Dân Việt

Con gái liệt sỹ Gạc Ma: Em vẫn viết thư cho vào chai, thả xuống biển gửi bố!

Chi Tử (Infonet) 24/07/2015 07:23 GMT+7
“Em nghĩ, bố em chỉ trôi dạt vào một hòn đảo nào đó. Em vẫn đi tìm bố bằng cách viết thư rồi cho vào chai, thả xuống biển. Em vẫn chờ một ngày bố nhận được thư và trở về với em!"

img

Phan Thị Trang – con gái Liệt sỹ Phan Huy Sơn (một chiến sỹ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988)

Vẫn chưa tin bố hy sinh

Giữa những ngày cả đất nước đang tri ân các thương binh, liệt sỹ cũng là lúc cô gái Phan Thị Trang – con gái Liệt sỹ Phan Huy Sơn (một chiến sỹ đã hy sinh trong trận thảm sát của quân Trung Quốc tại bãi Gạc Ma năm 1988) bước vào kỳ tập huấn quân sự do cơ quan cử đi.

Trang tâm sự với tôi: “Nhìn bộ quân phục, nhìn các chú bộ đội, em lại nhớ bố vô cùng chị ạ! Chưa lúc nào em thôi nhớ bố nhưng những lúc thế này, những hình ảnh về bố trong chiếc áo lính lại hiện lên trong em như bố ngay ở cạnh em”.

Nói về người cha đã hy sinh khi em đang còn trong bụng mẹ, Trang luôn nghẹn ngào. Em kể: “Mẹ mang bầu em được 2 tháng thì nghe tin bố hy sinh. Em sinh ra đã không còn bố. Nhưng em chưa bao giờ nghĩ rằng bố mình không còn trên đời nữa. Em chỉ nghĩ bố đang đi xa. Đến lúc đi học, em biết chữ, em mới đọc được trong hồ sơ học sinh của mình trong phần ghi tên bố. Luôn là 6 chữ “Cha – Phan Huy Sơn – Liệt sỹ”. Nhưng đến tận bây giờ, em vẫn tin rằng bố em chỉ bị trôi dạt vào hòn đảo nào đó”.

Chính vì niềm tin ấy, hàng năm, những lúc nỗi nhớ về người cha chưa từng gặp mặt ùa về trong Trang, em lại lặng lẽ viết thư cho ông, cho vào chai, giấu mẹ mang ra biển thả với hy vọng cha em sẽ có ngày nhận được thư từ con gái.

Trang kể, mỗi lần viết thư là một lần lòng em thấm đẫm nước mắt. Không tin rằng cha đã hy sinh nhưng những gì em được nghe, được biết về Gạc Ma lại khiến em không thể cầm lòng.

Em cũng đã từng được xem đoạn video clip về trận hải chiến Gạc Ma. Em không nhìn rõ cha mình là người nào trong số những chiến sỹ hiên ngang bảo vệ đảo và đối diện trực tiếp với kẻ thù trong những hình ảnh ấy. Nhưng từng chuyển động, từng tiếng súng trong clip đó đều như những nhát dao đâm thấu vào tim em.

img

Bộ quân phục Trang dùng khi tập huấn.

“Nhưng em sẽ vẫn đi tìm bố chị ạ! Em sẽ vẫn viết thư và vẫn mong chờ một phép màu nào đó mang bố em trở về. Có những lúc, em cảm giác chẳng cần gì cả. Chỉ cần có bố ở bên cạnh!” – Trang tâm sự.

“Tên em bây giờ là Gạc Ma”

Sinh ra trong cảnh nghèo túng, thiếu cha, lại có một người anh tật nguyền nên ngay từ nhỏ, Trang đã rất cố gắng học hành. Em luôn là học sinh giỏi của lớp. Em cho biết, mình đã luôn nuôi ước mơ được trở thành một bác sỹ quân y như cha em. Tuy nhiên, ước mơ đó không thành hiện thực. Em đã đỗ một trường Cao đẳng điều dưỡng.

img

Ảnh bố Phan Huy Sơn được Trang ghép cùng ảnh mình

Phan Thị Trang là con gái liệt sỹ Phan Huy Sơn quê tại Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An. Liệt sỹ Sơn hy sinh ngày 14/3/1988 thì Trang sinh ngày 27/10/1988.

Mẹ Trang trở thành người đàn bà góa khi mới bước sang tuổi 25.Lúc ấy, bà đã có một người con trai là Phan Huy Hà sinh năm 1984. Hà sinh ra bị tật bẩm sinh, không biết nói, không biết tự xúc cơm ăn, không biết vệ sinh cá nhân. Ăn uống phải cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi vật ngửa ra cho ăn như một đứa trẻ mới học ăn dặm. Mọi sinh hoạt của Hà đều phải nhờ mẹ và em giúp từ ăn uống, tắm gội tới vệ sinh….

Thế nhưng, cuộc đời đã không sớm nở nụ cười với cô bé Trang. Em mang đơn xin việc đi khắp nơi đều không thể xin được cho mình một chỗ làm ổn định. Cuộc sống khó khăn chồng chất khi em đã có gia đình riêng và đã sinh ra 2 con.

Trong lúc tuyệt vọng về công việc, em đã mạnh dạn viết thư cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Em tâm sự, ban đầu em cũng không hy vọng lắm vì em đã “ gõ” khá nhiều cửa nhưng vẫn chỉ là những cái lắc đầu hay im lặng.

Nhưng niềm vui bỗng như vỡ òa khi em nhận được tin Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến xin việc cho em. Và em đã được nhận chính thức vào làm việc tại bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu.

Hiện Trang đã có cuộc sống khá ổn định. Em nói với tôi: “Em được đặc cách vào làm việc như thế, em luôn biết ơn các cô, các bác, các anh chị…đã tạo điều kiện cho em có được công việc như em mong đợi. Em sẽ luôn cố gắng để làm việc tốt để không phụ công mọi  người”.

Trang cũng cho biết thêm, các đồng nghiệp của em giờ gọi em bằng cái tên đã gắn liền với cuộc đời em là “ Gạc Ma” thay cho tên trong khai sinh của em. Với cái tên ấy, em thấy khá thú vị vì nó luôn nhắc nhớ em là ai, em đã xuất hiện trong đời như thế nào và vì sao em có được vị trí của ngày hôm nay. Và tất nhiên, cái tên ấy em cũng muốn nó luôn bên mình – bên cạnh người cha luôn cất giữ trong trái tim em.