Dân Việt

10 năm phát triển cây ca cao: Nhanh, nhỏ, và hơi… nhầm

Thuận Hải 29/07/2015 13:30 GMT+7
TS Phan Huy Thông – Trưởng ban điều phối ca cao (Cục Trồng trọt) đã thừa nhận như vậy khi đánh giá kết quả 10 năm thực hiện các dự án phát triển ca cao tại Việt Nam.

Phát triển èo uột vì… nhầm

Thống kê của Cục Trồng trọt cho biết, cả nước có khoảng 11.700ha ca cao, tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và một số tỉnh ĐBSCL như Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh… Trong đó, 70% diện tích đang cho thu hoạch, 10% tổng diện tích là cây trồng thuần, phần còn lại là vườn ca cao trồng xen. So với năm 2012, diện tích ca cao đã giảm khoảng 54,6%.

img

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn chăm sóc vườn ca cao tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: T.H

Về năng suất, do là cây trồng xen lại không được đầu tư thâm canh hợp lý nên cây ca cao có năng suất bình quân hiện chỉ đạt 8 tạ hạt khô lên men/ha, nhiều hộ chỉ đạt năng suất 3 – 4 tạ/ha.

Đánh giá kết quả các chương trình phát triển cây ca cao tại Việt Nam, TS Trương Hồng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên thẳng thắn nhận định, 10 năm qua Việt Nam đã không đạt được các mục tiêu đề ra. Cũng chưa có cây trồng nào được dồn nhiều công sức, nguồn lực để thực hiện mà kết quả vẫn èo uột như cây ca cao.

Theo đó, ngành nông nghiệp ngay từ đầu đã không chính xác khi đánh giá ca cao là cây trồng “dễ ăn”, chọn làm cây “xóa đóa giảm nghèo”. Trên thực tế, cây ca cao đòi hỏi thâm canh cao, kể cả về quy hoạch, tổ chức sản xuất. “Do đó, với kết quả như hiện nay, giá thu mua hạt ca cao trên 60.000/kg cũng chưa hiệu quả, huống gì giá chỉ có 6.000 đồng/kg”- ông Hồng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Quốc Thích – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cho rằng, đầu những năm 2000, cây ca cao được tiếp cận như là loại cây không cần nước tưới, phục vụ mục đích xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế, cây ca cao cũng yêu cầu nước tưới, phân bón và có kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng mới có thể thành công.

“Không chỉ vậy, sau hơn 10 năm hô hào, các chính sách ưu tiên cụ thể cho cây ca cao gần như không có gì. Nông dân muốn phát triển trồng ca cao, kể cả thuộc chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cũng không thể tiếp cận vốn vay được”- ông Thích nói thêm.

Cần coi lại chiến lược phát triển

Sau hơn 10 năm được đầu tư mạnh, nhiều ý kiến cho rằng, để ca cao “có chỗ đứng” trên bản đồ cây trồng Việt Nam, cần phải coi lại chiến lược phát triển ở tất cả các khía cạnh.

Trước hết, theo TS Phạm Hồng Đức Phước, trước đây ngành trồng trọt chọn đồng bào thiểu số, nông dân nghèo ở các vùng sâu, vùng xa để mở rộng diện tích, dẫn dắt một ngành hàng mới với kỹ thuật canh tác không đơn giản như cây ca cao thì rất khó để thành công.

Hơn nữa, nếu cứ bất chấp đưa ca cao vào những vùng trồng có sự cạnh tranh cao bởi nhiều cây trồng khác, có giá trị kinh tế cao hơn như cây bưởi da xanh, tiêu, cà phê… thì ca cao chắc chắn không thể trụ đươc,

TS Trần Văn Hâu – khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cũng cho rằng, không thể cứ cho rằng ca cao là cây chịu rợp thì chỗ nào rợp, chỗ nào có bóng mát là “nhét” ca cao vào. Làm như vậy, ca cao chắc chắn thất bại hoàn toàn, cây không cho trái hoặc cho trái không nhiều.

Theo TS Hâu, mục tiêu của ngành trồng trọt là đưa diện tích ca cao lên 50.000ha vào năm 2020 là không khả thi khi đến nay, cả nước chỉ mới có 11.600ha, chưa kể tình trạng chặt bỏ ca cao vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương.

TS Phan Huy Thông – Trưởng ban điều phối ca cao Việt Nam cũng thừa nhận rằng, 10 năm qua, sự phát triển ca cao có thể tóm tắt qua 3 chữ N: Nhanh, nhỏ, và hơi… nhầm. Do đó, thời gian tới, không nên coi cây ca cao là cây chính hay là cây trồng xen mà phải là cây… kết hợp. Theo đó, sẽ tập trung phát triển trồng kết hợp trong vườn điều tại vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Qua đó, thực hiện thâm canh cho cả cây điều và cây ca cao. 

Tiếp tục xin quy hoạch lại

Việc quy hoạch vùng sản xuất ca cao do Viện Quy hoạch, Thiết kế Nông nghiệp thực hiện từ năm 2008, đến 2012 được Bộ NNPTNT phê duyệt nhưng khi triển khai thực hiện, đến nay, diện tích ca cao suy giảm và không đạt kết quả như mong đợi. Mặc dù vậy, trong Hội nghị Đánh giá 10 năm phát triển ca cao Việt Nam do Cục Trồng trọt tổ chức sáng 28.7, một đại diện của Viện này đã xin được… quy hoạch lại vùng sản xuất ca cao trong thời gian tới.