“Nghiện hơn nghiện vợ”
Vài năm trở lại đây, nhìn thấy tấm biển “nhổ tóc bạc” mọi người không còn ngạc nhiên vì nghề quá độc và lạ này nữa. Thực mục sở thị của chúng tôi tại một số cửa hàng nhổ tóc bạc tại Hà Nội cho thấy các cửa hàng này thường nhộn nhịp vào đầu giờ sáng và buổi trưa. Giá của một giờ nhổ tóc bạc dao động từ 90.000- 100.000 đồng, 15 phút đầu 30.000 đồng và 10.000 đồng cho 5-7 phút tiếp theo.
Một cửa hàng nhổ tóc bạc luôn đông khách ở phố Lò Đúc. Ảnh: Đ.A
Chủ những cửa hàng nhổ tóc bạc đang sống rất khỏe từ nghề này. Theo chị Bích Liên, chủ cửa hàng nhổ tóc bạc Bích Liên trong một con ngõ, phố Đường Láng: “Nghề bới đen tìm trắng” nghe hơi kỳ nhưng kiếm sống khá tốt. Chỗ chị có 15 ghế nhổ tóc bạc, hoạt động từ 8h sáng đến 10h tối. Bình quân mỗi ghế kín khách trong 7- 8 tiếng/ngày, chị thu về cũng trên dưới 10 triệu đồng/ngày”.
Trong vai khách hàng đi nhổ tóc ngứa tại một cửa hàng trên phố Lò Đúc, chúng tôi thấy khá thú vị. Trong khi nhổ tóc, nhân viên chia sẻ rất nhiều những câu chuyện về cuộc sống, chủ yếu là những chuyện hài hước mà các cô gái này sưu tầm được… Không chỉ với tôi mà với các vị khách khác khi vào cửa hàng bao giờ cũng nhận được nụ cười rất tươi và mở đầu bằng câu hỏi: “cô/chú/anh/chị… đang thấy ngứa ở chỗ nào nhất ạ?”
Ông Trần Trọng Bình, khách hàng tại quán Chấy, Lò Đúc cho biết: “Có tuổi rồi nên tôi nghiện nhổ tóc bạc hơn nghiện vợ. Khoảng 3 tuần tôi phải đi nhổ tóc ở quán một lần. Đến ngày mà không đi được, thấy cứ ngứa ngáy khó chịu lắm. Các cháu nhổ tóc rất khéo không bị đau, lại rất biết nói chuyện nữa. Con cháu tôi cũng nhổ được nhưng chúng bận, bà nhà tôi mắt kém không nhổ được”.
“Tôi đã nghỉ hưu nên một trong những thú vui hiện tại là đi nhổ tóc bạc. Cảm giác rất thú vị vì được nằm khểnh, thư giãn mát mẻ, có người mân mê trên đầu rất dễ chịu. Mọi ngứa ngáy biến mất, tai nghe nhạc du dương hoặc được nghe các cháu kể chuyên hài hước rất thú vị”, ông Tạ Văn Tuấn, ở phố Hàng Bông - một khách ruột của dịch vụ này, hào hứng.
Chị Trần Hạnh, Quản lý quán Chấy – nhổ tóc bạc cho biết: “Nhiều người cứ tưởng nhổ tóc là việc đơn giản nhưng không ít người vào làm tại quán được 5-7 ngày đã phải xin nghỉ việc vì mỏi mắt, mỏi tay. Phải những người thật yêu nghề, có tính tỉ mỉ mới làm lâu dài được”.
Nhổ tóc bạc là việc đơn giản nhưng cũng cần phải học và nắm bắt được tâm lý khách hàng để phục vụ đúng ý. “Trước hết, cần phải hỏi khách đang thấy ngứa ngáy ở vùng nào nhất thì sẽ bắt đầu nhổ vùng đó trước. Khi nhổ, tay phải bới thật sát chân tóc để các đầu ngón tay có thể chạm vào da đầu giúp masage da đầu giảm ngứa và thư giãn. Nhíp cũng phải đặt sát chân tóc, nhổ dứt khoát, tránh làm đứt chân tóc. Đặc biệt là phải lựa theo chiều của sợi tóc để kéo tóc lên phù hợp tránh làm khách bị đau”, em Lý Thanh Nga, nhân viên quán Nhổ tóc bạc Thiên Dung, phố Lò Đúc chia sẻ.
