Chữa đái dắt, thạch sùng chui vào phổi
Bé Nguyễn Hữu T (9 tuổi, Hà Nội), bị bệnh đái dắt từ bé. Gia đình chữa trị bao nhiêu năm, từ tây y đến đông y, nhưng bé vẫn không khỏi. Cuối cùng, sau khi nghe thầy lang mách, mẹ bé T đã tìm bắt 1 con thạch sùng sống, bắt bé T há miệng rồi ngắt đuôi để thạch sùng lao vào miệng.
Các bác sĩ BV Tai Mũi Họng T.Ư đang khám cho bệnh nhân. |
Tuy nhiên, do thạch sùng rất nhanh, lại bị ngắt đuôi nên chạy hoảng loạn trong miệng bé T và hậu quả là nó không chui vào thực quản mà chui tọt sang khí quản, gây đau đớn khủng khiếp và khó thở cho bé T.
Ngay lập tức gia đình đã đưa bé nhập viện Tai Mũi Họng Trung ương. Tại đây, sau khi nội soi, các bác sĩ đã thấy chú thạch sùng nằm trọn trong phổi. Sau khi gắp ra, bé T mới hết những cơn đau xé lồng ngực.
BS Đào Đình Thi, khoa Nội soi Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư cho biết, mỗi năm phải có tới 2, 3 trường hợp nuốt sống thạch sùng nhưng lại bị rơi vào đường thở, nằm trong phổi, đến cấp cứu tại viện này. Hầu hết bệnh nhân đều rất đau đớn, khó thở.
Tuy nhiên, may mắn là thạch sùng nhanh nên chui tọt vào phổi, chứ nếu nằm ở khí quản, có thể bệnh nhân đã chết ngay sau đó mấy phút vì không thể thở được.
Nuốt cả rơm để tống khứ dị vật
Liên quan đến dị vật trong cơ thể, mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư đã tiếp nhận cụ già Nguyễn Thị T, trên 80 tuổi, đến từ Nam Định, nhập viện trong tình trạng sưng vù thực quản vì chữa mẹo. Bệnh nhân quá già, cộng với tổn thương thực quản lâu ngày, khiến Bệnh viện phải thành lập cả một ca phẫu thuật nội soi liên viện, giữa Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư và Bệnh viện Việt Đức, mới cứu sống được cụ.
Số là, cụ T bị móm, nên ăn uống thường không nhai kỹ mà hay nuốt chửng. Cách đây gần 10 ngày, cụ nuốt cả một cục xương trối, to 3x3cm. Do cục xương quá to nên cụ không thể nuốt trôi, cũng không thể khạc ra.
Nhưng do ngại con cháu, ngại tiếng “tham ăn”, nên cụ không nói với ai, lẳng lặng xuống bếp nuốt cơm nguội. Thấy cục xương không trôi, cụ lấy cả rau muống luộc nuốt chửng. Tình hình không tiến triển hơn, cụ lại lấy cả rơm khô để nuốt. Hậu quả là tất cả mắc nghẹn ở trong cổ, khiến mấy ngày liền sau đó, cụ không thể ăn uống được gì.
Thấy cụ sốt, bỏ ăn, gia đình liền đưa cụ đến viện ở Nam Định nhưng sau khi phát hiện ra, tuyến dưới đã không dám can thiệp mà chuyển cụ lên Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư. Tại đây, thấy tình hình sức khỏe của cụ có vẻ xấu, Bệnh viện buộc phải mời bác sĩ gây mê giỏi ở Bệnh viện Việt Đức cùng góp sức, mới có thể lấy ra được “ti tỉ” thứ ở trong thực quản bệnh nhân.
Tuy nhiên, đến “thủ phạm” chính là cục xương, bác sĩ phải rất khó khăn mới lấy ra được, vì xương tròn, trơn, dùng panh chuyên dụng gắp đều trượt. Cuối cùng, ca phẫu thuật phải chế tạo 1 dụng cụ như vợt hái ổi, để vợt cục xương ra.
Mất hơn hai tiếng đồng hồ các bác sĩ mới có thể lấy hết dị vật cho bệnh nhân đặc biệt này. Lúc đó, thực quản bệnh nhân đã tổn thương nghiêm trọng, bốc mùi khủng khiếp, buộc phải dùng kháng sinh liều cao để chống viêm nhiễm.
Cẩn thận với chữa mẹo
Dân gian lưu truyền nhiều biện pháp chữa mẹo khá sốc, liên quan đến đường thở và đường ăn uống, như nuốt thạch sùng chữa bệnh đái dắt, nuốt giun chữa ung thư, nuốt chửng cơm hoặc nhiều thứ khác chữa hóc xương…
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ Tai mũi họng thì việc chữa mẹo đường thực quản bằng cách nuốt nhiều thứ vào để trôi xương… là việc làm gây nguy hiểm đến tính mạng hơn vì càng đẩy sâu mảnh xương vào niêm mạc, thành thực quản…
Thậm chí, việc nuốt chửng để nhằm hi vọng trôi dị vật có thể khiến xương đâm xuyên thực quản, đâm sang quai động mạch chủ (gần tim) khiến khi rút xương ra có thể chết ngay vì máu chảy xối xả. Nếu để lâu gây hoại tử.
Theo PGS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng T.Ư, thực quản có nhiều đoạn hẹp nguy hiểm như miệng thực quản, chỗ gần quai động mạch chủ và phế quản gốc. Đây là những đoạn hẹp tự nhiên nên hay hóc nhưng đoạn đó.
Do vậy, khi bị hóc xương hoặc dị vật đường thở, bệnh nhân cần nhanh chóng đến các bác sĩ trước khi quá muộn.