Mặc dù dòng phim giải trí đang chiếm đa phần sóng truyền hình nhưng phim về đề tài hậu chiến thỉnh thoảng vẫn đang hiện diện trên màn ảnh. VTV1 đang phát sóng phim “Hận thù hóa giải” (đạo diễn: Lê Minh, hãng phim Saigon Media sản xuất) vào lúc 20 giờ 40 phút thứ hai và thứ ba hằng tuần. Kịch bản phim được chuyển thể từ truyện ngắn “Hai người lính” của nhà văn Xuân Đức, kể về mối hận thù 30 năm sau ngày chiến tranh kết thúc của 2 người lính ở hai bên chiến tuyến dù có lúc họ từng là đồng chí, đồng đội, anh em kết nghĩa trên chiến trường.
Biết khó vẫn làm
Tham gia diễn xuất trong “Hận thù hóa giải” là lực lượng diễn viên của 2 thế hệ, như: Thương Tín, Mỹ Duyên, Tấn Hoàng, Dương Cẩm Luynh, Đoàn Thành Tài, Hùng Thuận... Họ cùng với ê-kíp làm phim đã dốc toàn lực trên trường quay để có những thước phim hay nhất, chân thực nhất. Đạo diễn Lê Minh cho biết lần đầu tiên mạo hiểm thử sức với đề tài hậu chiến khiến anh trăn trở.
Cảnh trong phim “Biệt thự Pensée”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
“Chúng ta chưa có phim trường đáp ứng được những cảnh quay trong rừng núi, đại cảnh bom đạn hiểm nguy nên cả đoàn phải dấn thân đi quay rất vất vả. Hơn nữa, đây là phim do tư nhân sản xuất nên chúng tôi hầu như không được bất cứ sự hỗ trợ nào, đoàn phải tư lực mọi thứ” - đạo diễn Lê Minh nói. Song, những khó khăn vất vả đó cũng không bằng áp lực ở cách thể hiện câu chuyện nhiều thông điệp. Theo đạo diễn Lê Minh, kịch bản trên giấy chỉ một phần, bản thân anh chưa từng có kinh nghiệm làm phim hậu chiến nên ban đầu rất lúng túng. “Tôi buộc phải bay ra Hà Nội gặp đạo diễn Bùi Huy Thuần, người thuộc thế hệ cha chú, rất thành công trong đề tài này, để học hỏi kinh nghiệm, từ những trường đoạn kể về tình cảm của 2 người lính khác chiến tuyến trên chiến trường cho đến hóa trang, trang phục của diễn viên” - đạo diễn Lê Minh cho biết.
Bắt đầu từ ngày 3-8, vào lúc 22 giờ, trên kênh HTV9 cũng sẽ phát sóng bộ phim về đề tài hậu chiến là “Biệt thự Pensée” (đạo diễn: Châu Thổ, Minh Trương; Sennafilm sản xuất). Phim lấy ý tưởng từ truyện ngắn “Kẻ sát nhân lương thiện” của nhà văn Lại Văn Long, tái hiện một phần những thăng trầm của đất nước trải suốt chiều dài lịch sử 40 năm sau ngày giải phóng (cụ thể là cuộc sống, mâu thuẫn, hận thù của 2 gia đình, 2 thế hệ trong ngôi biệt thự).
Ngoài một số diễn viên kỳ cựu như Đức Hải, Trọng Hải, Ôn Bích Hằng…, các gương mặt còn lại chủ yếu là trẻ như Mã Hiểu Đông, Dương Mỹ Dung, Thảo Trang… Để bảo đảm chất lượng phim, các diễn viên phải cam kết không chạy sô suốt hơn 2 tháng quay liên tục tại Đà Lạt. Theo biên kịch Châu Thổ, kịch bản này được chị ấp ủ 12 năm, từ lúc thuyết phục Hãng phim Giải Phóng (nơi chị công tác) để mua bản quyền làm phim điện ảnh. “Khi bắt tay vào viết kịch bản, tôi rất lo lắng và trăn trở. Thứ nhất là đề tài nhạy cảm, đã từng một lần bị hội đồng duyệt phim loại. Thứ hai là kinh phí hãng phim không nhiều, với thời lượng 30 tập, liệu có làm nổi không?”. Nhưng Châu Thổ cho rằng cần phải có những bộ phim mang tầm vóc, thể hiện sâu sắc đề tài hậu chiến chứ không thể cứ làm phim giải trí, tình yêu hoài được.
