Dân Việt

TQ: Báo động tình trạng đồ trẻ em in nội dung thô tục

Thanh Trúc 29/07/2015 10:30 GMT+7
Cư dân mạng “dậy sóng” vì áo phông, mũ lưỡi trai in chữ nhạy cảm tràn lan trên thị trường.

Hôm qua, ngày 28.7, trang tin Shanghaiist của Thượng Hải, Trung Quốc đã đăng tải một bài viết, nêu lên hiện tượng đáng báo động trong thị trường thời trang nước này. Đó là việc xuất hiện tràn lan những trang phục, phụ kiện in chữ với nội dung kém lành mạnh.

img

Đồ trẻ em in chữ nhạy cảm bán tràn lan ở Trung Quốc

Để mở đầu, tác giả khẳng định bất cứ ai từng du lịch Trung Quốc đều dễ dàng nhận thấy những chữ tiếng Anh in trên vải đã trở thành một yếu tố vô cùng quen thuộc trong trang phục đường phố của giới trẻ nước này. Sẽ không có vấn đề gì nếu như những ngôn ngữ trên đó được sử dụng một cách trong sáng, văn minh.

Tuy nhiên, điều đáng nói là rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã vô cùng phẫn nộ khi chính mắt nhìn thấy một đứa trẻ 8 tuổi bước đi trên phố, với chiếc áo phông in nội dung vô cùng phản cảm: Say đến nỗi không thể “qua đêm” (tạm dịch)!

Cũng trong thời gian vừa qua, những chiếc áo phông, mũ lưỡi trai… in nội dung thiếu trong sáng tương tự cũng khuấy động cộng đồng mạng nước này sau khi được một cư dân mạng chụp lại tại trung tâm thương mại ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Khi được hỏi, rất nhiều chủ cửa hàng khẳng định bản thân họ không ý thức được trọn vẹn ý nghĩa của những từ in trên các sản phẩm này.

img

Bé gái mặc trang phục in chữ: "Hãy chạm vào tôi!" và bé trai 8 tuổi mặc áo phông tin chữ: "Say đến nỗi không thể 'qua đêm'.

Trước tình trạng đáng cân nhắc này, phóng viên trang tin Shanghaiist cũng đã phỏng vấn một số người dân nơi đây. Một ông bố tên Guo sống tại Thượng Hải cho hay anh từng đi mua sắm với con trai trong trung tâm thương mại và bắt gặp một chiếc mũ bóng chày với hình thức bắt mắt.

Tuy nhiên, chính con trai anh đã yêu cầu bố đừng mua chiếc mũ này và giải thích cho bố về ý nghĩa của dòng chữ in trên đó, với đại ý: “Tôi ‘bóc bánh’, bạn trả tiền”. Cũng giống như ở nhiều nơi khác, nhân viên bán hàng thề thốt rằng cô hoàn toàn chẳng hiểu chiếc mũ viết gì.

Những vụ việc thiếu trách nhiệm tương tự ngày càng tràn lan ở Trung Quốc đã dẫn đến “cơn bão” phẫn nộ của người dân nước này. Rất nhiều cư dân mạng đã chụp lại các trang phục có nội dung tương tự trên khắp đất nước để cảnh báo người dân. Tất cả đều cho rằng các bộ váy, áo, nhất là cho trẻ em in chữ thô tục như vậy cần phải bị cấm ở mọi quốc gia nói tiếng Anh.

img

Những dòng chữ thô tục trên áo phông trẻ em Trung Quốc

img

Khi được hỏi, hầu hết nhân viên bán hàng đều nói họ không ý thức được về nghĩa của những từ này

Để kết bài, phóng viên Shanghaiist đã trích dẫn một điều luật bảo vệ người tiêu dùng ở Trung Quốc. Theo đó, khi người tiêu dùng mua sản phẩm hay dịch vụ, họ cần phải được tôn trọng. Bên cạnh đó, truyền thống dân tộc, phong tục tập quán cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Cũng theo quy định, những người tiêu dùng hoàn toàn có quyền trả lại sản phẩm có in những dòng chữ mang ý nghĩa xúc phạm như vậy.

Đây không phải lần đầu, hiện tượng sản phẩm thời trang có nội dung dung tục bị sản xuất và bán tràn lan trên thị trường. Trước Trung Quốc, chính quyền Indonesia cũng từng lên chiến dịch truy lùng một nhà máy sản xuất trang phục khi hình ảnh một chiếc áo len trẻ em in hình gấu trúc với các tư thế phản cảm bị “lên án” trên mạng.

Ở Việt Nam, vào tháng 9.2014 vừa qua, phóng viên cũng đã bắt gặp một loạt áo phông dành cho trẻ em in dòng chữ có nội dung khá nhạy cảm: “Sexuality is not a crime” (Bản năng tình dục không phải là tội ác).

img

Áo phông trẻ em in dòng chữ không trong sáng ở Hà Nội

Những vụ việc tương tự xảy ra tại nhiều quốc gia châu Á đã dấy lên nỗi lo lắng không nhỏ đối với người dân nói chung và các bậc phụ huynh cho con nhỏ nói riêng. Hầu hết đều mong muốn tìm hiểu và loại bỏ những trang phục thiếu văn minh, mờ ám về nguồn gốc, xuất xứ tương tự, để làm trong sạch thị trường dành cho trẻ em, vốn cần được quan tâm đặc biệt.