Theo ước tính của Bộ NNPTNT, trong năm 2011, diện tích sản xuất muối cả nước đạt 14.854ha và tính đến hết tháng 5, sản lượng muối cả nước đạt khoảng trên 415.000 tấn, trong đó muối cho sản xuất công nghiệp là gần 76.000 tấn.
Diêm dân đã khó khăn vì muối ế, giá thấp thì việc nhập muối sẽ khiến họ càng thêm khốn khó. |
Muối còn tồn rất nhiều
Ông An Văn Khanh- Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: “Do lượng muối tồn dư từ năm 2010 nhiều, nên lượng muối tồn trong diêm dân và doanh nghiệp tại thời điểm này là trên 235.000 tấn, trong đó miền Bắc tồn trên 15.000 tấn, miền Trung trên 42.000 tấn và đồng bằng sông Cửu Long là 177.000 tấn”.
Với số lượng muối còn tồn lớn như trên, nên giá muối trong thời gian gần đây đang duy trì ở mức rất thấp, tại miền Bắc là 800-1.200 đồng/kg, giá muối sản xuất công nghiệp ở miền Trung là 650-800 đồng/kg.
Trong 2 tháng 6 và 7, bà con diêm dân ở miền Bắc và miền Trung đang bước vào cao điểm vụ thu hoạch muối, nên dự báo giá còn có khả năng xuống.
Ông Khanh cho rằng: “Nếu cứ thực hiện một cách cứng nhắc là giao phân đợt 2 với 50.000 tấn muối theo hạn ngạch thuế quan vào thời điểm này chắc chắn sẽ tác động xấu tới giá muối và việc tiêu thụ sản phẩm của diêm dân. Vì thế, trong tình hình hiện nay cần tạm dừng việc nhập khẩu muối để tạo điều kiện cho diêm dân tiêu thụ được muối với giá cả hợp lý, có lãi”.
Chốt con số cung, cầu muối của Bộ NNPTNT cũng cho thấy, trong năm nay nguồn cung muối sẽ vượt cầu. Cụ thể, tổng cung lượng muối trong nước sẽ ở mức 1,462 triệu tấn, trong khi cầu chỉ là 1,35 triệu tấn (dư 112.000 tấn).
Cần một cơ chế bảo vệ diêm dân
Tại “thủ phủ” muối Bạc Liêu, tính đến thời điểm này theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, lượng muối còn tồn trong dân vẫn rất lớn, trên 60.000 tấn, chủ yếu là muối đen phục vụ sản xuất công nghiệp. Giá muối hiện cũng chỉ dao động từ 800 đồng/kg trở lên, trong khi phải bán được từ 1.000-1.200 đồng/kg, diêm dân mới có lãi.
Ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu bức xúc: “Không hiểu Bộ Công Thương căn cứ vào đâu mà có chủ trương cho nhập khẩu thêm 50.000 tấn muối vào thời điểm này, trong khi lượng muối còn tồn trong dân vẫn rất lớn, không thể bán được. Điều quan trọng, một khi cho nhập thêm muối về sẽ ngay lập tức tác động đến giá muối trong nước, lúc đó giá muối sẽ lại tụt xuống, như thế là làm hại diêm dân”.
Cũng theo ông Lân: “Bộ Công Thương phải trả lời được câu hỏi, tại sao muối còn tồn trong dân mà không mua, lại đi nhập khẩu, mà đã nhập khẩu thì phải công khai vì sao nhập, nhập với giá bao nhiêu, có rẻ hơn ở trong nước hay không? Về lâu dài, cần hình thành cơ chế hỗ trợ và bảo vệ sản xuất muối trong nước cho bà con diêm dân bằng việc xây dựng hàng rào thuế quan đối với muối nhập khẩu để có sự cạnh tranh công bằng với muối sản xuất trong nước”.
Theo Bộ NNPTNT, hiện các doanh nghiệp trong nước cũng đã có thể chủ động sản xuất được 100.000 tấn muối công nghiệp trong năm 2011. Theo ông Lê Tấn Bán- nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Muối Việt Nam, muối trong nước hoàn toàn có thể thay thế được muối ngoại, còn lý do một số doanh nghiệp muốn nhập khẩu muối, có thể là họ vì lợi ích thương mại của chính mình.
Lê Hân