Sau nhiều vụ án lớn như vụ Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị bắt sau khi vừa được bổ nhiệm, thăng chức vì những sai phạm trước đó, dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng quy trình bổ nhiệm cán bộ nhiều cơ quan, tổ chức có vấn đề?
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về vấn đề này sáng nay, ông Ngô Văn Khánh – Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: “Việc bổ nhiệm các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, dù với bất kỳ vị trí nào từ thấp đến cao, chắc chắn đều phải thực hiện theo quy trình hết sức chặt chẽ vì đó là nguyên tắc”.
Ngô Văn Khánh – Phó tổng Thanh tra Chính phủ
Ông Khánh chia sẻ, sáng nay ông đã đọc bài báo trên Dân Việt, trong đó có trích ý kiến của ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư nói rằng “Vụ bắt ông Nguyễn Xuân Sơn là một bài học về công tác giám sát cán bộ”. Ông Khánh cho rằng ý kiến đó hoàn toàn xác đáng. “Qua vụ việc này, chúng ta có được một bài học đắt giá trong công tác quản lý, giám sát, đánh giá cán bộ trong các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước”, ông Khánh nhấn mạnh.
“Chúng tôi không thể trả lời cụ thể về trường hợp của ông Nguyễn Xuân Sơn. Nhưng với chức năng của ngành thanh tra, chúng tôi thường xuyên được tham vấn, hỏi ý kiến mỗi khi các đơn vị, tổ chức phát hiện cán bộ có sai phạm hay bị tố cáo. Thậm chí, nhiều đơn vị cũng đã tham vấn ý kiến của chúng tôi khi định bổ nhiệm một cán bộ nào đó, nhưng người đó lại có đơn thư tố cáo hoặc có dấu hiệu sai phạm. Khi đó, chúng tôi đều trả lời rất đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, không phải lúc nào và với ai chúng ta cũng có thể phát hiện sai phạm của họ trước khi họ được bổ nhiệm, vì thế, vẫn có những trường hợp bị bắt sau khi bổ nhiệm vì phát hiện ra sai phạm. Đó cũng là chuyện bình thường”, ông Khánh nói.