Theo Khu Quản lý Đường thủy nội địa, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, từ đầu tháng 5.2015 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng cuốn trôi và chôn vùi cả chục căn nhà, tài sản, vật dụng cùng hàng ngàn mét vuông đất tại các khu vực quận Thủ Đức, 9, huyện Nhà Bè, Củ Chi….
Mới đây nhất, vào khuya 4.7, bờ sông kênh Lộ (ấp 3, xã Phước Hiệp, huyện Nhà Bè) bị sạt lở khiến hai căn nhà của gia đình ông Trần Văn Lộc (46 tuổi) và Trần Thị Liêm (42 tuổi) nứt toác, phần phía sau nhà bị rơi xuống sông, đìa tôm giống rộng cả ngàn mét vuông cũng trôi theo dòng nước.
Đã hơn 2 tuần kể từ khi xảy ra vụ sạt lở nhưng chị Nguyễn Thị Hường (vợ anh Lộc) vẫn chưa hết kinh hoàng khi kể về đêm bị “hà bá” ghé thăm nhà: “Khoảng 23h, cả nhà đang ngủ bỗng nghe ầm ầm phía sau nhà. Cứ tưởng bọn trộm, tôi chạy ra thấy đất phía sau nhà đang rơi xuống sông. Tôi hô hoán cho cả gia đình mình và gia đình chị Liêm kế bên gồm 11 người cùng tháo chạy”.
“Thấy đất sạt lở tới đìa tôm giống mới thả 170.000 con, tôi cùng em trai cố tìm cách ứng cứu nhưng bất thành. Đất trong đìa tôm sạt lở xuống sông rất nhanh. Chúng tôi cố hết sức đạp đất chạy lên bờ, mình cứ chạy tới đâu đất sụp tới đó. May mắn là chạy kịp chứ không đã bị nước cuốn trôi. Dù có bơi giỏi cỡ nào cũng bị đất chôn vùi đến chết. Giờ nghĩ lại vẫn còn run”, anh Nguyễn Văn Dũng có đìa tôm tại đây kể.
Tối 1.7, sau cơn mưa lớn, bờ sông Sài Gòn (đoạn cuối đường số 7, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) bị sạt lở khiến hàng trăm mét khối đất, 1 cây cầu và đoạn tường rào cùng 1 máy xúc bị “hà bá” kéo xuống sông. Một cặp vợ chồng cùng đứa con nhỏ 3 tuổi bị rơi xuống sông nhưng may mắn được người dân ứng cứu kịp thời.
Trước đó, đêm 22.5, 20 người sống trong 4 căn nhà ven sông Mương Chuối (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bé) phải tháo chạy trong đêm khi phần phía sau 4 căn nhà rơi ầm xuống sông. Ghi nhận khu vực sạt lở, có đoạn ăn sâu vào 10m đất.
Đây là một trong những “điểm đen” thường xuyên diễn ra sạt lở ở huyện Nhà Bè. Hiện, một phần dọc bờ sông Mương Chuối đã được thi công xong bờ kè để chống sạt lở nhà dân.
“Có an cư mới lạc nghiệp. Giờ sống trong cảnh cứ thấp thỏm lo sợ nhà trôi sông không biết lúc nào, tính mạng tài sản luôn bị đe dọa khiến chúng tôi rất bất an”, anh Nguyễn Hưng người dân sống gần bờ sông Mươi Chuối lo lắng nói.
Theo ghi nhận, dọc các tuyến kênh Tàu Hủ (quận 8), kênh Tẻ (quận 7), rạch Hiệp Ân (quận 8)… rất nhiều căn nhà nằm sát mép nước. Nhiều gia đình còn cơi nới ra dòng chảy của kênh, rạch để xây dựng nhà nên nguy cơ sạt lở luôn rình rập.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, các kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên… là những nơi có nguy cơ sạt lở cao, nhất là trong mùa mưa.
Theo Khu Quản lý Đường thủy nội địa TPHCM, từ tháng 5.2015 đến nay, trên địa bàn đã phát sinh thêm 8 điểm sạt lở mới, nâng số điểm sạt lở lên 45. Trong đó, huyện Củ Chi có 4 điểm sạt lở mới; các quận 2, Thủ Đức và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè đều có 1 điểm sạt lở mới. Số điểm sạt lở có thể tiếp tục tăng lên vì hiện chỉ mới bước vào đầu mùa mưa.
Liên tiếp trong thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra sạt lở khiến nhiều căn nhà trôi sông, tài sản của người dân bị “hà bá” nuốt chửng.
Khuya 4.7, bờ sông kênh Lộ (ấp 3, xã Phước Hiệp, huyện Nhà Bè) bị sạt lở khiến hai căn nhà nứt toác, phần phía sau nhà bị rơi xuống sông, đìa tôm giống rộng cả ngàn mét vuông cũng trôi theo dòng nước.
“Đất trong đìa tôm sạt lở xuống sông rất nhanh. Chúng tôi cố dùng hết sức đạp đất chạy lên bờ, mình cứ chạy tới đâu đất sụp tới đó. Dù có bơi giỏi cỡ nào cũng bị đất chôn vùi chết. Giờ nghĩ lại vẫn còn run”, anh Nguyễn Văn Dũng có đìa tôm tại đây kể.
Nhiều khu vực dọc các bờ sông được lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở.
Đêm 1.7, mưa khiến bờ sông Sài Gòn ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức bị sạt lở khiến hàng trăm mét đất cùng công trình rơi xuống sông. Hai vợ chồng cùng đứa con nhỏ 3 tuổi bị rớt xuống sông được người dân ứng cứu kịp thời.
Nhiều công trình dọc bờ sông Sài Gòn đã bị hở chân, nguy cơ đổ sập rất cao.
Điểm sạt lở trên sông Sài Gòn “ăn” vào đường số 7, quận Thủ Đức.
Tại khu vực dọc sông Mương Chuối, huyện Nhà Bè, nhiều gia đình đã rơi vào cảnh trắng tay khi nhà và tài sản trôi sông vì sạt lở.
Đây là một trong những “điểm đen” thường xuyên diễn ra sạt lở ở huyện Nhà Bè. Hiện, một phần dọc bờ sông Mương Chuối đã được thi công xong bờ kè để chống sạt lở nhà dân.
Trên địa bàn TP.HCM hiện nay có 45 điểm sạt lở. Số lượng điểm sạt lở có khả năng tăng trong mùa mưa này.