Hiểu nỗi khổ của người đói
Tháng lễ Ramadan còn được gọi là “Tháng nhịn ăn”, là một trong những tháng lễ thiêng liêng của cộng đồng người Chăm An Giang, diễn ra từ ngày 1.9 đến 30.9 hàng năm (lịch Hồi giáo). Năm nay, ngày tổ chức đón tháng lễ Ramadan ở 9 xóm Chăm của tỉnh An Giang không đồng loạt nhưng nhìn chung bắt đầu từ hạ tuần tháng 6 (và kết thúc vào hạ tuần tháng 7).
Lễ trao quà hỗ trợ đồng bào Chăm ở nghèo ở ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, trong tháng Ramadan 2015. (Ảnh: TRỌNG BÌNH)
Trong tháng lễ này, dù ở gần hay đi làm ăn xa, ai ai cũng quy tụ về nhà để nhập lễ. Anh Danh Du Số ở ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu giới thiệu: Đón mừng Ramadan là dịp đồng bào Chăm An Giang thực hiện theo đức tin Islam; thể hiện tình thương yêu đồng cảm với người nghèo khó.
Trong suốt tháng lễ này, từ rạng đông đến chạng vạng tối, mỗi người phải tuyệt đối nhịn ăn, nhịn uống, không được sát sinh hại vật và nhất là không gây gổ, cãi vã làm mất đoàn kết với bất cứ ai. “Có cảm giác chịu đựng đói khát thì mình mới hiểu được nỗi khổ của người bị đói thiếu” – anh Danh Du Số chia sẻ. Ông Haji Jacky - Phó Trưởng ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Chăm tỉnh An Giang cho biết: “Tháng Ramadan là tháng yêu thương, các tín đồ Islam từ 15 tuổi trở lên đều nhịn ăn, nhịn uống ban ngày để tu tâm dưỡng tính; để đo lường và thẩm định sự đói khát của mình, cùng nhau giúp đối với người còn nghèo khổ”.
Chia sẻ lợi nhuận
" Sự hỗ trợ theo hình thức bắt buộc luôn thuận lợi, ổn định và được thực hiện rất nghiêm túc; có vẻ như bắt buộc nhưng cũng là tự nguyện vì người ta thực hiện theo đức tin, tự mình tin tưởng mà làm”. |
Ngay sau khi kết thúc tháng lễ Ramadan, các xóm Chăm bước vào những ngày lễ Roya để kết thúc tháng nhịn ăn. Anh Mách Sa Lế - Trưởng ấp Phủm Soài, xã Châu Phong phấn khởi cho biết: “Chính nhờ thấu hiểu sự đói khát mà tự thân mỗi người phấn đấu hơn trong lao động sản xuất”.
Trong một tháng quy tụ đông đủ cũng là điều kiện tốt cho mọi người ngồi lại với nhau, cùng nhau bàn bạc về những hoàn cảnh cần giúp đỡ… Hình thức giúp đỡ chính yếu thường là tiền và gạo. Tuy về hình thức thì hoạt động này mang tính chất từ thiện xã hội tự nguyện nhưng cũng có yếu tố bắt buộc được quy định trong giáo lý, giáo luật của đạo Islam. Cho nên, từ thiện xã hội trong tháng Ramadan phân 2 loại: Bắt buộc và tự nguyện. “Phần bắt buộc chỉ thực hiện đối với những người giàu có (kể cả ở nước ngoài) và thường là họ sẽ trích khoảng 2,5% lợi nhuận mà họ thu được hàng năm cho hoạt động này” – ông Jacky cho biết thêm.
Theo Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Chăm An Giang, mùa Ramadan năm nay, 12 thánh đường trong các xóm Chăm An Giang đã huy động được gần 800 triệu đồng và hàng chục tấn gạo để giúp đỡ cho 367 hộ nghèo khó trong cộng đồng.