“Nó chỉ giúp mình sinh con thôi”
Chúng tôi đến thăm nhà Ka Chơi ở buôn Đarahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Trời đã tối hẳn nhưng Ka Chơi vẫn chưa đi làm về. Nếu không có tiếng thở phì phò thì tôi chẳng thể nhận ra Ha Thuông (chồng Ka Chơi) đang nằm gần như bất động trên giường. Trên nền đất, một đứa trẻ chừng 1 tuổi đang khóc ré lên từng hồi. Cạnh đó, một đứa trẻ khác chừng 2 tuổi cũng đang nằm rên ư ử. “Nó bệnh mấy ngày nay mà không có thuốc uống”- Ka Mai, chị của mấy đứa trẻ nói với tôi.
Ka Chơi và những đứa con chưa biết mùi thịt cá. Ảnh: Duy Hậu
Nhác thấy có bóng người lọ mọ đi lại, mặt Ka Mai rạng rỡ, ôm đứa em út dỗ dành: “Ngoại về rồi, nín đi rồi ngoại nấu cháo cho ăn”. Bà Ka Pí, mẹ của Ka Chơi, bà ngoại của mấy đứa trẻ, lập cập về đến nhà, trên tay cầm túm gạo vừa mượn được. Đã mấy hôm nay, ngày nào bà Ka Pí cũng phải sang hàng xóm mượn gạo. Mượn mãi mà chẳng trả, bà ái ngại nên mỗi lần chỉ dám đong về một ít để nấu cháo loãng cho cả nhà ăn. Như vậy, tính cả bà Ka Pí, nhà Ka Chơi hiện có tất cả 12 người. Chừng ấy con người sống trong căn nhà do Nhà nước hỗ trợ rộng chừng hơn 20m2, với “tài sản” là 2 chiếc giường cũ kỹ cùng mớ quần áo nhem nhúa, vứt bừa bộn khắp nơi.
Nghèo mà còn gặp eo, 18 năm lấy chồng, người phụ nữ khắc khổ ấy đã sinh hạ 10 đứa con, một đứa mất từ khi còn ẵm ngửa vì lâm bệnh mà không có thuốc chữa. Cũng hơn 10 năm qua, vì căn bệnh gan hành hạ nên Ha Thuông yếu như cọng cỏ và cũng trở thành gánh nặng cho vợ. “Từ ngày “bắt” về nó chẳng giúp được gì, chỉ giúp mình sinh con thôi”- Ka Chơi nói về chồng mình như thế.
Không biết mùi thịt, cá
" Hôm nào người ta không thuê, không mượn được gạo thì cả nhà nhịn đói thôi. Bọn trẻ nhà mình quanh năm húp cháo độn rau, chưa đứa nào biết mùi thịt cá đâu…”. |
Vốn liếng của Ka Chơi chỉ có 2 sào cà phê cọc. Năm nào thuận thì thu được chừng 10 bao, kiếm hơn chục triệu đồng. Nhưng tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống bởi nợ nần vây quanh, thu được đồng nào phải trả ngay cho người ta để lần sau còn có chỗ để mượn. Vậy nên để có cái ăn cho cả nhà, Ka Chơi cùng với những đứa con lớn phải đi làm thuê khắp nơi. Một ngày quần quật trên rẫy, Ka Chơi chỉ nhận được 130 ngàn tiền công. “Hôm nào người ta không thuê, không mượn được gạo thì cả nhà nhịn đói thôi. Bọn trẻ nhà mình quanh năm húp cháo độn rau, chưa đứa nào biết mùi thịt cá đâu…”. Hỏi cô về chuyện đông con, Ka Chơi hồn nhiên: “Nhà mình đói quá, không muốn sinh nữa nhưng cái bụng mình cứ to ra, chẳng thấy nó nhỏ bao giờ!...”.
Buôn Đarahoa cách UBND xã Hiệp An chỉ chừng 7km. Thế nhưng khi nghe tôi nói về hoàn cảnh Ka Chơi, ông Hoàng Hồng Quang- Chủ tịch xã Hiệp An suốt 5 năm nay lại rất bất ngờ, không tin rằng có một phụ nữ trong xã chỉ mới 38 tuổi mà đã có đến 10 đứa con. Ông cho biết sở dĩ không nắm được vì họ không làm khai sinh cho con; đồng thời thừa nhận có thiếu sót trong công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình.