Giá giống hành tím lên cao
Ông Huỳnh Bạc Thiện - Bí thư khóm Cà Sang, phường 2, thị xã Vĩnh Châu, vừa là cán bộ địa phương vừa là một nông dân có kinh nghiệm trồng hành nhiều năm, cho biết: “Đến thời điểm này giá hành giống ở mức 30.000 đồng/kg. Đến vụ trồng rộ thì giá có thể đẩy lên khoảng 50.000-60.000 đồng/kg”.
Tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu cần các biện pháp thiết thực chứ không thể chỉ nhờ vào giải cứu nhân đạo. (Trong hình: Công nhân viên chức ở Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng mua hành tím ủng hộ nông dân Vĩnh Châu). Ảnh: CHÚC LY
Trao đổi với chúng tôi, ông Thiện giải thích: “Nguyên nhân giá hành giống tăng là do vụ rồi giá hành xuống quá thấp, rồi sau đó được các cơ quan, doanh nghiệp giúp đỡ mua hành cho nông dân, dẫn đến giá hành thương phẩm được đẩy lên khá cao. Chính vì vậy nhiều nông dân vẫn muốn tiếp tục giữ diện tích trồng hành”.
Còn ông Huỳnh Bạc Lợi ở cùng khóm Cà Sang bộc bạch: “Mấy chục năm nay dân ở đây đã quen với trồng hành tím, nguồn sống duy nhất cũng nhờ hành tím. Thói quen canh tác bấy lâu nay không dễ bỏ được. Hơn nữa, dù sao thì đất đai ở đây vẫn hợp nhất là trồng hành tím, vì vậy tôi vẫn tiếp tục chuẩn bị khoảng 500kg hành giống để làm gần 6 công hành”.
Trước tình hình giá hành đang có chiều hướng tăng nhiều người có vốn đang đổ xô đi mua hành để trữ rồi bán ra, còn những hộ ít vốn thì cũng tranh thủ mua hành để chuẩn bị giống cho vụ hành tới, vì nếu để đến lúc xuống giống mới mua thì sợ không có đủ tiền.
Nên tập trung thị trường nội
Thị xã Vĩnh Châu từ lâu nổi tiếng là thủ phủ hành tím, với diện tích từ 5.000-7.000ha/năm, tổng sản lượng đạt khoảng 130.000 tấn. Thị trường xuất khẩu hành tím chủ yếu là Indonesia. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, Indonesia bất ngờ ngừng nhập khẩu vì họ vừa trồng thành công giống hành này. Vì thế, tháng 4 vừa rồi, 50.000 tấn hành tím ở Vĩnh Châu bị tắc đầu ra, có thời điểm giá chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg.
Trao đổi về giải pháp tiêu thụ lâu dài cho vùng hành tím Vĩnh Châu, ông Ngô Minh Trạng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Bây giờ chúng ta nên tập trung cho thị trường tiêu thụ nội địa, chứ xuất khẩu thì không thể xuất nữa. Thị trường nước ngoài thì xem như đã hết cửa vì họ không có nhu cầu, chỉ có một số nước châu Á có tiêu thụ hành của mình nhưng hiện giờ họ cũng đã tự trồng được”.
Sau lần rớt giá thảm hại hồi tháng 4.2015 và được một số “hiệp sĩ” giải cứu giúp tiêu thụ, tên gọi “hành tím Vĩnh Châu” đã được cả nước biết đến nên việc tổ chức tiếp thị, tiêu thụ trong tương lai có thể khả quan hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn trong cách tổ chức phân phối sản phẩm: “Cách tiếp cận của các doanh nghiệp kinh doanh hành tím ở Vĩnh Châu vẫn còn yếu, vì siêu thị muốn giá cố định mà mình lại đòi giá cao, nhưng tôi nghĩ sắp tới sẽ có điều chỉnh - ông Huỳnh Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng nhận định.
Theo ông Vân, cho dù các doanh nghiệp tiêu thụ tại chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh có ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ, tuy nhiên họ cũng yêu cầu lượng hành phải cung cấp đều. Vì vậy, để đáp ứng thì phải có giải pháp trữ hành và ghép người trồng vào vùng trồng với tiêu chuẩn GAP để giữ chất lượng...
Cần có kết nối siêu thị, doanh nghiệp Giải pháp cần phải thực hiện trước mắt là khuyến cáo người dân không tăng diện tích và tiến hành trồng rải vụ. Một mặt tiến hành xúc tiến thương mại ở nhiều nơi, kết nối giữa các siêu thị và các doanh nghiệp tiêu thụ hành tại Vĩnh Châu. Giải pháp tiêu thụ tốt nhất hiện nay là phải chú trọng đến việc trồng rải vụ và phải có kho trữ hàng”. Ông Huỳnh Ngọc Vân –Phó Giám đốc Sở NNPTNTtỉnh Sóc Trăng.Không nên tăng diện tích trồng hành Địa phương đã khuyến cáo người dân không tăng diện tích, đồng thời thực hiện tái cơ cấu, có giải pháp để trồng hành có chất lượng, trữ được lâu. Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng thu hoạch đồng loạt, để lượng hành không ứ đọng gây khó khăn cho tiêu thụ”. Ông Trần Hoàng Thắng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu |