Đã có bài viết đề nghị cần đánh giá đúng khả năng của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng vì bà đã tìm ra hàng ngàn hài cốt liệt sĩ, đặc biệt là hài cốt của nhà văn Nam Cao. Từ đó dư luận cho rằng trong cuộc sống có những người có khả năng “giao lưu” thật sự với cõi âm. Nhưng khả năng này chỉ tồn tại trong một thời gian rồi hết. Chỉ trách là khi hết khả năng rồi họ vẫn tiếp tục hành nghề khiến cho việc tìm kiếm không kết quả, làm mất thời gian, kể cả tiền bạc cho các thân nhân.
Bên cạnh đó, có những người chẳng có khả năng gì nhưng cứ tự phong là nhà ngoại cảm, rồi liều lĩnh nhận tìm hài cốt. Những người này, tất nhiên, nhảy vào cái nghề “thiêng liêng” này chỉ nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi mình, từ đó kiếm lợi, thu vén tiền bạc. Hành vi này đồng nghĩa với sự lừa đảo một cách vô lương tâm mà điển hình là cậu Thủy.
Một luồng ý kiến khác: phản bác tất cả cái gọi là “ngoại cảm” vì cho rằng nó phản khoa học và đưa con người vào thế giới mê muội, đầy mê tín. Những nhà ngoại cảm thực chất chỉ là những người lên đồng và lợi dụng lòng tin của con người để trục lợi, đánh bóng mình.
Song lại có một quan điểm cho rằng khả năng ngoại cảm là có thật ở một vài người, trong một vài thời điểm và nên nhìn nhận nó, nghiên cứu, đối chiếu một cách khoa học chứ không nên tuyệt đối tin.
Vấn đề cuối cùng là cần phải quản lý những “nhà ngoại cảm” để tránh tình trạng dân đổ xô đến áp vong như từng xảy ra ở Nghệ An hoặc đi lừa đảo như cậu Thủy. Hiện nay chúng ta đã có Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, nhưng hoạt động thật sự của trung tâm này vẫn chưa thật sự làm chúng ta… yên tâm!
Những ngày qua, từ chuyện Nguyễn Thanh Thúy (Phú Lâm, Tiên Du, Bắc Ninh) còn gọi là “cậu Thủy” đã thực hiện hành vi câu kết với một số người làm giả hài cốt liệt sĩ để trục lợi, dư luận lại rộ lên chuyện “nhà ngoại cảm dỏm” và “hài cốt liệt sĩ giả”. Từ việc một cơ quan giám định đã lấy mẫu vật là một chiếc răng được tìm thấy trong một lần truy tìm hài cốt liệt sĩ thông qua “ngoại cảm”, đem so sánh với răng động vật và thấy giống răng lợn đã “phán” đó là răng lợn, không phải hài cốt liệt sĩ (?).
Đáng nói hơn, một cơ quan truyền thông đã công bố thông tin này như là
đã được kiểm chứng bằng giám định khoa học. Sau đó, sự việc lại lan rộng
có thông tin khẳng định: “Chỉ 20% mẫu hài cốt xét nghiệm ADN có kết quả
chính xác” (LĐ số 31 - Thứ bảy 09/11/2013). Có hàng ngàn hài cốt liệt
sĩ được truy tìm qua các nhà “ngoại cảm” chưa được giám định ADN. Vậy
con số 20% kia liệu có là con số chính xác để làm căn cứ cho cơ quan
truyền thông công bố?
Di ảnh liệt sĩ Đặng Minh Thông thân sinh ông Đặng Huỳnh Lộc.
Không có hài cốt liệt sĩ giả, chỉ có kẻ làm giả hài cốt liệt sĩ để trục lợi. Nhưng không ít người lại gán ghép hai chuyện này làm một và đu đeo trên hài cốt liệt sĩ để quảng bá tên tuổi, làm tổn thương tình cảm, tâm lý của biết bao người có người thân mất đi trong cuộc chiến tranh được truy tìm bằng ngoại cảm. Điều đó xem ra còn tệ hại hơn cả những kẻ làm giả hài cốt liệt sĩ. Trong thực tế, hàng ngàn hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy thông qua các nhà ngoại cảm và đã làm yên lòng hàng triệu bà mẹ, người vợ, người con và thân nhân liệt sĩ khi không còn ray rức trước những nấm “mộ gió” (mộ không có hài cốt) của người thân đã hy sinh. Hài cốt các liệt sĩ đã được các nhà ngoại cảm truy tìm nằm yên trong lòng đất. Trong thực tế, có không ít trường hợp nhà ngoại cảm đã tìm thấy hài cốt, di vật liệt sĩ mà sự thật không cần phải giám định.
Tôi đi tìm di ảnh ba tôiNăm 1970, Mỹ mở chiến dịch "Sóng tình thương" trên địa bàn tỉnh Cà Mau với chiến thuật được mệnh danh "tát nước bắt cá". Hàng đàn tàu chiến cao tốc từ hạm đội nổi Năm Căn ngày đêm càn quét, lùng sục mọi con sông, kênh rạch có trên rừng ngập mặn mũi Cà Mau. Mỗi chiếc tàu chiến được trang bị súng cối 60ly, 80ly, súng cối cá nhân M79, đại liên 30 và 12,7 ly bắn xối xả vào hai bên rừng ven những dòng sông mà tàu chiến lướt qua. Sau đó là những tràng pháo bầy, pháo chụp từ hạm đội 7 ngoài khơi bắn vào. Nếu bạn đã xem bộ phim phóng sự chiến trường Đánh tàu trên sông Tam Giang bạn sẽ nhận ra sự khốc liệt của những năm tháng đó.
Di vật liệt sĩ được tìm thấy thông qua nhà ngoại cảm.
Trong năm 1970 khốc liệt đó, ba tôi từ Cà Mau nam (nay là khu vực các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình) xuống Duyên Hải (huyện Năm Căn, Ngọc Hiển ngày nay) để nghiên cứu chống phá chiến dịch "Sóng tình thương" của Mỹ. Và, ông hy sinh tại rừng Bù Mắt. Ba tôi mất không để lại một bức ảnh, điều đó đã làm má tôi ray rứt. Trên bàn thờ ba tôi, má tôi đành dựng một tấm bìa có viết tên của ba tôi trong vòng tròn thay cho di ảnh.
Sau ngày giải phóng 1975, mong muốn tìm di ảnh của ba tôi trong lòng má tôi càng cháy bỏng. Má tôi đã cất công tìm gặp hầu hết những đồng đội của ba tôi với hy vọng có ai đó còn giữ một bức ảnh của ba tôi, nhưng đã vô vọng. Có lần má tôi kêu tôi lại nói với giọng tuyệt vọng mà bà không còn có thể kềm nén được nữa: “Con đi đó đi đây, hỏi xem hồi ba con còn sống có người nào “để ý” ba con không? Biết đâu “người ta” còn giữ một tấm hình nào đó của ba con!”. Má tôi nói xong rồi khóc. Tôi biết má tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả, ngay cả đó là những điều đau đớn miễn sao có được di ảnh của ba tôi. Năm ba tôi hy sinh, má tôi vừa tròn 31 tuổi, một độ tuổi xuân thì nhưng má tôi vẫn ở vậy nuôi bốn anh em chúng tôi và người cha chồng già yếu. Chúng tôi thương, hiểu má nhưng đành bất lực.
Một lần chú Tám Tính, tham mưu trưởng Tỉnh đội Cà Mau, trước đây là giao liên của ba tôi, chú nói: “Anh Ba có một chiếc thùng sắt đựng tài liệu, chắc là trong đó có ảnh của anh Ba. Khi xuống Duyên Hải, anh Ba không đem theo chiếc thùng sắt này, chắc là anh Ba chôn ở đâu đó trên vùng Cà Mau nam”. Tôi biết đó là “manh mối” cuối cùng. Nhưng Cà Mau nam là cả một vùng rừng tràm, rừng đước, sông nối sông, đồng nối đồng mênh mông biết tìm đâu chiếc thùng sắt ba tôi chôn giấu trên đường hành quân?
Qua một người quen tôi có được số điện thoại của ông Nguyễn Văn Nhã ở TP.HCM. Sau một thời gian hẹn, ông Nhã trao cho tôi một bản "sơ đồ" vẽ bằng bút với hai màu mực xanh, đỏ. Mốc xác định là từ Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Thị trấn Cái Nước (được xây dựng sau năm 1975) đi theo một con sông về phía tây vào kênh Hàng Còng đến ngã ba Mộc Hồ thuộc ấp Láng Tượng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, hỏi nhà Bảy Kệ, sau nhà Bảy Kệ có cái đìa lạng, trên bờ đìa có bụi tre, phía mặt trời mọc cạnh bụi tre có một bụi lức. Thùng sắt ba tôi chôn dưới bụi lức. Ông Nhã bảo, đó là theo chỉ dẫn của ba tôi!
Tôi về Cái Nước, quê hương tôi sinh ra và lớn lên. Tôi có một thời gian dài hoạt động trên địa bàn huyện Cái Nước, trở về Cái Nước như trở về nhà. Tôi gặp anh Tư Nhật, lúc đó là Phó chủ tịch UBND huyện và là học trò cũ của ba tôi (trước khi nhập ngũ năm 1960, ba tôi là thầy giáo) kể lại câu chuyện tìm di ảnh ba tôi. Anh Tư Nhật nói ngay: “Để anh lo. Nhưng tối rồi, sáng mai mình đi sớm”.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến ngã ba Mộc Hồ. Nhưng hỏi mãi không ai biết nhà ông Bảy Kệ. Thì ra, ông Bảy Kệ theo kháng chiến từ nhỏ và mới nghỉ hưu trở về một tháng trước đó nên ít người biết. Và tôi đã đã tìm thấy chiếc thùng sắt (Mỹ dùng để đựng đạn đại liên) trong đó có di vật của ba tôi.
Trong thùng sắt ngoài ảnh của ba tôi và một vài đồng đội còn có một "công trình" nghiên cứu mà trong một bản báo công còn lưu lại trong đó ghi: "Cải tiến quyển Logarit của Liên xô từ tính toán phức tạp đòi hỏi có trình độ văn hóa cao trở thành tính toán đơn giản… phù hợp với trình độ pháo binh tỉnh nhà; nhưng mức độ chính xác không có gì mâu thuẫn với tài liệu logarit”. Trong các di vật còn quyển ghi chép các phương án đánh vào các cứ điểm trọng yếu của tỉnh lỵ Cà Mau bằng pháo.
Tìm được di ảnh của ba tôi, má tôi như trẻ lại. Bà đã lộng bức ảnh ba tôi làm mặt dây chuyền và gần 20 năm rồi không lúc nào rời khỏi người má tôi.
Câu chuyện của người đồng nghiệpĐó là trường hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng (tức nhà báo Hai Miền) cha ruột của nhà báo Huỳnh Hải. Ông hy sinh trong chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân, Xuân 1968.
Di vật của liệt sĩ Đặng Minh Thông (thân sinh nhà báo Đặng Huỳnh Lộc) được tìm thấy thông qua nhà ngoại cảm. Trong ảnh: Bút tích của liệt sĩ Đặng Minh Thông (Ba Phượng) trong tài liệu được xem là công trình nghiên cứu cải tiến hàm số logarit áp dụng cho pháo binh miền Tây Nam bộ trong những năm chiến tranh chống Mỹ.