30 tập của “Bến không chồng” với phần kịch bản được đạo diễn Lưu Trọng Ninh chấp bút dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng dự kiến sẽ lên sóng VTV vào cuối năm nay. Được đánh giá là “một bi kịch của thời hậu chiến”, “Bến không chồng” từng là phim điện ảnh để đời của điện ảnh Việt nói chung và đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói riêng cách đây 15 năm. Tháng 4 vừa rồi, HTV9 cũng vừa lên sóng phim “Không có gì và không một ai” (đạo diễn: Trần Mỹ Hà, TFS sản xuất, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Đông Thức) kể về câu chuyện “thời hậu chiến” của những con người có tuổi thanh xuân đúng vào năm nước nhà thống nhất cho tới hôm nay. Tuy số lượng phim đề tài này rất ít ỏi nhưng các phim vẫn có cách kể chuyện về chân dung, số phận con người sau kháng chiến cảm động, khơi gợi nhiều cảm xúc.
Có gì làm nấy
Thiếu tính chân thực, quy mô, hoành tráng là những điểm yếu kém tồn tại lâu nay trong các phim chiến tranh cách mạng, hậu chiến của điện ảnh Việt Nam. Một nhà văn đã bày tỏ lo ngại sẽ mất đi “hồn vía” các nhân vật khi tác phẩm của anh được chuyển thể thành phim. Đạo diễn Lê Minh ngay cả khi đọc kịch bản phim cũng không tránh khỏi lo lắng bởi không hình dung ra mình sẽ thể hiện như thế nào, nhất là giai đoạn chiến tranh. “Những người trẻ chưa biết chiến tranh là gì nên rất khó thể hiện sao cho chân thực. Đó cũng là lý do các phim hậu chiến thừa chất nhân văn mà thiếu sự tinh tế” - đạo diễn Xuân Cường nhìn nhận.
Bày tỏ những khó khăn, vất vả với các cảnh quay trên phim “Hận thù hóa giải”, đạo diễn Lê Minh cũng nói rằng có những thước phim chưa thực sự hoàn hảo như ý muốn ban đầu. “Một phần vì kinh phí hạn hẹp, một phần vì áp lực lịch phát sóng nên chúng tôi không có thời gian làm hậu kỳ. Nếu không, những cảnh chiến tranh sẽ quy mô, hoành tránh hơn do được kỹ xảo hỗ trợ nhiều hơn chứ không đơn giản như vậy” - anh cho biết. Hơn nữa, phục trang, đạo cụ cũng góp phần tạo nên tính chân thực của phim lịch sử chiến tranh nhưng lực lượng này hiện nay quá nghiệp dư.
“Trong điều kiện kinh phí thấp, chúng tôi không thể làm nhiều hơn ngoài khả năng cho phép. Vì thế, mọi thứ chỉ làm ở mức tạm chấp nhận được là vui rồi, không thể đòi hỏi cao hơn nữa” - một đạo diễn trần tình.
Đạo diễn Xuân Cường cho rằng nhiều đạo diễn nhận làm phim đề tài này thường ở tâm thế “khó cũng phải làm” vì không làm thì mất cơ hội. Khi đó, dù kinh phí thấp, mọi điều kiện chưa đủ, họ vẫn kiên quyết làm đến cùng. Tiền ít, mọi thứ chưa ổn vẫn ráng sức, gọi là “liệu cơm gắp mắm”. Số phận những phim làm theo kiểu “lấy được” đó ra sao thì ai cũng đoán được” - đạo diễn Xuân Cường bức xúc.
Khát vọng của mỗi thế hệ làm phim Trong lúc các nhà làm phim chỉ chú trọng đầu tư làm phim thị trường thì cuộc sống, số phận con người sau chiến tranh cũng là đề tài người làm phim muốn chạm tới, muốn khai thác. Dù số lượng ít ỏi nhưng cũng không thể phủ nhận nỗ lực vượt khó của họ. Nói như đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh: “Đề tài chiến tranh, hậu chiến chưa là khát vọng của mọi thế hệ làm phim Việt Nam nhưng một trong số họ vẫn cố gắng để dòng phim này có chỗ đứng trong lòng công chúng yêu điện ảnh. Tôi tin họ sẽ tiếp tục học hỏi, tìm tòi để khai thác, phản ánh đa dạng, xúc động hơn nữa về con người, thân phận sau chiến tranh”. |