Dân Việt

Nơi vẫn “nóng” hơi thở cuộc chiến (Kỳ cuối)

Nguyễn Gia Tưởng 25/07/2015 06:36 GMT+7
Thường xuyên phải chăm sóc những thương binh nặng, tâm thần và các nạn nhân chất độc da cam, những y bác sĩ ở đây nếu không có cái tâm, lòng yêu thương với các bậc cha anh mình đã hy sinh, cống hiến vì Tổ quốc, thì họ không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Từng ngày, họ đang hết lòng để xoa dịu những nỗi đau của chiến tranh để lại.

Kỳ cuối: Hết lòng với nỗi đau

Chấn thương vì thương binh

Đã là cán bộ chăm sóc ở Khoa 1 thì chưa một y bác sĩ nào thoát bị thương binh cho... ăn đòn, chuyện y bác sĩ bị tát, đấm, chửi mắng thì có thể nói là như cơm bữa. Trong đó, thương binh Lê Bá Tiến (sinh năm 1957, quê Diễn Châu, Nghệ An) đúng là cơn ác mộng một thuở của Khoa 1.

img

Bác sĩ Lâm Quang Đạo với thương binh đã từng đánh anh trọng thương. Ảnh: Gia Tưởng 

Ông Tiến vốn là chính trị viên của một đơn vị bộ binh, bị chấn thương sọ não ở biên giới Tây Nam năm 1979. Diễn biến bệnh của ông Tiến hết sức bất thường khó lường và bất thình lình có những cơn kích động đột ngột, khi lên cơn thì ông tấn công, hành hung bất cứ ai. Năm 2004, đúng giờ chuẩn bị ăn trưa của Khoa 1, như từ dưới đất chui lên, ông Tiến xông tới cướp được cây gậy dùng làm đòn khênh nồi cơm, nhìn thấy bất cứ ai là ông phang tới tấp, làm cho mọi người chạy tán loạn, cơm canh đổ vung vãi khắp nhà ăn. Lúc đó bác sĩ Lâm  Quang Đạo còn là Trưởng khoa 1 phải xông ra để ngăn cản ông Tiến. Anh Đạo bị ngã lộn nhào vì giẫm phải vũng nước canh bị đổ ra, ngay lập tức ông Tiến nhào đến với cây gậy trong tay vụt anh Đạo tới tấp vào người vào mặt. Hậu quả là anh Đạo ngất luôn tại chỗ, dính một vết thương to ở môi phải đưa đi cấp cứu và khâu 7 mũi.

 Đánh một loạt người xong, ông Tiến leo lên cây phượng trong khuôn viên của khoa cố thủ và dọa sẽ lao đầu xuống đất, làm cho trung tâm phải huy động toàn bộ lực lượng thanh niên mang chăn bông ra đỡ. Khi được sơ cứu thì anh Đạo tỉnh và quay lại động viên ông Tiến và ông đã tự trèo xuống.

Sau nhiều năm điều trị, bây giờ tinh thần ông Tiến cũng đã ổn định, khi nhắc tới vụ tấn công, ông chỉ cười và nói: “Hôm đó tôi có biết bác Đạo là ai đâu? Chỉ thấy địch tấn công giáp lá cà thì mình phải đánh lại để bảo vệ đồng đội chứ”.

Do đặc điểm của bệnh lý tâm thần nên thương binh phải uống 1 ngày 3 lần thuốc, chủ yếu là nhóm An thần kinh. Thương binh có thể bỏ cơm chứ không thể bỏ thuốc được. Trong quá trình điều trị, có người đã uống thuốc liên tục lên đến hơn 40 năm. Chính vì vậy tác dụng phụ của các loại thuốc phát sinh ra rất nhiều các bệnh nội ngoại khoa khác nhau như: Lao phổi, gan, mật, tiêu hóa, tim mạch, dạ dày, loãng xương... Do vậy trung tâm phải đề ra các phác đồ điều trị cụ thể để hạn chế những tác dụng phụ của thuốc, lập ra những nhóm bệnh nhân để phục vụ tốt hơn cho công tác điều trị.