Trong Tổng tấn công Mậu Thân đợt 2, chú Hai Miền (lúc đó là Phó Ban tuyên huấn tỉnh Cà Mau – Ban tuyên giáo tỉnh ủy ngày nay) dẫn mũi tấn công phía bắc Cà Mau. “Sau khi được lệnh sang sông ở đoạn Nhà Thờ phường 6, Cà Mau, tôi bị thương và chỉ kịp nhìn thấy Hai Miền chạy lên một con hẻm ăn thông ra lộ mà ngoài đầu hẻm lúc bấy giờ đã loáng thoáng bóng bọn lính rằn ri”... Cô Sáu Trong, người gặp chú Hai Miền lần cuối cùng kể lại. Đó là tất cả những thông tin có được về chú Hai Miền trước khi mất tích.
Suốt ba mươi năm vò võ mong ngóng tin hài cốt của chồng trong vô vọng, năm 1998 thím Hai Miền hẹn gặp ông Nguyễn Văn Nhã qua điện thoại và ông trao cho thím tấm “sơ đồ” chỉ đường tìm hài cốt chú Hai Miền. Đối với thím Hai, đó là một báu vật. Ngày nay, trên bàn thờ chú Hai Miền tờ bản đồ đó đang nằm cạnh di ảnh như một vật thiêng.
Sáng sớm hôm đó, khi vừa từ TP.HCM về đến Cà Mau, thím chạy ngay đến tìm gặp nhà báo Nguyễn Hải Tùng (Út Nghệ), nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, người đồng đội thân thiết với chú Hai Miền trong những năm đánh Mỹ. Vừa nhìn thấy tấm “sơ đồ”, ông lập tức huy động những đồng đội cũ và chỉ sau hai tiếng đồng hồ đã lên đường bắt đầu cuộc tìm kiếm. Ngoài gia đình, đoàn tham gia tìm kiếm có các nhà báo Đỗ Văn Nghiệp (Hội Nhà báo VN), Nguyễn Hiệp (Báo Cựu chiến binh VN), Trung Thực (Đài phát thanh truyền hình Cà Mau), Hồng Điệp (Báo Thanh niên) và những người từng gắn bó với chú Hai Miền trong những năm đánh Mỹ.
Theo sơ đồ chỉ dẫn, đoàn tìm đến nhà ông Ba Cao thuộc địa phận ấp 5, xã Tân Thành, TP.Cà Mau đúng như sơ đồ đã chỉ dẫn. Chú Út Nghệ trình bày mục đích cuộc viếng thăm, ông Ba Cao dù rất nhiệt tình nhưng lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng “tìm thấy” hài cốt theo sơ đồ chỉ dẫn. “Suốt những năm ác liệt nhất tôi làm bí thư xã này nên mọi chuyện về chiến tranh ở đây tôi đều tường tận”, ông Ba Cao nói. Nhưng rồi ông Ba Cao lại bảo: "Nghĩa tử là nghĩa tận, cố gắng tìm kiếm xem sao, biết đâu?"…
Các thành viên trong đoàn chia nhau tìm kiếm khắp khu vườn của ông Ba Cao vẫn không tìm thấy “cái cây trụi lá và những dây leo màu vàng” như trong sơ đồ chỉ dẫn. Đang lúc tuyệt vọng thì ông Ba Cao cho biết ông còn một phần đất nữa cách đây một cây số. Đoàn lại lập tức lên đường.
Đoàn tìm kiếm đến phần đất thứ hai của ông Ba Cao. Nghe tin, một số người dân địa phương cũng tự nguyện tham gia. Gần 50 con người sau gần 30 phút tìm kiếm, nhà báo Đỗ Vĩnh Nghiệp bỗng thét lên: “Có rồi!”. Tiếng thét của nhà báo Vĩnh Nghiệp vang một khoảnh vườn khi nhìn thấy cây tràm bông vàng bị chặt ngang và dây tơ hồng bám quanh! Đó chính là “cây cụt đọt trụi lá có dây leo màu vàng” được ghi trong sơ đồ. Niềm hy vọng tưởng như lịm tắt giờ lại bùng lên.
Duy có điều chưa tìm thấy “khúc cây mục dài 6 tấc” mà theo ghi chú trong sơ đồ thì phía dưới khúc cây ấy là hài cốt liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng. Niềm khắc khoải đã trở thành khát vọng cháy trong lòng thím Hai Miền suốt mấy chục năm qua như chuyền sang cả đoàn tìm kiếm. Nếu như vì bất cứ lý do gì không tìm thấy cái khúc cây định mệnh ấy thì nỗi thất vọng, sự đau đớn sẽ lớn biết chừng nào? Đến giữa trưa, trong sự im lặng và căng thẳng, bỗng thím Út Nghệ (vợ nhà báo Hải Tùng) la lên: “Gặp rồi!”.
Tất cả sững sờ quay lại. Thím Út Nghệ lấy từ trong bụi lức ra một khúc cây dài đã mục mà ai đó đã vứt lại đây đã trở thành bia mộ của chú Hai Miền… Cả Đoàn tìm kiếm lặng im cố kềm xúc động. Suốt gần 50 năm qua, phần đất cập con lung ngập nước này chính là nơi chú Hai Miền yên nghỉ hay sao? Thím Tám Thậm (vợ đại tá Trần Phương Thế - Tám Thậm, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó giám Công an tỉnh Cà Mau) run run cắm nén nhang xuống đất, khấn nguyện: “Hai Miền ơi, nếu đúng thật hài cốt của anh nằm dưới đây thì hãy phù hộ cho vợ con, đồng đội của anh sớm tìm thấy đem về…”.
Qua điện thoại, ông Nhã cho hay đào thêm hai thước nữa sẽ gặp hài cốt. Những cục đất được thận trọng đưa lên. Trong không khí trang nghiêm, bỗng bàn tay người em thứ tám của chú Hai Miền chạm phải vật cứng trộn lẫn trong đất bùn, ông thận trọng lấy ra từng miếng xương. Mọi người vây quanh. Từ trong hố, chú Tám moi lên tấm vải dù là chiếc khăn choàng cổ của cô Sáu Trong đưa cho chú Hai Miền trước khi vượt sông 54 năm trước. Tất cả sững sờ chết lặng. Rồi cô Ba Oanh, thím Út Nghệ, cô Thuận Phát… và hầu hết những người có mặt bật khóc gần như cùng lúc.
Sau 54 năm phiêu bạt, nhà báo liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng đã trở về Sáng hôm sau, lễ truy điệu nhà báo - liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng được Thành ủy Cà Mau cùng Hội Nhà báo tổ chức với những nghi thức trang trọng nhất. "Nhà báo Nguyễn Hải Tùng, một người đồng đội thân thiết, cùng chia ngọt sẻ bùi với ba tôi trong suốt những tháng năm đánh Mỹ cứ sụt sùi với bài điếu văn khóc bạn" - nhà báo Huỳnh Hải nói.
Các đồng chí thân yêu của chú Hai Miền ở Ban tuyên huấn khu Tây Nam bộ, Ban tuyên huấn tỉnh Cà Mau, Báo Sài Gòn Giải phóng, Thông Tấn Xã VN… về dự và không ai cầm được nước mắt".
Lời Toà soạn:
Tác giả bài viết này hiện là luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. HCM; trưởng Văn phòng luật sư Huyền Vũ. Anh có hơn 30 năm làm báo và năm 2010 là một trong 38 nhà báo được bình chọn “những nhà báo tiêu biểu thập niên đầu thế kỷ”. Anh tuyên bố “rửa tay gát bút” hơn một năm nay. Trước những thông tin “nhà ngoại cảm dỏm” và “hài cốt liệt sĩ giả”, anh gửi đến tòa soạn bài viết này và xin được công bố để rộng đường dư luận.
|