Theo khảo sát của VnExpress, số lượng dự án nhà ở xã hội công bố mở bán thời gian gần đây tương đối lớn, song không phải trường hợp nào cũng có tiến độ bán tốt. Công ty cổ phần Tập đoàn CEO thông báo về việc nhận hồ sơ nhà ở xã hội ở dự án trên địa bàn Quốc Oai, Hà Nội cách đây hơn 2 tháng. Với giá bán chưa đến 10 triệu đồng một m2, cùng với sự hỗ trợ của ngân hàng thì người mua nhà chỉ cần chuẩn bị khoảng 100 triệu đồng để sở hữu một căn hộ tại đây.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cho biết, số hồ sơ nhận được rất ít. Đơn vị này hiện đã cất nóc tòa nhà thứ 2 trong khu nhà ở xã hội của dự án và dự kiến đến cuối tháng 10, sẽ bàn giao những căn hộ đầu tiên cho khách hàng đến ở. Chủ đầu tư đang cân nhắc về tốc độ xây dựng sao cho phù hợp với tiến độ bán hàng vì hiện nay số hồ sơ đăng ký mua quá ít.
"Nếu xây xong mà chưa bán được nhà thì chủ đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn, gây lãng phí", vị này nói.
Các dự án nhà xã hội đang được khuyến khích phát triển.
Theo đại diện doanh nghiệp, tốc độ bán hàng tại dự án không được khả quan một phần do vị trí xa, giao thông chưa thực sự thuận lợi. "Tuy đường xá đi lại khu vực này không nhiều khó khăn nhưng hơi xa trung tâm nên người mua nhà chưa thực sự mặn mà", vị này nhận định.
Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết, với mức giá và vị trí như trên, dự án chỉ phù hợp với đối tượng công nhân đang làm việc quanh đó. Song hiện nay, những thủ tục để đáp ứng yêu cầu vay mua nhà xã hội cũng khá phức tạp nên cũng ảnh hưởng cho tốc độc bán hàng của CEO Group.
Không chỉ riêng nhà xã hội, với một số dự án nhà thương mại có giá rẻ, tình trạng bán hàng cũng không khá khẩm hơn. Lãnh đạo một sàn bất động sản tại Thanh Xuân từng phân phối dự án nhà xã hội Thanh Hà Cienco 5, hoặc căn hộ thương mại Thăng Long Victory, CT Number One Vân Canh (Hoài Đức)... cho biết các căn hộ tại đây có giá chỉ từ 10-13 triệu đồng một m2. Đây là giá đã gồm VAT và một số nội thất cơ bản. Với nhiều căn hộ có diện tích nhỏ, những người mua nhà sẽ đủ điều kiện vay vốn theo gói 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế tốc độ bán hàng tại những dự án này không thực sự tốt. "Một số lần mở bán chỉ chốt được vài ba khách đặt cọc, thấp hơn nhiều so với những dự án khác. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng phân phối với chủ đầu tư, sàn đều phải cam kết về tiến độ bán hàng, nếu không đạt thì tiền hoa hồng chẳng được bao nhiêu, trong khi các khoản quảng cáo, marketing mất nhiều", ông này cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn bất động sản 24h cho biết, hiện một số dự án tuy có giá rẻ nhưng đơn vị phân phối rất ngại nhận hàng.
"Các dự án có vị trí xa hoặc không thuận lợi là một trở ngại lớn cho việc bán hàng. Trong khi đó, các chi phí để chào bán một dự án cũng khá tốn kém", ông Quỳnh cho hay.
Theo ông Quỳnh, hiện số lượng dự án nhà giá rẻ, kể cả nhà xã hội ngày một nhiều nên người mua có cơ hội lựa chọn hơn. "Một số khu vực như Hà Đông, Hoài Đức... các dự án đang phải cạnh tranh nhau khá mạnh vì nguồn cung nhiều. Vì thế, nếu vị trí dự án không thực sự thuận lợi thì rất khó cạnh tranh, kể cả giá có rẻ", ông Quỳnh cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, bà Đỗ Thị Thu Hằng, đại diện Savills tại Hà Nội cho rằng, việc số căn hộ mở bán ngày một tăng, người mua nhà có nhiều lựa chọn hơn là lý do chính ảnh hưởng đến tốc độ bán hàng tại các dự án nhà giá rẻ.
"Bên cạnh đó là các yếu tố về hạ tầng, tiện ích của dự án phải đáp ứng được ở mức tương đối cho cuộc sống của người dân thì mới thu hút được khách hàng", bà nhận định. Báo cáo thị trường quý II của CBRE cho thấy, giao dịch căn hộ bình dân - phân khúc từng thống lĩnh thị trường trong 2 năm qua đã giảm mạnh, chỉ chiếm 26%, trong khi đó tỷ lệ này của năm 2014 và 2013 lần lượt là 49% và 44%.