Dân Việt

Nhạc sống xập xình khuấy đảo xóm làng

HÙNG PHIÊN 28/07/2015 08:20 GMT+7
Mươi năm trở lại đây ở Nam Trung Bộ, phong trào hát nhạc sống tại gia phát triển rầm rộ. Đặc biệt là tại các vùng nông thôn, ngõ xóm nào cũng vang tiếng xập xình, bất kể giờ giấc. Phong trào lên cao đến nỗi hàng xóm và cả chính quyền đều phải... ra tay.

Mất mạng vì âm nhạc

Anh Trần Công Pháp (ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) được tiếng là “thường vụ” văn nghệ ở xã nhà. Hiện anh là tay guitar của 1 trong 3 nhóm nhạc sống tại địa phương. Nhóm nhạc của anh có 3 người, gồm một chơi organ, một guitar và một phụ trách vi tính chạy chữ bài hát trên màn hình (để “ca sĩ” không thuộc lời thì… đọc).

Các anh đã đầu tư trên 100 triệu đồng để mua nhạc cụ cùng tăng âm, 2 loa thùng lớn và chiếc rơ-moóc kéo dàn nhạc phục vụ lưu động.

img

Một bữa tiệc có hát nhạc sống ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa (Phú Yên).  Ảnh minh họa: HÙNG PHIÊN 

“Ai réo điện thoại đặt lịch hát thì mình có mặt ngay. Nhóm tôi có màn hình vi tính nên giá 150.000 đồng/giờ, mấy nhóm khác thì 120.000 đồng/giờ. Cách đây khoảng mười năm, hát nhạc tại gia chỉ có trong đám cưới và karaoke gia đình. Bây giờ thì nhạc sống là cách giải trí “đỉnh cao” ở các vùng nông thôn. Bà con mê lắm, giỗ chạp, tiệc tùng lớn nhỏ đều kêu nhạc sống… Nhóm mình cũng đã bị địa phương nhắc nhở vì phục vụ quá khuya, âm thanh quá to. Kẹt nỗi, nhạc sống thường là “nhậu ca” nên khi  bốc lên rồi thì thật… khó đỡ” - anh Pháp nói.

Ở kề nhà anh Pháp là bà Trương Thị Lam (50 tuổi), chuyên làm ruộng, nuôi heo, cũng có giọng ca “tương đối”. Bà Lam nói: “Giờ mà không hát hò thì xóm làng buồn lắm. Thế nhưng từ mấy đám nhạc sống cũng sinh lắm chuyện bi hài. Say xỉn, giành nhau ca, cự cãi là chuyện thường ngày. Có cuộc hát quá khuya, quá ồn ào làm mọi người không ngủ được, tụi nhỏ không thể học bài. Dân quê thích văn nghệ nên cũng thông cảm cho qua, nhưng đã có đám nhạc sống... đổ máu”.

Bà Lam nhắc tới cái chết của ông N.V.Đ (41 tuổi) ở xã bên cạnh, mới đầu tháng này. Số là nhà ông Đ tổ chức hát nhạc sống từ trưa đến chiều tối, bà hàng xóm N.T.V sang nhắc nhở; ông Đ đang phê tê mê trong bia và nhạc đã cự lại. Thế là bà V kêu chồng, con sang “trợ lực” ra tay đùng đùng. Hậu quả, ông Đ bị đánh và trúng một nhát đâm gây tử vong tại chỗ; cả gia đình bà V đã bị cơ quan chức năng bắt tạm giam, chờ ngày ra tòa, đi tù...

Chính quyền điều chỉnh “volume”

Trước “vấn nạn” nhạc sống, từ nhiều năm qua, các cơ quan hữu trách tại nhiều tỉnh Nam Trung Bộ đã ra “sắc lệnh” quản lý, nhắc nhở, xử phạt. Riêng UBND huyện Đông Hòa (Phú Yên), đầu năm 2013 đã có văn bản quy định “cá nhân khi tổ chức hát nhạc sống phải có lý do chính đáng. Trước khi tổ chức hát nhạc sống, các ban nhóm, gia đình và cá nhân phải có đơn xin phép và được sự chấp thuận của UBND xã”. Thế nhưng hàng loạt quy định về quản nhạc sống đã không thể đi vào thực tế, mọi sự vẫn đâu vào đó.

Ngày 20.7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - ông Phạm Đình Cự ký chỉ thị tăng cường quản lý hoạt động hát nhạc sống. Chỉ thị nêu: “Khi tổ chức hát không được để âm thanh phát ra vượt quá mức ồn tối đa cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn”; “Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 - 6 giờ sáng ngày hôm sau phạt từ 100.000 - 300.000 đồng”; “Không xét công nhận các danh hiệu thôn, buôn, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa đối với các địa phương, gia đình để xảy ra vi phạm trong hát nhạc sống, gây bức xúc trong nhân dân”; “Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương những tổ chức, gia đình, cá nhân vi phạm và kết quả xử lý vi phạm”...

Bản thân người ký chỉ thị trên nhìn nhận, việc hát nhạc sống là nhu cầu giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần chính đáng của người dân. Chỉ thị này bước đầu đưa ra những khung quy định thống nhất quản lý, rồi tiếp đến các cơ sở tiếp tục đưa ra những biện pháp cụ thể hơn. Còn nhiều bước tuyên truyền để đưa chỉ thị vào thực tế, nhằm chấn chỉnh các vi phạm, đưa việc hát nhạc sống đi vào nền nếp…

Ông Bùi Văn Thành - Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của UBND huyện Tuy An thừa nhận, việc triển khai chỉ thị trên đang gặp nhiều bối rối: “Rất khó trang bị thiết bị đo tiếng ồn đến tất cả các cơ sở. Nếu đi đo thì phải có nhân chứng hẳn hoi, chứ không thì họ tắt máy là khó có cơ sở xử lý. Việc đưa tên tuổi người vi phạm về hát nhạc sống lên báo đài, cũng phải hết sức cân nhắc”. 

Trong khi đó, ông Đoàn Ngọc Vinh - Chủ tịch UBND xã An Mỹ (Tuy An) cho biết: “Chúng tôi sẽ mời các ban phục vụ nhạc sống đến thông báo nội dung chỉ thị trên. Tiếp đó là phối hợp các đoàn thể để tuyên truyền, nhắc nhở người dân không hát nhạc sống quá khuya, quá ồn ào. Trước mắt, chúng tôi thông báo đến người dân quy định không hát nhạc sống quá 9 giờ đêm”. 

  Ông Võ Văn Hạnh – Chi hội trưởng Nông dân thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến, TP.Tuy Hòa, Phú Yên, chia sẻ: “Thực sự, bà con nông dân hát nhạc sống để nguôi bớt cái khổ nhọc. Vui buồn hay chẳng việc gì... cũng nhạc sống. Nhiều người thực sự ghiền cái thanh âm khuếch đại của ca hát, vài ngày mà không nhạc sống thì cảm thấy bứt rứt. Hát thì để vui vẻ, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, chứ không nên “hét” nhau rồi sinh ra hệ lụy. Người có uy tín, các đoàn thể địa phương phải thường xuyên nhắc nhở để bớt chuyện hát hò thái quá, thâu đêm suốt sáng, ảnh hưởng xóm làng”. 

Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Khánh Hòa, trong Điều 72 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính thì đối tượng hát nhạc sống không thuộc trường hợp công bố trên phương tiện truyền thông đại chúng. Việc chấn chỉnh tình trạng hát nhạc sống thái quá là cần thiết nhưng cần cẩn trọng với quy định thông báo danh tính cá nhân, tổ chức vi phạm lên báo đài.