Buổi tối định mệnh
Ngồi đối diện chúng tôi trong căn phòng cấp 4 ở Trại giam Yên Hạ (Phù Yên, Sơn La) là Tòng Văn Toán (SN 1995), người dân tộc Thái. Nhìn Toán, khó tìm được nét ngang ngạnh của kẻ thủ ác vung nhát cuốc chí mạng tước đoạt sự sống một con người. Tóc cắt gọn gàng, gương mặt trắng trẻo lại hay cười, cậu dễ khiến người ta nghĩ tới những học trò 16, 17 tuổi ngoan hiền.
Toán là con út trong gia đình có ba anh chị em ở xã miền núi huyện Thuận Châu, Sơn La. Bố mẹ làm nông. Chị gái đi lấy chồng sớm nên cậu thường đỡ đần việc nhà như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Không chơi điện tử hay ám ảnh phim bạo lực.
Với thanh niên miền núi như Toán chút phóng túng là một hai chén rượu trong những lần bù khú với bạn bè mà không bị bố mẹ ngăn cấm. Thỉnh thoảng, Toán mới theo bạn cùng lứa trong bản đi chơi.
“Ngay cả tết em cũng chỉ ở nhà. Bố mẹ cho đi đâu thì biết đó”, cậu nói. Tuy nhiên, trong lần cùng nhóm bạn sang bản khác chơi vào một buổi tối tháng 5/2011, Toán dính vào ẩu đả, rồi bất ngờ giết người.
“Từ ngày thụ án, em chưa được gặp lại mẹ. Vào trại thăm chỉ có bố. Mỗi lần gặp, em hỏi, bố luôn bảo mẹ bình thường, nhưng chẳng biết thế nào. Lúc em đi mẹ vẫn khỏe...”.
Các phạm nhân trong trại giam Yên Hạ tham gia lao động cải tạo.
Phạm nhân Tòng Văn Toán
Kể về buổi tối định mệnh khá rành rọt, Toán vẫn chưa hết ngỡ ngàng: "Tối đó, em cùng với 5 bạn sang bản khác chơi. Bất ngờ, nhóm thanh niên bản này đến hỏi: Mày có đánh em trai tao không? Em không biết họ và cũng chẳng đánh ai bao giờ".
Toán vừa nói dứt lời, nhóm thanh niên kia liền nhảy vào ẩu đả với nhóm Toán. Thấy các bạn bỏ chạy tứ phía, Toán hốt hoảng chạy lên một nhà sàn của người dân cầu cứu nhưng nhà này đã đóng cửa đi ngủ. Quay xuống, nhóm thanh niên kia bủa vây phía dưới. Toán vớ được một cái cuốc để ở chân nhà sàn và có bổ một nhát vào đầu một người trong nhóm kia.
Sau đó, Toán trở về nhà bình thản như chưa có rượt đuổi, đánh nhau. Cậu bảo: “Em về ngủ bình thường vì không nghĩ nhát cuốc đó lại giết được người. Sáng hôm sau, nghe tin có người chết, em vẫn không tin. Khi biết chắc người chết vì nhát cuốc của mình, em chỉ biết ở nhà chờ công an tới bắt”.
Những ngày nằm ở nhà tạm giam chờ xét xử là những ngày quay quắt lo mức án phạt. “Em nghĩ mình chắc phải chịu án 12 năm. Khi tòa tuyên án 6 năm tù giam em thấy nhẹ đi phần nào. Việc mình gây ra thì phải chịu. Vào trại, em mong muốn được ra ngoài càng sớm càng tốt”, Toán chia sẻ.
Giọng cậu chùng xuống và đôi mắt đỏ hoe khi nói về những điều gần gũi trong cuộc sống hằng ngày bên mái ấm gia đình, trường lớp bỗng chốc xa vời.
“Ngày trước ở nhà, em chẳng nói chuyện nhiều với bố mẹ. Ở trong trại nhớ, có muốn nói chuyện cũng không nói được. Muốn được nhìn bố, nhìn mẹ cũng khó. Em thèm bữa cơm sum vầy có đông đủ thành viên trong gia đình”.
Toán xót xa: “Từ ngày thụ án, em chưa được gặp lại mẹ. Vào trại thăm chỉ có bố. Mỗi lần gặp, em hỏi, bố luôn bảo mẹ bình thường, nhưng chẳng biết thế nào. Lúc em đi mẹ vẫn khỏe...”.
Cậu kể thêm đã không ở nhà đón ba cái Tết, không được phụ mẹ bổ củi, đun lửa nấu bánh chưng. Cậu cũng tiếc ngày anh trai cưới vợ cũng không có mặt rồi ngậm ngùi khi nghĩ về những ngày còn đi học, được thoải mái vui đùa với bạn bè.
Phạm nhân Tòng Văn Toán (SN 1995) ngậm ngùi giá như...
Bài học xương máu
Bốn năm trong trại đủ để Tòng Văn Toán rút ra bài học xương máu và thấm thía những điều bình dị của gia đình. Mong muốn trở về nhà thôi thúc cậu cải tạo tốt. Theo lời giới thiệu của cán bộ quản giáo, Toán có tên trong danh sách đặc xá sắp tới.
Tòng Văn Toán chia sẻ: “Lúc biết tin em mừng lắm, nhưng cũng rất bối rối chưa biết làm gì sau khi trở về”. Bằng chất giọng rủ rỉ, cậu bảo không có ý định quay trở lại nhà trường, cũng không theo nghề may học ở trại mà sẽ đi làm nương với bố mẹ.
Chưa biết có được đặc xá đợt này hay không, nhưng Toán khẳng định sẽ cố gắng tránh những trường hợp để xảy ra mâu thuẫn, xích mích. Nói thêm về việc xảy ra ẩu đả giữa thanh niên hai bản, cậu cho hay, người bị đánh chết là Hiên - học cùng trường trước một khóa.
“Sẽ không có chuyện gì nếu như cả hai nhóm đều dùng lời nói và chịu khó lắng nghe nhau để phân giải thay vì bằng tay chân. Nếu gặp lại tình huống đó, em sẽ cố gắng giải thích để tránh bị hiểu lầm”, Toán ngậm ngùi. Để tránh trượt lại vết xe cũ,
Tòng Văn Toán rút ra bài học: “Giờ em nghĩ việc tước đoạt mạng sống người khác quá dễ, nhất là trường hợp của em chỉ một nhát cuốc. Cố gắng, trong cuộc sống đừng để mình có một phút sốc nổi mà phải bỏ lỡ thời gian và cơ hội của tuổi trẻ”.
Cuôi cuộc trò chuyện, Toán bất ngờ bảo “chắc những người trong nhóm thanh niên ở vụ xích mích đã lấy vợ sinh con và có cuộc sống ổn định”. Chúng tôi hiểu, nhát cuốc oan nghiệt kia sẽ còn đeo đẳng Tòng Văn Toán thời gian dài cũng như ngậm ngùi những lời “giá như...”.