Cách đây 11 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961) ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang phải ra tòa với cáo buộc là hung thủ sát hại chị Nguyễn Thị Hoan (cùng thôn).
Từ phiên tòa sơ thẩm ngày 26.3.2004 do TAND tỉnh Bắc Giang xét xử, đến phiên tòa phúc thẩm ngày 27.7.2004 do Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử, ông Nguyễn Thanh Chấn đều kêu oan. Ông đưa ra lý do để khẳng định mình không phải là người đã sát hại nạn nhân Hoan.
Khi được tòa hỏi tại sao ở các bản cung ông đều nhận tội, ông Chấn cho biết, do bị điều tra viên bức cung, mớm cung nên đã phải khai nhận việc sát hại chị Hoan. Khi ra tòa được HĐXX thẩm tra một cách công khai, ông đã kêu oan và mong được soi xét.
Luật sư Nguyễn Đức Biền (người bào chữa theo diện chỉ định cho ông Chấn) cho biết: Trong vụ án của ông Chấn, khi nghiên cứu hồ sơ và tham gia tranh tụng tại phiên toà, ông thấy chứng cứ buộc tội không thuyết phục. Luật sư bào chữa đã chỉ ra những điểm bất thường của vụ án, những chứng cứ lỏng lẻo, thiếu tính thuyết phục để buộc tội. Thế nhưng cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn cho rằng ông Chấn là hung thủ sát hại chị Nguyễn Thị Hoan và tuyên án ông tù chung thân.
Sau 11 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn đã được minh oan, còn Lý Nguyễn Chung ra tòa với cáo buộc là hung thủ giết chị Hoan để cướp tài sản.
Ông Chấn (trái) và Lý Nguyễn Chung có sự khác biệt khi ra tòa
Tại phiên tòa ngày 6 đến ngày 9.3 - bị trả hồ sơ điều tra bổ sung xem Chung phạm tội có đồng phạm không) và phiên tòa ngày 21 đến 23.7, bị cáo Chung đã khai nhận hành vi sát hại chị Hoan. Bị cáo khẳng định một mình phạm tội, lời khai rành mạch, rõ ràng giống như những khai nhận tại cơ quan điều tra.
Khác hẳn với vụ án ông Chấn, tại vụ án của Lý Nguyễn Chung, lời nhận tội của bị cáo còn có sự so sánh với những lời khai của các nhân chứng là ông Lý Văn Chúc (bố Chung), bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế Chung) và chị Lý Thị Nghiến (chị gái Chung). Bà Lành khai nhìn thấy bộ quần áo Chung ngâm trong chậu có màu hồng nghi là máu đã nói cho ông Chúc. Ông Chúc hỏi thì Chung thừa nhận đã sát hại chị Hoan. Khi Chung về quê ở Lạng Sơn trốn gặp chị Lý Thị Nghiến, Chung cũng kể lại cho chị việc đã sát hại chị Hoan.
Nếu như gia đình ông Chấn có niềm tin ông không phạm tội thì người nhà của bị cáo Lý Nguyễn Chung tin rằng Chung đã phạm tội ác. Theo lý giải của các chuyên gia pháp lý, từ dấu hiệu của Chung sau khi phạm tội thể hiện (bộ quần áo có màu máu), rồi đến lời thú nhận Chung thì người thân dù có thương con, em mình cũng không thể nghĩ khác được.
Là người tham gia vụ án từ giai đoạn đầu cho đến khi ra tòa, luật sư Hoàng Minh Hiển (Đoàn luật sư TP. Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Chung) cũng thừa nhận hành vi phạm tội của Chung. Luật sư Hiển chỉ đưa ra những tình tiết để bị cáo Chung được giảm nhẹ hình phạt.
Thời điểm ông Chấn còn trong tù, người nhà ông tin ông không phạm tội nên dù có ở gần nhà nạn nhân thì họ cũng chưa một qua đó lần qua thăm hỏi, xin lỗi và đền bù tổn thất. Với Lý Nguyễn Chung, tại phiên tòa, khi có cơ hội, bị cáo đã có lời xin lỗi với bà Hoàng Thị Hội (mẹ nạn nhân Hoan). Còn ông Lý Văn Chúc, người phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại do hành vi của Chung gây ra cũng thẳng thừng nói: "Pháp luật phán quyết việc đền bù thế nào thì tôi theo thế".