Theo Thanh Nga thì làm ở cửa hàng nhổ tóc bạc cũng có rất nhiều kỷ niệm. Một kỷ niệm em nhớ mãi là những ngày mới vào nghề, hôm đó có bác bị bạc trắng cả đầu. Em đang lúng túng không biết làm thế nào thì bác ấy trêu: “Cháu nhổ hết tóc trắng cho bác đến đâu thì đến”. “Sau này, bác ấy là khách quen của cửa hàng em, bọn em chỉ nhổ những sợi gây ngứa như sợi xoăn, sợi tóc bị xùi chân, tóc to bất thường…”, Thanh Nga tâm sự.
Dễ bị hiểu lầm
Anh Nguyễn Văn Bình, chủ một cửa hàng nhổ tóc bạc trên phố Cầu Giấy cho biết: “Tôi mở cửa hàng nhổ tóc bạc cách đây hơn 3 năm. Đi tìm nhân viên rất khó vì nói tuyển nhân viên nhổ tóc bạc nhiều người cứ tưởng mình đùa hoặc hành nghề mờ ám. Lúc đầu thấy phản ứng như vậy cũng hơi khó chịu nhưng sau thành quen. Tôi thường gửi lại cái “cạc” để khi nào cần tới mình họ sẽ tìm đến”.
Không chỉ có chủ các cửa hàng mà rất nhiều nhân viên làm trong các cửa hàng này cũng được cho là làm nghề không đàng hoàng. Em Vũ Thị Liên, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, Hà Nam cho biết: “Cùng quê em có bạn lên Hà Nội tìm việc làm, gặp em ở cửa hàng nhổ tóc bạc đã nói cho bố em biết. Ông gọi điện lên mắng em một trận té tát, bắt bỏ nghề. Bố còn nói nghề đó có khác gì gái masage đâu. Nghe bố nói tủi thân lắm nhưng em thấy đây là công việc kiếm tiền lương thiện nên cứ làm”.
“Sau nửa năm đi làm, tôi về quê ăn giỗ bà ngoại, nhiều người hỏi lên Hà Nội làm gì tôi nói làm ở cửa hàng “nhổ tóc bạc” ai cũng nhìn với ánh mắt nghi ngờ mình làm nghề không đàng hoàng. Nhưng tôi kệ, ai nghĩ gì thì nghĩ, càng thanh minh họ càng nghĩ bậy. Đến khi, chị họ tình cờ mở máy điện thoại của tôi xem những tấm ảnh tôi chụp khi các nhân viên khác đang nhổ tóc bạc cho khách, mọi người mới tin”, Phạm Trúc Minh, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho hay.
Cũng theo Trúc Minh, công việc nhổ tóc bạc mang lại mức lương 6 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập tốt hơn so với các nghề tương tự như vẽ móng, làm tóc, làm may… Khách đến đây cũng khá đa dạng, không chỉ riêng khách trung niên như ý nghĩ trước đây của Minh nên câu chuyện giữ khách và nhân viên cũng sôi nổi không nhàm chán.
Không chỉ bị hiểu lầm sang nghề mờ ám mà những vị khách khó tính nhiều khi còn nghĩ nhân viên quán câu giờ để lấy tiền vì chi phí nhổ tóc tính theo giờ. “Tất cả số tóc bạc, sâu của khách đều được các nhân viên đặt trên tấm da đen để khách hàng kiểm chứng”, Trúc Minh cho biết.
Trong thời điểm làm ăn khó khăn nhưng nghề lạ - nhổ tóc bạc không chỉ đang khiến cho những vị chủ quán kiếm bộn tiền mà nhân viên cũng sống khỏe. Đây cũng là một trong những nghề gợi ý cho những ai muốn kiếm sống an vui theo cách này.
“Mới đầu tôi mở cửa hàng nhổ tóc bạc, gia đình bạn bè đều nói là bị hâm. Đường đường tốt nghiệm Đại học Thương mại bây giờ lại đi làm nghề nhổ tóc bạc. Ai cũng bảo nó chẳng ra sao và dễ bị hiểu lầm. Thời gian đầu mở cửa hàng còn ít khách, tôi muốn nhiều người biết nên đã đến một số tòa soạn xin đăng tin pi-a nhưng các báo đều từ chối vì nói dịch vụ này quá nhạy cảm”, chủ cửa hàng nhổ tóc bạc Bích Liên chia sẻ. |