Việt Nam - lớp cha trước, lớp con sau cùng chung khúc quân hành, cùng chiến đấu và hy sinh quyết giữ cho được tên nước, tên làng, tên đảo, tên sông.
Soi vào những tấm gương năm xưa, chúng ta thấy con đường rộng dài, có màu xanh cỏ cây, có bình yên hôm nay – là con đường xưa “cả nước cùng ra trận”, vang bước chân đi “làm mòn đá núi”, có tiếng xe vượt dốc, vượt ghềnh; có tiếng cuốc xẻng leng keng, tiếng bom gầm, đạn rú… Thoảng trong “cõi thiêng” lại hiện lên hình ảnh những thanh niên xung phong nắm tay kết thành hàng tiêu trắng, kiên cường trong bom đạn, hướng đường, chỉ lối cho xe ra chiến trường.
Trong tấm gương ấy, ta thấy những dòng sông đang chảy có bè hoa, ngọn nến rưng rưng... Bè hoa, ngọn nến đang trôi về miền tưởng nhớ - với những máu xương đã đổ xuống đất, xuống biển, đảo quê hương. Về những chàng trai, cô gái đang tuổi thanh xuân, mãi mãi nằm lại như liệt sĩ Lê Văn Huỳnh hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 với dòng nhật ký còn dang dở: “Mẹ ơi, chắc con không thể sống để nhìn thấy mẹ nữa!”.
Trong những bàn tay của người thả hoa trên sông Thạch Hãn, trên biển đảo Trường Sa..., có bàn tay của người nông dân, ngư dân đánh bắt cá biển xa, có cả bàn tay của người lính, người cựu chiến binh đã từng ôm xác đồng đội trong những lần vượt sông, vượt sóng với cái chết cận kề.
Trong tấm gương ấy, ta nghe như thật khẽ tiếng giọt nước mắt của mẹ, của chị rơi ở nơi góc phố, làng quê khi mỗi bữa cơm ăn “ngồi bên nào cũng lệch”. Mẹ gọi tên con, vợ gọi tên chồng, con gọi tên cha... trên những tấm di ảnh, khi lau bụi mờ trên tấm huân chương...; và bóng mẹ, bóng chị đổ liêu xiêu chiều nghĩa trang, lưng như còng hơn bên những hàng bia mộ, trong đó có hàng vạn ngôi mộ vô danh.
Đối diện với quá khứ vinh quang, đau thương và nghiệt ngã, nhưng với dân tộc ta, vẫn mãi là tháng năm cao đẹp nhất về phẩm giá cách mạng, phẩm giá con người, về những mất mát, hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Đối diện với quá khứ là tự soi mình với công việc hàng ngày, trui rèn đạo đức, học và làm theo những tấm gương ái quốc - thương dân; gắng sức lao động, sáng tạo cho chiến thắng “giặc nghèo”, cho Việt Nam cường thịnh, vững bền tự do, độc lập, cho bình yên và hạnh phúc nhân dân.
Đối diện quá khứ để hiểu thêm mình! Quá khứ dẫu có huy hoàng, nhưng cũng vẫn chỉ là món ăn tinh thần, có thể giúp ta thoát khỏi những nhọc nhằn đời thường trong chốc lát chứ không giúp ta thoát khỏi nghèo đói, khỏi gánh nặng nợ nần mãi mãi nếu như không biết dùng quá khứ đó làm điểm tựa, sức bật cho tương lai phát triển.
Hòa bình - Hiện đại – Văn minh trong hiện tại và tương lai mới khiến thiên hạ nể trọng.