Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 đã kết thúc, đến thời điểm này hầu hết, thí sinh đều biết điểm của mình nhưng người khác không thể biết điểm của từng thí sinh.
Có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT độc quyền điểm thi, không cho người khác biết điểm của nhau làm giảm quyết tâm phấn đấu. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lý giải, họ bí mật điểm nhằm bảo mật cho thí sinh.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Thưa ông, năm 2015 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thi THPT Quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Là người làm trong ngành giáo dục lâu năm, ông đánh giá như thế nào về kỳ thi này?
Theo tôi kỳ thi THPT quốc gia là sự đổi mới quan trọng trong cách tổ chức thi cử của Bộ GD-ĐT. Cách ra đề thi, phương pháp xét tuyển được cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên, kỳ thi vừa qua vẫn còn nhiều điều Bộ GD-ĐT cần khắc phục.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2015, tính cả ngày chuẩn bị là 5 ngày. Thí sinh phải tập trung về các cụm, gây cảm giác vẫn nặng và vẫn có những hội đồng tập trung chỉ có 1 thí sinh. Như vậy, mục tiêu nhẹ nhàng của kỳ thi vẫn chưa đạt được.
Hơn nữa, kỳ thi THPT Quốc gia còn tăng học lệch, học sinh chỉ học 4 môn bắt buộc (Toán, Văn, Anh và một 1 tự chọn). Như vâỵ, học sinh sẽ học lệch từ năm lớp 10, trong khi đó, chương trình THPT chưa phân hóa, vẫn dạy đến kiến thức lớp 12. Nhiều trường dạy các môn mà học sinh không muốn học, thầy cũng khổ.
Hơn nữa, kỳ thi THPT quốc gia Bộ GD-ĐT phân thành hai cụm thi gây cho học sinh tâm lí bị phân biệt. Các em học cùng học ở phổ thông, nhưng ngay ở phổ thông đã bị phân biệt đối xử (loại thí sinh dự thi cụm địa phương xét tốt nghiệp và loại thí sinh dự thi do Đại học chủ trì xét vào các trường đại học, cao đẳng).
Trong kỳ thi này, Bộ GD-ĐT cho biết, không công khai điểm thi của thí sinh vì lo ảnh hưởng tới cá nhân thí sinh, những em điểm cao sẽ rất phấn khởi, nhưng những em điểm thấp sẽ có mặc cảm. Ông nghĩ sao về lý do Bộ GD-ĐT đưa ra?
Theo tôi, tất cả điểm thi của thí sinh nên công khai kết quả trên toàn quốc gia, để từ đó người học thấy được phổ điểm, tỷ lệ điểm các môn thi… rút kinh nghiệm và đổi mới việc dạy và học.
Học sinh đi thi, công khai điểm thi là minh bạch. Việc công bố điểm là cần thiết để cho học sinh biết và lượng sức để chọn trường….
Trong một cuộc thi, chuyện thí sinh điểm thấp, điểm cao rất bình thường. Thậm chí có thể biết được điểm của nhau để quyết tâm phấn đấu, cần phải học như thế nào. Không thể lấy lý do cá nhân để giấu điểm cho kỳ thi quan trọng nhất ở cấp Quốc gia. Không thể lấy một con người mà ảnh hưởng đến toàn xã hội, nền giáo dục đương thời.
Kể từ năm 1981, tôi lên làm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho đến thời điểm trước năm 2015, chưa năm nào điểm thi lại được giấu như năm nay. Tất cả các năm kỳ thi đều được công khai cho thí sinh và nhân dân.
Vậy theo ông làm thế nào để kỳ thi đơn giản gọn nhẹ, đảm bảo tính công khai?
Theo tôi, một số khâu tổ chức thi nên cho các cơ quan khác phụ trách (VD: Sở GD-ĐT, các UBND,…). Làm được như thế Bộ GD-ĐT không vất vả, phải tính điều này điều kia, phải huy động cả hệ thống trong một kỳ thi.
Hơn nữa, sau khi kết thúc chương trình lớp 12 học sinh phải chờ một tháng mới đến kỳ thi và thời gian xét tuyển kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 mới kết thúc. Như vậy, học sinh sẽ có 5 tháng “chơi vơi” không biết đi đâu về đâu. Như vậy, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các em.
Bộ GD-ĐT nên quay trở lại thi 5 môn bắt buộc và 2 bài thi tự nhiên và xã hội. Như thế mới đảm bảo cho học sinh học một cách toàn diện. Kết quả thi này sẽ giao cho các trường đại học tự chủ căn cứ vào kết quả đó để tuyển chọn.
Nếu trường đại học cần kiểm tra thêm thì kiểm tra, nếu không cần thi thôi. Vì trong quá trình đào tạo sẽ có đào thải.
Xin cảm ơn ông!
Giấu điểm thi, tôi thấy cực kỳ khó hiểu. Lúc đầu Bộ GD-ĐT không cho các cụm thi công bố điểm mà các cụm thi phải chuyển dữ liệu về Bộ để công bố. Tuy nhiên, chỉ thí sinh có mã số, mật khẩu mới được xem điểm thi. Còn điểm thi của thí sinh sẽ không được công bố công khai. Bộ GD-ĐT giải thích, năm nay kỳ thi THPT Quốc gia có nhiều đổi mới nên điểm thi bí mật cá nhân không nhất thiết phải nêu ra. Sau khi có điểm thi, Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá kỳ thi bao nhiều phần trăm đỗ tốt nghiệp, điểm liệt là bao nhiêu, bao nhiêu thí sinh đỗ vào đại học cao đẳng. Tuy nhiên, liệu công bố mày có minh bạch trong khi điểm thi của thí sinh không được công bố công khai cho người dân cùng biết. Tôi chưa bao giờ thấy cuộc thi tầm cỡ Quốc gia lại giấu điểm như vậy. (PGS.TS.Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh) |