Riêng bệnh nhân kích động nguy hiểm có phương pháp điều trị chặt chẽ hơn. Bác sĩ luôn phải theo sát diễn biến tác dụng của thuốc, từ đó điều chỉnh lượng thuốc cho phù hợp, hạn chế sử dụng buồng ngăn kích động, tránh cho bệnh nhân có cảm giác bị giam cầm tù túng. Chính vì vậy trước kia những cơn kích động của bệnh nhân thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày, nay đã giảm xuống từ 1 đến 3 ngày. Và nhiều năm nay trung tâm đã không có bệnh nhân bỏ trốn như trước.

Kiên nhẫn với công việc

Bác sĩ Phạm Thị Hoa - Trưởng khoa 3  (khoa chăm sóc bệnh nhân sa sút) đúc kết: “Nếu ai không có tính kiên trì, nhẫn nại và không có tấm lòng đối xử với thương bệnh binh như bố như mẹ, người thân  của mình, thì rất khó để mà trụ lại được với nghề. Vì cũng có khá nhiều người do quá áp lực và mệt mỏi đã phải chuyển đi hay bỏ nghề tìm công việc mới.  Cả Khoa 3 có 12 người, thì 11 người đang trực tiếp chăm sóc toàn diện cho các bệnh nhân”.

  Bác sĩ Đạo chia sẻ thêm, ngoài khó khăn vất vả về công việc thì đời sống của cán bộ y bác sĩ nhân viên tại trung tâm cũng khó khăn không kém. Họ phải dành toàn bộ thời gian để chăm sóc thương binh, không thể  làm thêm được bất cứ công việc gì khác. Nhiều người làm nhân viên hợp đồng đã 5 năm, lương chỉ  2,2 triệu đồng/tháng mà vẫn đang phải chờ chỉ tiêu biên chế.   

Y tá Phạm Công Đức năm nay 25 tuổi, đã công tác ở trung tâm được 4 năm, được phân công chăm sóc toàn diện cho 3 thương binh, trong đó có một nữ. Đức giải thích về công việc toàn diện cho chúng tôi như sau: “Sáng ra, tôi làm công tác vệ sinh cá nhân cho các bác, thay quần áo lau rửa rồi  đưa đi đánh răng rửa mặt, đưa các bác đi ăn sáng”. Do những thương binh ở Khoa 3 phần lớn đã yếu, có nhiều người phải ngồi xe lăn, nên y tá, hộ lý phải đút cho ăn.

Đức tâm sự thêm: “Đã nhiều lần nản muốn bỏ việc nhưng bây giờ sau nhiều năm gắn bó với thương binh, tôi không còn ngại nữa. Mỗi khi tôi được về nhà với vợ con là rất lo cho các bác ở trong trung tâm”.

Chị Hoa chia sẻ thêm: “Chăm sóc thương binh không chỉ lo đến công việc tắm rửa, cắt móng tay móng chân, cạo râu, tỉa tóc, ăn uống, chữa bệnh mà còn trò chuyện thăm hỏi động viên làm cho các bác lạc quan, đến khi các bác qua đời chúng tôi cũng phải lo hậu sự”. Như trường hợp của thương binh Nguyễn Hữu Thành không có gia đình, người thân, đã ở trung tâm hơn 40 năm. Do tuổi cao lại bị bệnh phổi, bác đã qua đời cách đây 6 tháng, thọ 98 tuổi. Khoa 3 cùng trung tâm đã tổ chức tang lễ rồi đưa bác vào nghĩa trang liệt sĩ an nghỉ, lập ban thờ cho bác.

Tuy hoàn cảnh gia đình chị Hoa khá vất vả vì có một mẹ già 91 tuổi đã ốm nhiều năm nay, chồng bộ đội công tác xa nhà, 2 con trai đang tuổi ăn tuổi lớn cần sự kèm cặp của bố mẹ, nhưng chị vẫn sắp xếp việc gia đình để luôn hoàn thành tốt công việc của mình, mỗi tuần trực tại trung tâm từ 2 đến 3 buổi. “Bố mẹ mình ốm cũng không thể chăm sóc đủ đầy được, còn các bác ở đây đều là người có công, lại thiệt thòi không có con cái, gia đình nên chúng tôi mong được bù đắp an ủi phần nào công lao các bác đã đóng góp cho đất nước” – chị chia sẻ.