Hình như năm nào những tranh cãi về việc nhập muối cũng diễn ra. Nào là nhập những loại muối “trong nước chưa sản xuất được”. Nào là nhập muối công nghiệp, muối cho ngành y tế... Nhưng rõ ràng câu chuyện phải nhập muối đối với một quốc gia có tới 3.000km bờ biển và số giờ nắng lên tới 3.000 giờ mỗi năm, là một sự phi lý.
Muối tinh, hay muối công nghiệp đâu phải là thứ công nghệ “chế tạo tàu vũ trụ” mà “không thể sản xuất”. Và muối, vốn mặn, vốn chát (có người nói trong đó có vị đắng chát của mồ hôi và nước mắt diêm dân) không phải là thứ có thể ăn thay cơm, đốt thay xăng để có thể tăng đột biến mỗi năm. Thế mà năm nào cũng có quota, năm nào cũng xảy chuyện mang ngoại tệ đi nhập những hạt muối mà chỉ cần “vốc nước lên là đã có”.
Tháng 6.2010, trên diễn đàn Quốc hội, trước sự theo dõi của cử tri, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm: “Nhập muối hạn ngạch tác động tới giá muối trong nước, chúng tôi có trách nhiệm trong việc này, chúng tôi nhận trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội”.
Ấy là khi những cánh đồng muối trong nước vừa trải qua một cơn “bạo bệnh” khi giá muối trong nước rớt xuống đáy sâu của sự rẻ mạt: 300 đồng/kg. Đó là khi diêm dân dẹp bỏ đồng muối để làm bất cứ gì khác, miễn không phải là muối, khi mà giá bán thấp hơn quá nhiều so với giá thành. Đó là khi lưng áo diêm dân bạc trắng hơn cả muối.
Nhận trách nhiệm rồi để làm gì? 5 tháng sau đó, hạn ngạch nhập muối năm 2011 tiếp tục được đưa ra với con số 120.000 tấn muối, bất biết diêm dân sống chết ra sao, bất kể trong nước còn tồn bao nhiêu và bất biết Chính phủ vừa phải dốc túi mua 200.000 tấn tạm trữ để cứu diêm dân.
Nhu cầu muối, cho cả sản xuất và đời sống ở Việt Nam là tương đối ổn định với trên dưới 1 triệu tấn mỗi năm nhưng không năm nào Việt Nam không phải nhập muối. Năm 2007, lượng muối nhập là 140.000 tấn. Năm 2008 là 380.000 tấn. Năm 2009, lượng muối nhập lên tới 580.000 tấn.
Năm 2010, trong chính cái năm ghi nhận kỷ lục về sự rẻ mạt đó, cũng đã có 140.000 tấn, trong hạn ngạch 260.000 tấn được nhập về và trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp tàn phá hơn 14.400 ha cánh đồng muối, chà đạp đời sống của 250.000 diêm dân tại 120 xã ven biển.
Có phải đây chính là điều tệ hại nhất với những cánh đồng muối, với diêm dân?
Anh Đào