ nữ di cư còn chịu nhiều nguy hiểm. Đi làm khuya, ra vào các ngõ vắng để bán hàng, không ít chị bị kẻ xấu chọc ghẹo, sàm sỡ. Có chị bị khách ăn quỵt tiền, chạy theo đòi thì gã đó quay lại đạp đổ cả rổ bánh.
Lại có chị mua phải thùng hoa quả thối, xin đổi lại, chủ hàng lao vào mắng chửi, đánh, thậm chí dùng cả đòn gánh, ghế phang gãy tay. Cay cực đủ bề, nhưng nhiều chị còn bị chính chồng mình đánh đập vì “xin tiền đi cờ bạc không cho”. Sống trong các nhà trọ chui rúc, chật hẹp, ăn uống kham khổ, có chị đổ bệnh cũng không dám đi khám vì sợ tiêu vào tiền gửi về cho con ăn học.
Xây dựng sức mạnh nhóm
Ông Florian G.Foster -
Trưởng Đại diện IOM tại Việt Nam
Dự án Phụ nữ di cư chung tay chống lại các hình thức bạo lực do IOM, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), Viện Phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng (Light) cùng xây dựng từ năm 2008 đã tạo một mái nhà để chị em phụ nữ di cư nương tựa.
Dự án nhằm tăng cường quyền cho phụ nữ di cư bị ảnh hưởng bởi bạo lực thông qua các hoạt động: Cung cấp kiến thức, tạo dựng các nhóm đồng đẳng để phụ nữ cùng cảnh ngộ giúp đỡ nhau.
Nhờ sự giúp đỡ của dự án, chị Hoa đã mua thêm được 6 xe đẩy và thành lập tổ bốc dỡ hàng, tạo việc làm cho 14 chị em khác. Điều chị mừng hơn cả là kéo được cả chồng lên thành phố làm ăn, hai vợ chồng tần tảo, chắt bóp. Chồng chị bận rộn, vắt sức cho công việc nên cũng bớt tật cờ bạc, rượu chè.
Từ năm 2008, dự án đã đào tạo được 120 chị “nòng cốt”, xây dựng được nhiều nhóm “cùng tiến” mang tên Bình Minh Xanh. Đây là những kênh truyền thông có sức lan toả lớn trong cộng đồng người di cư. Các chị tổ chức các buổi sinh hoạt, sáng tác nhạc cải biên, phổ lời mới cho các làn điệu chèo, dân ca, dựng kịch và tự diễn cho nhau xem. Hiểu được quyền của mình, các chị em vượt qua được nỗi sợ hãi "con giun, cái kiến", khi bị bạo lực, họ sẽ biết cách tìm sự hỗ trợ từ nhóm hoặc các tổ chức hỗ trợ, kể cả chính quyền địa phương. Tiếng nói nhỏ bé của các chị đã được lắng nghe.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Đội phó Đội Tham mưu tổng hợp, Công an quận Ba Đình cho biết: Việc xô xát, giằng co, nói năng nặng nhẹ giữa dân phòng, tự vệ và những người bán hàng rong là khó tránh khỏi nhưng đánh thì không có. Còn đối với những vụ việc các chị bị chủ hàng đánh đập, quỵt tiền, nếu nhận được trình báo, phường sẽ nghiêm túc xử lý.
Diệu Linh